Dịch thuật: Từ nhân san hạ Bình Hoài tụng (444) (Đặng Trần Côn: Chinh phụ ngâm)

 

TỪ NHÂN SAN HẠ BÌNH HOÀI TỤNG (444)

詞人刊下平淮頌

Từ nhân san khắc “Bình Hoài tụng”

          Bình Hoài tụng 平淮頌: Tức Bình Hoài Tây bi平淮西碑 còn gọi là Hàn bi 韓碑là bi văn do Hàn Dũ 韓愈thời Đường soạn để ghi nhớ và ca tụng cuộc chiến mà triều Đường đã tiêu diệt được Tiết độ sứ Ngô Nguyên Tế 吳元濟 cát cứ Thái Châu 蔡州.

          Bình Hoài Tây bi có liên quan đến một công án. Theo nghiên cứu của Lí Nguyên Huy 李元輝:

          Tháng 10 năm Nguyên Hoà 元和 thứ 12 thời Đường (năm 817), dưới sự chỉ huy thống nhất của Bùi Độ 裴度, Lí Tố 李愬 đêm tuyết đã thâm nhập Thái Châu 蔡州 (nay là Nhữ Nam 汝南 Hà Nam 河南), bắt Hoài Tây Tiết độ sứ Ngô Nguyên Tế 淮淮西節度使吳元濟. Đến đây, Hoài Tây 淮西 hơn 50 năm không nghe theo hiệu lệnh của triều đình rốt cuộc đã trở về với chính phủ trung ương. Phiên trấn cát cứ cát nơi nghe tin đã rúng động, lần lượt biểu thị lòng trung với triều đình. Triều đình trên dưới vô cùng vui mừng, quần thần chư tướng thỉnh cầu khắc thạch ghi công, lập bia ở Thái Châu 蔡州 để kỉ niệm lần thắng lợi quân sự trọng đại này. Đường Hiến Tông 唐憲宗bèn mệnh cho Đại văn học gia, Hành quân Tư Mã Hàn Dũ 韓愈 có tham gia chiến dịch đó soạn bi văn.

          Hàn Dũ sau khi tiếp nhận thánh chỉ, cảm thấy sự việc trọng đại. Tuy là một Đại văn hào, những cũng phải cẩn thận. Trải qua 70 ngày, tháng 3 năm 818 mới viết xong trình lên hoàng đế duyệt lãm.

          Bi văn khái thuật tình hình cát cứ phiên trấn, tính nghiêm trọng liên quan đến hoạ quốc ương dân, đột xuất có hoàng đế điều binh khiển tướng, bố trí anh minh. Bi văn cũng thuật lại việc nhậm mệnh Bùi Độ làm thống soái, quá trình chiến tranh Lí Tố đêm tuyết thâm nhập Thái Châu. Cuối cùng hoàng đế luận công phong thưởng, ca công tụng đức, cảnh muôn dân hoan hỉ vui mừng. Hiến Tông sau khi xem qua cả mừng, sai đem bi văn sao thành nhiều bản, phàm tướng soái lập công mỗi người được một bản, đồng thời chiếu lệnh khắc thạch lập bia tại Thái Châu. Nguyên Thái Châu có tấm Chính đức bi 政德碑 do Tiết độ sứ Ngô Thiếu Thành 吳少誠lập, sau khi tấm bia cũ Chính đức được mài phẳng, bài Bình Hoài Tây bi của Hàn Dũ được khắc trên tấm bia này.

          Công của danh thần Bùi Độ trung hưng, văn của Đại văn hào Hàn Dũ, quả thực cùng toả sáng, đương thế song tuyệt, bài văn xuất hiện, cả nước xưng tụng. Cát Lập Phương 葛立方 đời Tống đã tán thán rằng:

          Bùi Độ bình Hoài Tây, tuyệt thế chi công dã. Hàn Dũ “Bình Hoài Tây bi”, tuyệt thế chi văn dã. Phi Độ chi công bất túc dĩ đương Dũ chi văn; phi Dũ chi văn bất túc dĩ phát Độ chi công.

          裴度平淮西, 絕世之功也. 韓愈平淮西碑”, 絕世之文也. 非度之功不足以當愈之文; 非愈之文不足以發度之功.

          (Bùi Độ bình Hoài Tây, công lao tuyệt thế. Hàn Dũ soạn “Bình Hoài Tây bi”, áng văn tuyệt thế. Nếu không phải là công của Bùi Độ, thì không đủ để có được bài văn của Hàn Dũ; nếu không là bài văn của Hàn Dũ thì không đủ để phát dương công lao của Bùi Độ)

          Nhưng không ngờ, Bình Hoài Tây bi của Hàn Dũ lại dẫn đến một công án lịch sử. Nguyên nhân sự kiện tuy phức tạp, nhưng quy nạp lại chỉ có 4 chữ “Lí Tố tranh công” 李愬爭功.

          Theo ghi chép trong Cựu Đường thư – Hàn Dũ truyện 舊唐書 - 韓愈傳:

Hàn Dũ 韓愈 soạn “Bình Hoài Tây bi” 平淮西碑đa phần thuật việc của Bùi Độ 裴度. Đương thời thâm nhập Thái Châu 蔡州trước tiên bắt Ngô Nguyên Tế 吳元濟, thì Lí Tố 李愬 là công đầu. Lí Tố bất bình. Vợ Lí Tố ra vào trong cung, nhân đó tố cáo bi văn không đúng sự thực, chiếu ban xuống cho mài xoá bài văn của Hàn Dũ. Hiến Tông 憲宗 mệnh cho Hàn lâm học sĩ Đoàn Văn Xương 段文昌soạn lại bi văn để khắc thạch.

Hoá ra, một số người trách bi văn của Hàn Dũ quá đề cao công của Bùi Độ, mà không nói Lí Tố có công đầu. Hàn bi lập được chẳng bao lâu, đã bị bộ tướng của Lí Tố xô đổ. Còn vợ của Lí Tố là con gái của người cô của Hiến Tông, có thể ra vào hoàng cung, bà ta nhiều lần trước mặt Hiến Tông tố cáo bi văn không viết đến công lao của Lí Tố. Thế là, Đường Hiến Tông bèn hạ lệnh cho mài xoá bi văn của Hàn Dũ, sai Hàn lâm học sĩ Đoàn Văn Xương soạn lại, Và như thế, năm 818 Hàn bi biến thành Đoàn bi.

Từ đó về sau trải qua các đời, việc tranh luận giữa Hàn bi và Đoàn bi luôn không dứt, trước tiên là tranh luận về trình độ sáng tác bi văn cao thấp, rồi tranh luận công lao của Bùi Độ và Lí Tố ai cao hơn, tiếp nữa là tranh luận về khí độ của Bùi Độ và Lí Tố.

Bắt đầu đến thời Tống, người ta đa số đều ca tụng Hàn bi mà hạ thấp Đoàn bi. Thời Tống có một viên Thái thú ở Nhữ Nam 汝南 đã sai người xoá Đoàn văn, đem Hàn văn cho san khắc lại. Nhưng bên trên không phải là tự thể của Hàn Dũ. Năm 1080, Đại văn hào Tô Thức 蘇軾 đến Nhữ Nam, đã viết:

Hoài Tây công đức quán ngô Đường

Lại bộ văn chương nhật nguyệt quang

Thiên tải đoán bi nhân quái chá

Bất tri thế hữu Đoàn Văn Xương

淮西功德冠吾唐

吏部文章日月光

千載斷人膾炙

不知世有段文昌

(Công đức của người bình Hoài Tây đứng đầu triều Đường ta

Văn chương của Lại bộ sáng như mặt trời mặt trăng

Ngàn năm nay, việc đoán định bi văn khiến người ta khoái chá

Không biết trên đời có Đoàn Văn Xương)

Bài thơ trực tiếp ca tụng Hàn Dũ, chê Đoàn Văn Xương.

Phó Hạc Tường 傅鶴翔 người Nhữ Nam đời Thanh từng viết bài Thu nhật duyệt Hàn Văn Công Bình Hoài Tây bi 秋日閱韓文公平淮西碑, ở mấy câu đầu cũng đã chỉ ra Bùi Độ công cao hơn Lí Tố.

Hoang nguyên tầm cổ lập tây phong

Phất thức tàn bi tịch chiếu trung

Bất thị phi y kiên đại thảo

Thuỳ lai tuyết dạ tấu kì công

荒原尋古立西風

拂拭殘碑夕照中

不是緋衣堅大討

誰來雪夜奏其功

(Chốn hoang nguyên tìm dấu vết xưa, bia đứng trong gió tây

Phủi tấm bia tàn trong nắng chiều chiếu đến

Nếu chẳng phải là do vị quan kiên trì thảo phạt

Thì ai đó làm sao có được công trạng vào đêm tuyết để tấu công)

Một tấm bia, hai bài bi văn, rốt cuộc lôi kéo nhiều nhân vật lịch sử, dẫn đến vô số bình luận. Mà chuyện cũ ngàn năm lại tăng thêm cho Bình Hoài Tây bi hơi thở văn hoá nồng đậm.

(Tác giả: Lí Nguyên Huy 李元輝, Lịch sử Đại học đường chuyên lan tác gia)

https://kknews.cc/history/qyppqxy.html

Theo ý riêng, câu 444 này ý nói công lao của chinh phu nên được ghi nhớ và ca tụng, không liên quan gì đến công án Bình Hoài Tây bi .

Câu 444 bản diễn Nôm “Chinh phụ ngâm diễn ca” tương truyền của Đoàn Thị Điểm là:

Khúc nhạc từ réo rắt ngợi khen (382)

Bản Chinh phụ ngâm khúc của Vân Bình Tôn Thất Lương, nxb Tân Việt, in năm 1953 là:

Khúc nhạc từ réo rắt LỪNG khen

                                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                                            Quy Nhơn 04/4/2022

Previous Post Next Post