Dịch thuật: Nước Tề có Phùng Huyên (Chiến quốc sách)

 

NƯỚC TỀ CÓ PHÙNG HUYÊN

Nước Tề có người tên Phùng Huyên 冯谖, nhà nghèo không thể tự nuôi sống mình, mới nhờ người đến nói Mạnh Thường Quân 孟尝君, xin được ở nhờ. Mạnh Thường Quân hỏi: “Khách thích gì?” Đáp rằng: “Khách không thích gì cả.” Lại hỏi: “Khách có tài gì?” Đáp rằng: “Khách không có tài gì cả”. Mạnh Thường Quân cười và thu nhận, nói rằng: “Được”.

          Bọn tả hữu thấy chủ mình xem thường người đó, nên dọn rau cho ăn. Được ít lâu, Phùng Huyên dựa cột, vỗ kiếm mà hát rằng: “Kiếm dài ơi, về đi thôi! Ăn cơm không có cá.” Bọn tả hữu báo lại với Mạnh Thường Quân, Mạnh Thường Quân bảo: “Dọn cá cho ông ấy, cũng như dọn cho khách trong nhà.” Một thời gian sau nữa, Phùng Huyên lại vỗ kiếm và hát: “Kiếm dài ơi, về đi thôi! Đi mà không có xe.” Bọn tả hữu đều cười, báo lại với Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân bảo: “Đóng xe cho ông ấy, cũng như đóng xe cho khách trong nhà.” Thế là ngồi xe, giương kiếm, đi ngang qua nhà bạn bè, nói rằng: “Mạnh Thường Quân đãi tôi như khách!” Ít lâu sau, Phùng Huyên lại vỗ kiếm, hát rằng: “Kiếm dài ơi, về đi thôi! Không có gì để nuôi gia đình.” Bọn tả hữu đều ghét, cho rằng ông tham không biết đủ. Mạnh Thường Quân hỏi: “Phùng công còn người thân không?” Đáp rằng: “Còn mẹ già.” Mạnh Thường Quân sai người cung cấp thức ăn đồ dùng, không để cho thiếu thốn. Thế là Phùng Huyên không còn hát nữa.

          Về sau Mạnh Thường Quân lấy sổ ghi chép ra, hỏi các môn khách: “Ai biết việc kế toán, có thể vì Văn này mà thu nợ ở đất Tiết ?” Phùng Huyên ghi tên mình vào sổ, nói rằng: “Tôi có thể.” Mạnh Thường Quân lấy làm lạ, hỏi: “Người này là ai?” Bọn tả hữu đáp rằng: “Là người mà hát ‘Kiếm dài ơi, về đi thôi’ đấy.” Mạnh Thường Quân cười bảo rằng: “Khách quả thực có tài, ta đã phụ ông ấy chưa từng gặp mặt.” Mời đến gặp mặt, tạ lỗi rằng: “Tôi vì công việc mà mệt mỏi, do quá âu lo mà ngu muội, mải mê việc quốc gia mà đắc tội với tiên sinh. Tiên sinh không lấy làm xấu hổ mà vẫn có ý muốn đi thu nợ ở đất Tiết cho tôi sao?” Phùng Huyên đáp rằng: “Xin nguyện được đi”.

          Thế là sắm sửa xe, chuẩn bị hành trang, giấy khoán nợ, từ tạ ra đi, nói rằng: “Nợ thu hết rồi thì mua gì đem về?” Mạnh Thường Quân bảo: “Tiên sinh xem trong nhà tôi thiếu thứ gì thì mua thứ đó.” Phùng Huyên giong xe đến đất Tiết, sai viên thư lại gọi dân đến trả nợ, đem đối chiếu giấy khoán nợ, hết thảy đều khớp, bèn đứng lên thay mặt Mạnh Thường Quân truyền lời xoá hết nợ cho dân, thiêu đốt giấy khoán nợ. Dân đều hô vạn tuế.

          Phùng Huyên giong ngựa về lại đất Tề, sáng sớm xin cầu kiến. Mạnh Thường Quân lấy làm lạ, sao mà nhanh thế, bèn mặc áo đội mũ ra tiếp kiến, hỏi rằng: “Nợ thu hết chưa? Sao mà về nhanh thế!” Đáp rằng: “Đã thu xong hết.” “Thế mua gì đem về?”Phùng Huyên đáp: “Ngài bảo: ‘Xem thử trong nhà thiếu thứ gì thì mua thứ đó. Thần thiết nghĩ, trong nhà ngài chứa đầy châu báu, chó ngựa đầy chuồng, mĩ nhân cũng rất nhiều, thứ mà nhà ngài thiếu, ấy là “nghĩa”. Thần trộm mua nghĩa cho ngài.” Mạnh Thường Quân hỏi rằng: “Mua nghĩa là thế nào.” Đáp: “Nay ngài có đất Tiết nhỏ hẹp, đã không yêu dân mà lại chỉ biết mua lợi! Thần mượn lời ngài xóa hết nợ cho dân, thiêu đốt hết giấy khoán nợ, dân đều hô vạn tuế, ấy là thần đã mua nghĩa cho ngài vậy.” Mạnh Thường Quân có vẻ không vui, bảo rằng: “Được rồi. Tiên sinh nghỉ ngơi đi!”

          Một năm sau, Tề Vương nói với Mạnh Thường Quân rằng: “Quả nhân không dám lấy bề tôi của tiên vương làm bề tôi của mình.” Mạnh Thường Quân liền về đất Tiết, chưa đến trăm dặm mà dân dìu già dắt trẻ ra đường nghinh đón. Mạnh Thường Quân quay lại nói với Phùng Huyên: “Nghĩa mà tiên sinh mua cho Văn này, đến hôm nay mới thấy!” Phùng Huyên đáp rằng: “Thỏ khôn có ba hang mới tránh được cái chết. Nay ngài chỉ mới có một hang, chưa thể gối cao đầu mà ngủ! Tôi xin vì ngài mà đào thêm hai hang nữa.”

          Mạnh Thường Quân cấp cho Phùng Huyên 50 cỗ xe, 500 cân vàng, đi về phía tây đến đất Lương. Phùng Huyên nói với Huệ Vương rằng: “Tề đuổi đại thần Mạnh Thường Quân của mình về lại chư hầu, chư hầu nào đón ông ấy được trước tiên, thì sẽ giàu và binh mạnh.” Thế là Lương Vương để trống chức vị cao nhất, đem chức Tướng quốc vốn có đưa xuống làm Thượng tướng quân, sai sứ giả mang ngàn cân vàng, trăm cỗ xe đi rước Mạnh Thường Quân. Phùng Huyên đi trước, khuyên Mạnh Thường Quân rằng: “Ngàn vàng cân là vật trọng, xe trăm cỗ là hiển quý đối với sứ giả. Tề sẽ nghe tin này!” Sứ giả nước Lương ba lần đi về, Mạnh Thường Quân cố từ chối không chịu đi.

          Tề Vương nghe tin, quân thần đều sợ, sai Thái phó đem ngàn cân vàng, hai cỗ xe tứ mã, một thanh bội kiếm, cùng phong thư đến tạ lỗi Mạnh Thường Quân, nói rằng: “Quả nhân bất tường, bị quỷ nơi tông miếu quấy nhiễu, chìm đắm với bề tôi dua nịnh, đắc tội với ông. Quả nhân vô dụng, xin ông nghĩ đến tông miếu của tiên vương, trở về nước mà thống trị muôn dân được chăng?” Phùng Huyên khuyên Mạnh Thường Quân rằng: “Xin thỉnh tế khí của tiên vương, lập tông miếu nơi đất Tiết.” Miếu hoàn thành, về báo lại Mạnh Thường Quân rằng: “Ba hang đã đào xong, ngài có thể gối cao đầu mà vui rồi!”

          Mạnh Thường Quân làm Tướng quốc mấy chục năm, không gặp cái hoạ nào dù nhỏ, ấy là mưu kế của Phùng Huyên vậy.

          (Chiến quốc sách – Tề sách tứ 战国策 - 齐策四)

                                                                        Huỳnh Chương Hưng

                                                                        Quy Nhơn 25/9/2022

Nguồn

QUỐC NGỮ . CHIẾN QUỐC SÁCH

国语 . 战国策

Lí Duy Kì 李维琦 điểm hiệu

Trường Sa: Nhạc Lộc thư xã, 2006

Previous Post Next Post