Dịch thuật: Nguồn gốc và sự phát triển của lễ nghi (tiếp theo)

 

NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA LỄ NGHI

(tiếp theo) 

          Lễ nghi cổ đại Trung Quốc hình thành vào thời “Tam Hoàng Ngũ Đế” 三皇五帝, đến thời Nghiêu Thuấn 尧舜, đã có chế độ lễ nghi thành văn, chính là “ngũ lễ” 五礼. “Ngũ lễ” chỉ cát lễ 吉礼, hung lễ 凶礼, tân lễ 宾礼, quân lễ 军礼và gia lễ 嘉礼. Đường Nghiêu 唐尧, Ngu Thuấn 虞舜, Hạ Vũ 夏禹 được xem là thánh hiền của tổ tiên nhân loại, bản thân họ đều chú trọng điển phạm lễ nghi. Truyền thuyết kể rằng, lúc Đế Nghiêu còn trẻ, vô cùng kính trọng người già và những đồng bối, lấy lễ mà nhường. Mỗi khi săn bắn trở về đều chia cho mọi người đều nhau, riêng mình lấy phần ít nhất, có lúc còn đem phần ít nhất của mình chia cho người già yếu. Đức hạnh của Đế Nghiêu được mọi người xưng tụng, cho nên mọi người tiến cử ông làm thủ lĩnh.

          Ngu Thuấn chú trọng lễ nghi là tấm gương cho các đời. Trong Nhị thập tứ hiếu đồ thuyết 二十四孝图说, thiên đầu tiên là Hiếu cảm động thiên 孝感动天, chính là nói đến câu chuyện ông Thuấn cày ruộng ở Lịch Sơn 历山, không sợ gian khổ, không sợ oán hờn , phụng dưỡng phụ thân, kế mẫu và người em cùng cha khác mẹ. Đế Thuấn còn thống nhất lễ nghi triều kiến.   

          Để tăng cường đoàn kết, nhanh chóng nâng cao sức tập trung giữa các chư hầu, Đế Thuấn lại quy định rõ 5 loại lễ mà Công Hầu, Bá, Tử, Nam khi triều kiến thiên tử cần phải tuân thủ nghiêm túc. Trong Thượng thư – Nghiêu điển 尚书 - 尧典 có ghi:

          Vọng trật dữ sơn xuyên, tứ cận đông Hậu, hiệp thời nguyệt chính nhật, dụng luật độ lượng hành. Tu ngũ lễ, ngũ ngọc, tam bạch, nhị sinh, nhất tử chí. Như ngũ khí, tuất nãi phục.

          望秩与山川, 肆觐东后, 协时月正日, 律度量衡. 修五礼, 五玉, 三帛, 二生, 一死贽. 如五器, 卒乃复.

          (Theo đẳng cấp lần lượt tế tự sơn xuyên, tiếp nhận quốc quân chư hầu phương đông triều kiến, giúp điều hoà bốn mùa xuân hạ thu đông, xác định thiên số, thống nhất âm luật và đơn vị trường độ, dung lượng, trọng lượng, chế định ngũ lễ cho Công, Hầu, Bá, Tử, Nam, quy định 5 loại ngọc khuê, 3 loại tơ màu, 2 con vật sống là dê con và chim nhạn sống, 1 gà rừng chết. Sau nghi lễ kết thúc, đem 5 loại ngọc khuê đưa về lại cho chư hầu).

          Những quy định lễ nghi này và sự chấp hành thiết thực, đối với việc tăng cường sự tín nhiệm cao độ giữa chính phủ trung ương với các nước chư hầu, tề tâm hợp lực, cùng đến với công trình thuỷ lợi to lớn, cuối cùng có được thắng lợi trong việc trị thuỷ, ý nghĩa vô cùng sâu xa.

          Lễ nghi chế định thời Nghiêu Thuấn kinh qua sự tổng kết hơn ngàn năm của ba quốc gia xã hội theo chế độ nô lệ là Hạ Thương Chu, được thực hiện rộng rãi và ngày càng đi đến chỗ hoàn thiện. Tiền kì triều Chu trải quan ba vị quân chủ Văn Vương 文王, Vũ Vương 武王, Thành Vương 成王, “hưng chính lễ nhạc, chế độ vu thị cải (1), nhi dân hoà mục, tụng thanh hưng” 兴正礼乐, 制度于是改, 而民和睦, 颂声兴 (sáng tạo và chế định lễ nhạc, chế độ từ đó được thay đổi, nhân dân hoà mục, tiếng ca tụng vang lên khắp nơi). Chu Công còn thiết trí lễ quan tại triều đình, chuyên nắm giữ lễ nghi trong thiên hạ, đem chế dộ lễ nghi cổ đại Trung Quốc đẩy lên một giai đoạn tương đối hoàn bị.

          Khổng Tử 孔子 (năm 551- năm 479 trước công nguyên) thời Xuân Thu đã đưa “lễ” lên đến một địa vị chí cao vô thượng. Khổng Tử yêu cầu mỗi người cần phải “khắc kỉ phục lễ” 克己复礼, Khổng Tử dạy các học trò của mình “phi lễ vật thị” 非礼勿视 “phi lễ vật thính” 非礼勿听 “phi lễ vật thực” 非礼勿食 (1). Tóm lại, vì nhu cầu của “lễ”, có thể bỏ tất cả. Để tuyên dương lễ chế cổ đại, Khổng Tử không ngại đường xa ngàn dặm, từ nước Lỗ đến Tây Kì 西歧học lễ nơi Lão Tử 老子 (Lí Nhĩ 李耳).

          Đến thời Hán Vũ Đế 汉武帝, sau khi xác lập phương lược trị quốc “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật” 罢黜百家, 独尊儒术, lễ nghi được xem là đạo đức xã hội, tiêu chuẩn hành vi, cột trụ chống đỡ tinh thần, tính trọng yếu của nó được nâng lên đến cao độ mà trước đó chưa từng có. Từ đó về sau, các triều các đời tại triều đình đều thiết trí cơ cấu quan liêu nắm giữ lễ nghi thiên hạ, như Đại hồng lô 大鸿胪, Thượng thư lễ tào 尚书礼曹 đời Hán, Từ bộ 祠部 đời Nguỵ Tấn (Bắc Nguỵ xưng là Nghi tào 仪曹), Lễ bộ Thượng thư 礼部尚书 từ đời Tuỳ Đường về sau (cuối đời Thanh đổi là Điển lễ viện 典礼院). Đồng thời, trứ thuật lễ nghi học ngày càng trọng yếu. Đời Hán đem Chu lễ 周礼, Nghi lễ 仪礼liệt vào trong ngũ kinh, là bài học mà người đi học phải đọc. Đới Thánh 戴圣người thời Tây Hán trên cơ sở nghiên cứu lễ thư của tiền nhân đã biên soạn bộ Lễ kí 礼记, cũng được liệt vào một trong thập tam kinh.

          Từ đó về sau, các nhà nghiên cứu lễ học của các đời trên cơ sở của một số lễ thư tiến thêm một bước nghiên cứu, trước sau xuất hiện trứ tác lễ học cả ngàn quyển như Chu lễ chú sớ 周礼注疏, Lễ nghi chú sớ 礼仪注疏, Lễ kí chính nghĩa 礼记正义, Lễ thuyết , Lễ kí tập giải 礼记集解, Lễ kí tập thuyết 礼记集说, Lễ thư thông cố 礼书通故, Lễ thư cương mục 礼书纲目 ... trở thành bộ môn khoa học quan trọng trong văn hoá lịch sử Trung Quốc, có tác dụng đặc biệt đối với sự tiến bộ của văn minh nhân loại.

          Bản chất của lễ nghi là đạo trị nhân, là sản vật phái sinh của tín ngưỡng quỷ thần. Người ta cho rằng, tất cả mọi sự vật đều có quỷ thần mà nhìn không thấy đang thao túng, thực hành lễ nghi tức là hướng đến quỷ thần cầu phúc. Nhân đó, lễ nghi bắt nguồn từ tín ngưỡng quỷ thần, cũng là một hình thức thể hiện đặc thù của tín ngưỡng quỷ thần.

          Trung Quốc là “lễ nghi chi bang” 礼仪之邦 trên dưới 5000 năm, từ thời Tây Chu xem lễ là “quốc chi đại bính” 国之大柄  (2) đến “ngũ giảng tứ mĩ” 五讲四美 (3) thời hiện đại; từ “quốc vô lễ nhi bất ninh” 国无礼而不宁 (4) của Tuân Tử 荀子 đến kiến thiết văn minh tinh thần của hiện nay, lễ nghi luôn là hạt nhân văn hoá truyền thống. Thời Tống, lễ nghi và thuyết giáo đạo đức luân lí phong kiến dung hợp, tức lễ nghi và lễ giáo tương tạp, trở thành một trong những công cụ đắc lực để thực thi lễ giáo. Mãi cho đến hiện đại, lễ nghi mới có được sự cải cách chân chính, bất luận là lễ nghi của cuộc sống chính trị quốc gia hay là lễ nghi của cuộc sống nhân dân đều cải biến thành một nội dung mới vô quỷ thần luận, từ đó trở thành lễ nghi văn minh hiện đại. Lễ nghi Trung Quốc đã có tác dụng “chuẩn pháp luật” trong văn hoá Trung Quốc.   (hết)

Chú của người dịch

1- Thiên Nhan Uyên 颜渊 trong Luận ngữ 论语 có ghi:

Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động.

非礼勿视, 非礼勿听, 非礼勿言, 非礼勿动

(Không hợp với lễ thì chớ có nhìn, không hợp với lễ thì chớ có nghe, không hợp với lễ thì chớ có nói, không hợp với lễ thì chớ có làm)

          Trong nguyên tác, chỉ có “phi lễ vật thị”, “phi lễ vật thính”, nhầm “phi lễ vật thực” 非礼勿 và không có “phi lễ vật ngôn”.

2- Quốc chi đại bính国之大柄: Đại quyền của quốc gia.

3- Ngũ giảng tứ mĩ 五讲四美:

          Ngũ giảng: tức giảng văn minh, giảng lễ mạo, giảng vệ sinh, giảng trật tự, giảng đạo đức.

          Tứ mĩ: chỉ tâm linh mĩ, ngôn ngữ mĩ, hành vi mĩ, hoàn cảnh mĩ.

4- Thiên Tu thân 修身 trong Tuân Tử 荀子 có ghi:

          Nhân vô lễ tắc bất sinh, sự vô lễ tắc bất thành, quốc gia vô lễ tắc bất ninh.

          人无礼则不生, 事无礼则不成, 国家无礼则不宁

          (Người mà không có lễ nghi thì không thể sinh tồn, sự việc mà không có lễ nghi thì không thể làm thành, quốc gia mà không có lễ nghi thì không thể an ninh)

          (Tuân Tử giản chú 荀子简注: Chương Thi Đồng 章诗同 chú. Thượng Hải nhân dân xuất bản xã, 1974)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 14/12/2020

Nguồn

TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ TINH TUÝ

中国民俗文化精粹

Chủ biên: Vương Lệ Na

Bắc Kinh: Tuyến trang thư cục, 2016.

Previous Post Next Post