Dịch thuật: Lai lịch và truyền thuyết Trung nguyên tiết

 

LAI LỊCH VÀ TRUYỀN THUYẾT TRUNG NGUYÊN TIẾT 

Lai lịch Trung nguyên tiết

          Tên gọi “Trung nguyên” 中元 bắt đầu từ thời Bắc Nguỵ, “Trung nguyên tiết” 中元节 còn gọi là “Quỷ tiết” 鬼节hoặc “Vu lan bồn hội” 盂兰盆会. Theo những ghi chép trong Ngũ tạp trở 五杂俎: “Đạo kinh lấy ngày rằm tháng Giêng làm Thượng nguyên, rằm tháng Bảy làm Trung nguyên, rằm tháng Mười làm Hạ nguyên.” Trong Tu hành kí 修行记 có nói: “Ngày Trung nguyên tháng Bảy, Địa quan giáng xuống, định thiện ác nhân gian, đạo sĩ đêm đó tụng kinh, tù nhân bị bỏ đói cũng được giải thoát.” Phật giáo cũng có ngày này, cử hành pháp hội siêu độ, gọi là “Ốc lan mã nạp” 屋兰玛纳 (tiếng Ấn Độ là ULLAMBANA) cũng gọi là “Vu lan hội” 盂兰会. Ý nghĩa của Vu lan là treo ngược. Nỗi thống khổ nhân sinh giống như con dơi treo ngược trên cành cây. Bị treo ngược, không kham nỗi. Để cho chúng sinh tránh được nỗi khổ bị treo ngược, cần tụng kinh, bố thí thức ăn cho các cô hồn dã quỷ. Việc làm này trúng vào việc tế bái “Quỷ nguyệt” 鬼月 (tháng quỷ) của Trung Quốc, không hẹn mà gặp, nhân đó Trung nguyên tiết và Vu lan hội lưu truyền đồng thời.

Truyền thuyết Trung nguyên tiết

          Có rất nhiều truyền thuyết về Trung nguyên tiết, chủ yếu nhất có thuyết Diêm La Vương mỗi năm vào ngày mùng 1 tháng Bảy mở quỷ môn quan, thả một số cô hồn dã quỷ không có người thờ cúng lên dương gian hưởng thụ tế phẩm của mọi người. Ngày cuối cùng của tháng Bảy, trước khi đóng quỷ môn lại, những cô hồn sã quỷ này phải trở về cõi âm. Cho nên tháng Bảy còn gọi là “Quỷ nguyệt” 鬼月. Về câu chuyện Mục Liên 目莲 cứu mẹ: Trong hàng đệ tử của Phật, Mục Kiền Liên tôn giả 目犍莲尊者là thần thông đệ nhất, ngài tưởng nhớ đến mẫu thân đã qua đời, vận dụng thần thông nhìn thấy mẫu thân nhân vì nghiệp báo tham niệm lúc ở dương thế, sau khi mất đoạ xuống đường ác quỷ, sống một cuộc sống ăn không no. Thế là Mục Kiền Liên vận dụng thần lực hoá thành thức ăn đưa cho mẫu thân. Nhưng mẫu thân không bỏ được tham niệm, nhìn thấy thức ăn, sợ các quỷ khác tranh ăn, tham niệm khởi lên, thức ăn đến miệng lập tức hóa thành than lửa, không cách nào nuốt được. Mục Kiền Liên tuy có thần thông, thân làm con, không cứu được mẹ nên vô cùng đau buồn, ngài thỉnh giáo Phật. Phật bảo rằng: “Ngày rằm tháng Bảy là ngày cuối cùng của kiết hạ an cư, pháp thiện sung mãn, vào ngày này, mang bách vị dâng cúng tăng chúng, công đức vô lượng, có thể dựa vào tâm từ bi đó, cứu độ vong mẫu.” Đó là nguồn gốc của Đài Loan phổ độ bái “hảo huynh đệ”.

          Ngày rằm tháng Bảy hàng năm là “Vu lan bồn tiết” 盂兰盆节, cũng gọi là “Trung nguyên tiết” 中元节, một số nơi gọi là “Quỷ tiết” 鬼节, “Thí cô” 施孤, vốn là một nghi thức của Phật giáo Ấn Độ. Tín đồ Phật giáo truy tiến tổ tiên cử hành “Vu lan bồn hội”: Vu lan bồn kinh 盂兰盆经 trong kinh Phật lấy hiếu thuận làm ý chỉ khuyến khích đệ tử Phật giáo, hợp với tục tín “truy tiên điệu viễn” 追先悼远 của Trung Quốc, thế là ngày càng phổ cập.

          Dân gian lưu truyền phổ biến câu chuyện Mục Liên giải thoát tai ách của mẹ. Tại Trung Quốc từ đời Lương bắt đầu theo đó mô phỏng cử hành theo thành Trung nguyên tiết, chẳng qua đời sau ngoài dâng cùng chư tăng ra, còn có hoạt động bái sám 拜忏 phóng diệm khẩu 放焰口. 

          Vào ngày này, trước tiên những ngả đường trước thôn lập “Pháp sư toạ” 法师座 và “Thí cô đài” 施孤台. Bên cạnh toà Pháp sư cúng Địa Tạng Vương Bồ Tát 地藏王菩萨siêu độ quỷ hồn chốn địa ngục. Bên dưới toà cúng những mâm trái đào được làm từ bột, gạo. Trên Thí cô đài lập 3 linh bài và cờ chiêu hồn. Qua giữa trưa, các nhà lũ lượt mang đến heo, dê nguyên con, gà, vịt, ngỗng cùng các loại bánh, mức, trái cây bày ra trên Thí cô đài. Vị chủ sự lần lượt trên mỗi tế phẩm cắm cờ tam giác màu lam, màu đỏ, màu xanh, bên trên ghi “Vu lan thịnh hội” 盂兰盛会 “Cam lộ khai môn” 甘露开门... Nghi thức bắt đầu trong tiếng nhạc miếu đường trang nghiêm. Tiếp đó, pháo sư lắc chuông hướng dẫn chúng tăng dưới toà tụng niệm các chú ngữ và chân ngôn. Sau đó thí thực, đem những mâm trái đào gạo rải khắp bốn bên, làm như vậy 3 lần. Nghi thức đó gọi là “phóng diệm khẩu” 放焰口.

          Đến chiều tối, nhà nhà còn thắp hương trước cửa nhà mình, đem hương cắm trên mặt đất, càng nhiều càng tốt, tượng trưng ngũ cốc phong đăng, đó gọi là “bố điền” 布田. Một số nơi có hoạt động “phóng thuỷ đăng” 放水灯. Gọi là phóng thuỷ đăng chính là trên một tấm ván nhỏ gắn một chiếc đèn, đại đa số đều dùng giấy màu làm thành hình hoa sen, gọi là “thuỷ hạn đăng” 水旱灯. Theo cách nói truyền thống, thuỷ đăng là để dẫn đường cho những oan quỷ . Đèn tắt, thuỷ đăng cũng hoàn thành nhiệm vụ dẫn những oan hồn qua cầu Nại hà 奈何. Ngày hôm đó, các tiệm đều đóng cửa, đường dành cho quỷ. Chính giữa đường cứ mỗi trăm bước bày một hương án, trên hương án dấng cúng hoa quả tươi và “quỷ bao tử” 鬼包子 (bánh bao). Sau án có đạo sĩ hát tế quỷ ca mà mọi người nghe không hiểu. Nghi thức đó gọi là “Thí ca nhi” 施歌儿.

          Thượng nguyên tiết là Nguyên tiêu tiết chốn nhân gian, mọi người treo đèn kết hoa mừng Nguyên tiêu. “Trung nguyên” từ Thượng nguyên mà ra. Người ta cho rằng, Trung nguyên tiết là Quỷ tiết, cũng cần treo đèn để mừng. Nhưng nhân và quỷ có sự khu biệt, cho nên, Trung nguyên treo đèn có khác với Thượng nguyên treo đèn. Nhân là dương, quỷ là âm; đất liền là dương, nước là âm, dưới nước thần bí tối tăm, khiến người ta liên tưởng đến địa ngục u minh trong truyền thuyết. Hồn quỷ trầm luân nơi đó. Cho nên, Thượng nguyên treo đèn trên đất liền, Trung nguyên thả đèn trên mặt nước.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 22/8/2021

                                                           (Tân Sửu - Trung nguyên tiết)

Nguồn

http://wap.jrcn.org/html/215/52.htm

Previous Post Next Post