MẠNH TỬ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN HỌC THUYẾT
NHO GIA
(kì 2)
Sau khi
về đến nước Trâu, Mạnh Tử bắt chước cách làm của Khổng Tử, mở một trường tư
truyền dạy cho học trò học thuyết Nho gia. Học trò của ông tuy không nhiều bằng
Khổng Tử, nhưng trước sau cộng lại cũng đến hơn mấy trăm người, rất có ảnh hưởng
lúc bấy giờ; trong đó có học trò sau này trở thành người kế thừa trung thực sự
nghiệp của ông.
Mạnh Tử
rất coi trọng lễ trong Nho học, đồng thời xem nó là bộ phận tổ thành trọng yếu
trong Nho học, tiến hành giảng giải. Nhân đó, học trò của ông cũng rất trọng lễ.
Một lần
nọ, có người hỏi học trò của Mạnh Tử là Ốc Lư Tử rằng:
- Nho gia các anh chú trọng lễ như thế, tôi có một vấn đề xin được thỉnh
giáo: Lễ và thức ăn thứ nào quan trọng
hơn?
Ốc Lư Tử
đáp rằng:
- Đương nhiên là lễ quan trọng hơn.
- Thế thì lấy vợ và lễ thứ nào quan trọng hơn?
- Đương nhiên là lễ quan trọng hơn.
Người nọ
lại hỏi:
- Nếu theo lễ đi tìm thức ăn, sẽ bị chết đói;
còn không theo lễ, sẽ có được thức ăn. Nếu theo lễ mà lấy vợ, sẽ lấy không được,
còn không theo lễ, có thể lấy được vợ. Lẽ nào chẳng phải là không theo lễ mà
làm sao?
Trong
nhất thời, Ốc Lư Tử đáp không được. Ngày hôm sau, hướng đến Mạnh Tử thỉnh giáo.
Mạnh Tử
sau khi nghe qua, nói rằng:
- Có gì mà khó trả lời đâu? Kim loại nặng hơn
lông, lẽ nào nhân đó lại nói kim loại hai ba tiền nặng hơn một xe lông sao? Thức
ăn và lấy vợ đều cần, nhưng có thể vì những việc đó mà không nghĩ đến lễ, đi bẻ
quặt tay của anh để cướp lấy miếng ăn, hoặc giả cưỡng chiếm con gái nhà người
ta sao?
Ốc Lư Tử
chợt hiểu ra.
Lại có
một lần khác, có người hỏi Mạnh Tử:
- Giữa nam và nữ không được dùng tay để đưa và
nhận đồ vật, đó là lễ sao?
Mạnh Tử
đáp rằng:
- Nam nữ thụ thụ bất thân, điều đó đương nhiên
là lễ.
Người nọ
lại hỏi:
- Thế thì nếu chị dâu rớt xuống nước, thân là
em chồng có thể dùng tay để cứu không?
Mạnh Tử
tức giận đáp rằng:
- Chị dâu rớt xuống nước mà không cứu, thì đó
là hành vi của sài lang! Nam nữ thụ thụ bất thân chính là lễ lúc bình thường,
dùng tay cứu chị dâu đó là cách làm biến thông trong tình huống cấp bách. Đó có
gì là không thể?
Người nọ
tiến thêm một bước hỏi rằng:
- Nay bách tính trong thiên hạ khổ đến mức giống như đang rơi xuống nước,
ông không đi cứu họ, đó là nguyên nhân gì?
Mạnh Tử
đáp rằng:
- Bách tính trong thiên hạ đều rơi xuống nước,
phải dùng đạo cứu thế để giải cứu họ mới phải, ông sao lại bảo tôi dùng tay để
cứu họ?
Từ những
câu trả lời đó có thể thấy, Mạnh Tử rất chú trọng lễ. Nhưng, đối với việc lí giải
và vận dụng lễ, Mạnh Tử lại linh hoạt, có thể căn cứ vào tình hình thực tế mà
biến thông.
Cũng
như Khổng Tử trong việc giảng học, Mạnh Tử rất chú trọng đến phương pháp giảng
dạy. Tuy ông cho rằng mọi người đều có thiên tính “lương tri” 良知 và
“lương năng”良能, nhưng do bởi chịu ảnh hưởng của ngoại cảnh nên cá
tính của mỗi cá nhân khác nhau. Cho nên, trong quá trình giáo dục, cần phải có
cách dạy nhân theo người mà khác nhau.
Mạnh Tử
cho rằng, đối tượng để vị thầy dạy có thể phân làm 5 loại, đối với đối tượng vốn
đã có sự tu dưỡng tốt, chỉ cần thêm chút gợi ý là được, giống như cây mạ tốt chỉ
cần mưa đúng thời thì nó có thể lớn lên; có đối tượng về phương diện đức hạnh tốt,
thì bồi dưỡng phương diện này; có đối tượng có nhiều tài năng, có thể tăng thêm
chỉ điểm ở phương diện này; đức và tài đều bình thường thì có thể dung phương
thức hỏi đáp, giải những điều nghi hoặc và chú thích những điều ngờ vực cho họ;
còn như có một số đối tượng nhân vì chịu sự hạn chế về điều kiện thời gian, địa
điểm, không thể đến thụ nghiệp, thì có thể tự mình tiến tu. Cách nhìn này của Mạnh
Tử hoàn toàn kế thừa nguyên tắc nhân theo tài mà thi giáo của Khổng Tử, theo đó
mà vận dụng.
Mạnh Tử
còn chủ trương học tập nên tuần tự tiệm tiến, không thể một bước mà lên tới trời.
Vì điều đó, ông đã đưa ra một ví dụ đối với học trò: nước của một con suối ngày
đêm không ngừng chảy, đến khi chỗ trũng đã đầy, nước lại chảy hướng về phía trước,
kết quả sẽ chảy ra bốn biển. Nếu không theo một trình tự nhất định để học tập,
muốn một bước đã lên được trời thì sẽ không bao giờ có thành tựu. Để nói rõ đạo
lí này, ông đặc biệt đã nêu ví vụ “yết miêu trợ trưởng” 揠苗助长 (nhón
mạ giúp mạ mau lớn) (1).
Nước Tống
có người lo mạ của mình lớn quá chậm. liền nhón từng chân mạ lên, về nhà khoe với
người nhà rằng: “Hôm nay ta đã giúp cho mạ mau lớn”. Người con nghe vậy vội chạy
ra ruộng xem, phát hiện mạ mều đã chết khô.
“Yết” 揠chính là nhổ lên. Về sau “yết miêu trợ trưởng” trở thành một thành ngữ mà người ta thường dùng, ví không chịu theo quy luật của sự vật, nếu cưỡng cầu mau có được thành quả, thì ngược lại làm cho sự việc bị tổn hại.....
(còn tiếp)
Chú của người
dịch
1- Yết miêu trợ
trưởng揠苗助长: thành ngữ này xuất xứ từ Mạnh Tử
- Công Tôn Sửu thượng 孟子 - 公孙丑上.
Tống nhân hữu mẫn kì miêu chi bất trưởng nhi
yết chi giả, mang mang nhiên quy, vị kì nhân viết: “Kim nhật bệnh hĩ! Dư trợ
miêu trưởng hĩ!” Kì tử xu nhi vãng thị chi, miêu tắc cảo hĩ.
宋人有闵其苗之不长而揠之者, 芒芒然归, 谓其人曰: “今日病矣! 予助苗长矣!” 其子趋而往视之, 苗则槁矣.
(Có người
nước Tống lo lắng mạ của mình không lớn bèn nhón chân mạ cao lên. Làm cả ngày mệt
nhọc, về đến nhà nói với người nhà rằng: “Hôm nay mệt quá! Ta đã giúp cho mạ
mau lớn.” Người con nghe nói vội chạy ra ruộng xem, mạ đã khô héo hết.)
(Mạnh Tử 孟子: Vạn Lệ Hoa 万丽华, Lam Húc 蓝旭 chú dịch. Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 2007)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 27/12/2020
Nguyên tác Trung văn
MẠNH TỬ KẾ THỪA PHÁT TRIỂN NHO GIA HỌC THUYẾT
孟子继承发展儒家学说
Trong quyển
VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN
Biên soạn: Vũ Nhân 羽人
Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản)