THỪA CƠ TRÚC
CHẺ NGÓI TAN (2439)
Trúc chẻ: Tức “phá trúc” 破竹. Thành ngữ “Thế như phá trúc” 势如破竹 tức
khi chẻ trúc từ đốt đầu tiên thuận theo thế dao chẻ thẳng tới đốt cuối cùng,
không trở ngại. Hình dung thắng lợi nhanh chóng, khí thế không gì ngăn cản được.
Trong Tấn thư – Đỗ Dự truyện 晋书 - 杜预传 có
câu:
Kim binh uy dĩ chấn, thí như phá trúc, sổ tiết
chi hậu, giai nghinh nhận nhi giải.
今兵威已振, 譬如破竹, 数节之后, 皆迎刃而解.
(Nay uy
thế của quân đã hăng, khí thế như chẻ trúc, sau mấy đốt đầu là có thể lướt dao
mà chẻ)
(Thành ngữ đại từ điển 成语大词典: Bắc Kinh –
Thương vụ ấn thư quán Quốc Tế hữu hạn công ti, 2004)
Ngói tan: Tức “ngoã giải” 瓦解. Thành ngữ “Thổ băng ngoã giải” 土崩瓦解 đất
lở ngói tan, tức gian phòng đất sụp đổ, ngói lợp vỡ tan. Hình dung sự việc sụp
đổ hoặc tan vỡ một cách triệt để.
Trong Quỷ Cốc Tử - Để hi 鬼谷子 - 抵巇 có
câu:
Quân thần tương hoặc, thổ băng ngoã giải
nhi tương phạt xạ.
君臣相惑, 土崩瓦解而相伐射.
(Vua
tôi nghi ngờ lẫn nhau, mối quan hệ như đất lở ngói tan, chinh phạt lẫn nhau)
(Thành ngữ đại từ điển 成语大词典: Bắc Kinh – Thương vụ ấn thư quán Quốc Tế hữu hạn
công ti, 2004)
Trong Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 史记 - 秦始皇本纪 cũng
có câu:
Tần chi tích suy, thiên hạ thổ băng ngoã
giải.
秦之积衰, 天下土崩瓦解
(Sự suy yếu của nhà Tần đã tích chứa từ lâu, thiên hạ như đất lở ngói tan)
Thừa cơ trúc
chẻ ngói tan
Binh uy từ ấy
sấm ran trong ngoài
(“Truyện Kiều” 2439 – 2440)
Trúc chẻ
ngói tan: Trúc chẻ, chữ Hán là “phá
trúc”, chỉ thế quân mạnh, đánh đâu được đấy, thế như chẻ tre, che một mắt thì
các mắt khác tự tách ra.
Ngói tan: Chữ Hán là “ngoã giải”, chỉ
thế quân đánh đâu được đấy, như mái ngói sụt một hòn là cả mảng sụt theo.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Sử ký: Binh uy sở chí thế như phá trúc hựu vạn
sự ngoã giải
史記: 兵威所至勢如破竹又萬事瓦解
(Sách Sử
ký: Uy quân đến đâu, thế như chẻ tre, lại muôn việc tan như dỡ ngói)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 13/3/2021