Dịch thuật: Lịch sử Hán tự

LỊCH SỬ HÁN TỰ 

          Hán tự 汉字 (chữ Hán) là một trong những văn tự cổ xưa nhất trên thế giới, cũng là văn tự duy nhất mà đến nay còn dùng. Văn hoá truyền thống Trung Hoa huy hoàng xán lạn, chủ yếu là do Hán tự ghi chép lại. Chúng ta phê phán di sản văn hoá lịch sử mà kế thừa, tất cần phải học tập tri thức cơ sở của Hán tự.

          Văn vật khai quật được cho thấy, Hán tự đại khái vào khoảng 5000 năm trước bắt đầu sản sinh, đương thời chế độ tư hữu đã xuất hiện, xã hội nô lệ đang hình thành; đến hơn 3000 năm trước, đã hình thành hệ thống, có thể ghi chép thành công Hán ngữ. Hán tự lúc ban đầu là do totem nguyên thuỷ diễn biến mà thành, để ghi chép số tự và những khái niệm tương đối trừu tượng, đã hấp thu không ít kí hiệu nguyên thuỷ. Đến hậu kì đời Thương, nó không chỉ có thể ghi chép danh từ, động từ, hình dung từ mà còn có thể ghi chép nhiều hư từ; nó không chỉ ghi chép từng từ đơn, mà còn có thể ghi chép từng câu, thậm chí về sau còn có thể ghi chép từng đoạn văn.

          Trong sự phát triển lịch sử mấy nghìn năm, Hán tự trước sau xuất hiện nhiều loại tự thể: giáp cốt văn 甲骨文, kim văn 金文, trứu văn 籀文, được gọi là cổ văn tự 古文字; lệ thư 隶书, thảo thư 草书, khải thư 楷书, hành thư 行书, được gọi là cận đại văn tự 近代文字. Cuối đời Tần đầu đời Hán là thời kì quá độ cổ văn tự phát triển hướng đến cận đại văn tự.

1- Giai đoạn cổ văn tự

          Giáp cốt văn甲骨文 là văn tự được khắc trên mai rùa, xương thú, thông hành vào hậu kì đời Thương và đời Chu tiếp sau đó, cách nay khoảng từ 3300 đến 3000 năm. Nhân vì nội dung nó ghi chép đại bộ phận là bói toán, cho nên còn được gọi là “bốc từ” 卜辞. Do bởi dùng dao để khắc trên mai rùa và xương thú cứng, nên đường nét nhỏ nhọn, nét tròn cong thì ít, nét vuông gãy thì nhiều. Cũng do bởi nó cách thời kì sáng lập Hán tự vẫn chưa xa lắm, cho nên tính tượng hình của nó mạnh, hình thể không cố định, phồn giản bất nhất, hợp văn nhiều. Nó là Hán tự mà hiện tại có thể thấy thành hệ thống ghi chép Hán ngữ hoàn chỉnh sớm nhất.

          Kim văn 金文là minh văn được đúc (khắc) trên thanh đồng khí. Nhân vì thanh đồng khí thời Tiên Tần là kim loại, cho nên được gọi là kim văn 金文, cát kim văn tự 吉金文字. Do bởi thanh đồng khí có khắc chữ là chung, đỉnh có số lượng nhiều, cho nên cũng gọi là chung đỉnh văn 钟鼎文. Thời gian kim văn thông hành, trên từ tảo kì đời Thương, dưới đến cuối thời Chiến Quốc, trước sau hơn 1200 năm. Kim văn tảo kì so với giáp cốt văn sớm hơn, nhân đó mà càng tiếp cận nhiều đố hoạ, càng bảo thủ, càng tượng hình, nhiều hình khối; hình khối kim văn vãn kì mất đi, nét bút đều, cân đối, lớn nhỏ nhất trí, sắp xếp chỉnh tề, càng mĩ quan.

          Trứu văn 籀文là loại tự thể do kim văn thời Tây Chu diễn biến mà ra, thông hành ở nước Tần thời Chiến Quốc. Tự thể của nó vuông, ngay ngắn, kết cấu cố định, hành khoản nghiêm cách, nhưng có một số chữ thiên bàng phức tạp.

          Đồng thời với Trứu văn và thông hành ở sáu nước quan đông là cổ văn lục quốc. Nó cũng từ kim văn thời Tây Chu diễn biến mà ra, nhưng tự hình của nó phân hoá nghiêm trọng, có manh mối văn tự khu vực hoá.

          Triện văn 篆文 vốn là hợp xưng của đại triện và tiểu triện. Nhưng người ta đối với việc lí giải đại triện trước giờ không thống nhất, có người dùng nó để chỉ trứu văn, có người dùng nó để chỉ cổ văn tự có trước trứu văn, bao gồm giáp cốt văn, kim văn trong đó. Để tránh sự lẫn lộn, triện văn ở đây chỉ loại tiểu triện nguyên lai vốn có.

          Triện văn là loại tự thể do trứu văn tỉnh cải mà ra, nó sản sinh ở nước Tần vào hậu kì Chiến Quốc, thông hành vào triều Tần và sơ kì thời Tây Hán. Triện văn tỉnh cải trứu văn, chủ yếu là tỉnh cải thiên bàng và giản hoá nét bút, tự hình thống nhất, thực hiện đường nét hoá, phù hiệu hoá và quy luật hoá. Đặc điểm của triện văn là tròn cong, không chỉ chỗ chuyển ngoặt cần phải viết thành hình cong mà nhiều nét xiên cũng cần viết thành hình cong. Nhân đó, tự hình của triện văn rất ngay ngắn cân đối, tác phẩm thư pháp được viết bằng triện văn rất đẹp. Triện văn là loại tự thể cuối cùng của giai đoạn cổ văn tự, là chiếc cầu nối cho cổ văn tự hướng đến cận đại văn tự.

          Từ giáp cốt văn đến triện văn, hình thể của Hán tự tuy biến hoá rất nhiều, nhưng đặc điểm cơ bản không thay đổi, tức tính tượng hình, tính biểu ý của Hán tự rất rõ ràng, thông qua tự hình nhìn chung có thể nhìn thấy tự nghĩa. Nhân đó, khi tìm hiểu nghiên cứu nghĩa gốc của Hán tự, thường truy ngược đến hình thể cổ văn tự. ... (còn tiếp)

                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 20/02/2021

Nguồn

CỔ HÁN NGỮ TỐC THÀNH ĐỘC BẢN

古汉语速成读本

Biên soạn: Lưu Khánh Nga 刘庆俄

                                                                Trung Hoa thư cục, 2005 

Previous Post Next Post