Dịch thuật: "Học tại tứ di" thể hiện tư tưởng gì

 

“HỌC TẠI TỨ DI” THỂ HIỆN TƯ TƯỞNG GÌ

          “Học tại tứ di” 学在四夷 nói cho hoàn chỉnh là “Thiên tử thất quan, học tại tứ di” 天子失官, 学在四夷, ý nghĩa là thiên tử mất đi chức trách của mình, học thuật văn hoá vốn do thiên tử nắm giữ đã lưu lạc đến các chư hầu quốc, cho đến các nơi đông di, tây nhung, nam man, bắc địch.

          Năm Lỗ Chiêu Công thứ 17 (năm 525 trước công nguyên), quốc quân Đàm Tử 郯子của nước Đàm đến thăm nước Lỗ, Lỗ Chiêu Công bày yến tiệc chiêu đãi. Trong bữa tiệc, đại phu nước Lỗ Thúc Tôn Chiêu Tử 叔孙昭子 hỏi Đàm Tử sự việc có liên quan đến Thiếu Hạo 少昊 dùng chim để đặt tên cho chức vị của quan viên, Đàm Tử có trả lời. Khi Đàm Tử giới thiệu, đã nói rất rành rẽ giống như đếm những gia bảo của nhà mình. Khổng Tử sau khi nghe nói liền đến bái kiến Đàm Tử, xin thỉnh giáo sự việc của Thiếu Hạo thị. Lúc ra về, Khổng Tử cảm thán rằng:

          - Ta trước đây có nghe qua câu, ‘Thiên tử thất quan, học tại tứ di’, xem ra quả thực là đúng như vậy.

          Sở dĩ Khổng Tử phát ra những lời cảm thán như thế là có một bối cảnh xã hội lớn. Thời Tây Chu, Chu Vương thất không chỉ nắm giữ quyền lực chính trị, mà còn thống nhất nắm giữ học thuật giáo dục, nhân đó mà học thuật lúc bấy giờ luôn được gọi là “vương quan học” 王官学. Nhưng đến thời Đông Chu trở về sau, vương quyền suy yếu, học thuật văn hoá cũng theo đó mà có chiều hướng đi xuống. Học giả đời sau thường cho rằng quá trình này đại để chia làm hai bước.

          Đầu tiên là nhân vì suy yếu quyền lực của Chu vương thất, có nhiều biến cố chính trị, một số quan viên văn hoá đã lần lượt rời khỏi đô thành Lạc Dương 洛阳, lưu lạc đến các nước chư hầu. Như Lão Tử 老子 nguyên là Thủ tàng sử của nhà Chu nhìn thấy Chu vương thất suy vi, thiên hạ sắp đại loạn, liền từ bỏ chức quan, cưỡi thanh ngưu ra Hàm Cốc quan 函谷关 phía tây mà đi. Trong Luận ngữ - Vi Tử 论语 - 微子 có chép một số nhạc quan từ quan mà đi, tản lạc đến các nước chư hầu. Trong Tả truyện 左传 có ghi Vương Tử Triều 王子朝 và một nhóm tử đệ quý tộc đã mang theo rất nhiều điển tịch của Chu vương thất đi đến nước Sở. Việc văn hoá quan cùng với điển tịch lưu lạc bên ngoài đã dẫn đến sự suy yếu về địa vị trung tâm văn hoá học thuật của Chu vương thất, khiến học thuật văn hoá của các nước chư hầu dần phồn vinh lên. Một số nguyên bản nhân vì sử dụng “di lễ” 夷礼 mà bị xem là chư hầu di tộc, bắt đầu thông qua sử dụng “Chu lễ” 周礼 mà dần dung hợp với văn hoá chủ lưu. Điều mà Khổng Tử nói “Thiên tử thất quan, học tại tứ di” chính là chỉ hiện tượng này. Sự xuất hiện của hiện tượng này, cũng nhân đó mà dẫn đến việc “Di Hạ chi biện” 夷夏之夏 (phân biệt Di Hạ) lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

          Thứ hai là vào cuối thời kì Xuân Thu, chư hầu suy yếu, giai tầng “sĩ”   quật khởi, nhiều văn hoá quan mất đi quan chức, lưu lạc trong dân gian, thông qua phương thức tế tự, lễ nghi để mưu sinh, dẫn đến sự phồn thịnh của văn hoá dân gian. Nhiều nhà văn hoá nhân dân gian tụ chúng để giảng học, khiến học thuật dân gian ngày càng đi đến phồn vinh, các lưu phái lần lượt xuất hiện, trên cơ sở này “Bách gia tranh minh” 百家争鸣 mới có có khả năng. Thông qua hai bước nói trên, học thuật văn hoá cuối cùng hoàn thành sự chuyển di từ quan phủ đến dân gian.

                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 04/01/2021 

Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post