Dịch thuật: Đầy sông kình ngạc, chật đường giáp binh (2252) ("Truyện Kiều")

 

ĐẦY SÔNG KÌNH NGẠC, CHẬT ĐƯỜNG GIÁP BINH (2252)

          Kình ngạc 鯨鳄: Tên hai loại cá to lớn hung dữ. Kình là cá voi; ngạc là cá sấu. Thường dùng kình ngạc để ví kẻ địch hung hãn.

          Giáp binh 甲兵: Tức giáp trụ và binh khí, phiếm chỉ binh khí, cũng dùng để ví sĩ tốt tinh nhuệ, phiếm chỉ quân đội.

          Trong Thi – Tần phong - Vô y - 秦風 - 無衣 có câu:

Vương vu hưng sư

Tu ngã giáp binh

王于興師

修我甲兵

(Vương phát binh đi giao chiến

Chỉnh đốn giáp trụ và binh khí)

          (Thi kinh – Bạch thoại tân giải 詩經 - 白話新解. Trí Dương xuất bản xã, 2004)

          Và trong Tuân Tử - Vương chế 荀子 - 王制:

          Cố bất chiến nhi thắng, bất công nhi đắc, giáp binh bất lao nhi thiên hạ phục.

          故不战而胜, 不攻而得, 甲兵不劳而天下服

          (Cho nên không đánh mà thắng, không công phá mà được, quân sĩ không phải lao nhọc mà thiên hạ quy phục)

          (Tuân Tử giản chú 荀子简注: Chương Thi Đồng 章诗同chú. Thượng Hải nhân dân xuất bản xã, 1974)

Ngất trời sát khí mơ màng

Đầy sông kình ngạc, chật đường giáp binh.

(“Truyện Kiều” 2251 – 2252)

Giáp binh kéo đến quanh nhà

Đồng thanh cùng gửi: “Nào là phu nhân?”

(“Truyện Kiều” 2259 – 2260)

Kình ngạc: Kình cá voi, ngạc là cá sấu, chỉ giặc giã.

Giáp binh: Binh sĩ mang áo giáp.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

(Kình ngạc) Cổ văn: Nghi trí phạt ư kình nghê.

          古文: 宜致伐於鯨鯢

          (Văn cổ: Nên đánh kẻ dữ tợn như cá kình cá nghê)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Trong câu 2252, “kình ngạc” ví chiến thuyền của Từ Hải. “giáp binh” ví đội quân của Từ Hải. Đường thuỷ thì có “kình ngạc”, đường bộ thì có “giáp binh”.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 21/01/2021

Previous Post Next Post