Dịch thuật: Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên (1902) ("Truyện Kiều")

 

GIÁ NÀY DẪU ĐÚC NHÀ VÀNG CŨNG NÊN (1902)

          Nhà vàng: chữ Hán là “kim ốc” 金屋

          Trong Hán Vũ cố sự 汉武故事có thuật lại câu chuyện Hán Vũ Đế 汉武帝 với A Kiều 阿娇lúc thanh mai trúc mã.

          Hán Vũ Đế Lưu Triệt 刘彻 được lập làm Giao Đông Vương 胶东王 từ năm lên 4 tuổi. Có một lần, Trưởng công chúa Quán Đào 馆陶  bế Lưu Triệt ngồi trên vế, hỏi rằng:

          - Sau này cháu muốn lấy vợ không?

          Lưu Triệt đáp rằng:

          - Muốn chứ

          Trưởng công chúa chỉ đám thị nữ mấy trăm người, Lưu Triệt đều không thích. Cuối cùng Trưởng công chúa chỉ vào con gái mình là A Kiều, hỏi rằng:

          - A Kiều thì thế nào?

          Lưu Triệt cười đáp rằng:

          - Nếu lấy được A Kiều làm vợ, sẽ làm nhà vàng cho nàng ở.

          (Nhược đắc A Kiều tác phụ, đương tác kim ốc trữ chi dã).

          若得阿娇作妇, 当作金屋贮之也

          Trưởng công chúa vui mừng, mấy lần thỉnh cầu Cảnh Đế 景帝, cuối cùng hôn sự được định.

https://baike.baidu.com/item/%E6%B1%89%E6%AD%A6%E6%95%85%E4%BA%8B

Ví chăng có số giàu sang

Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên

(“Truyện Kiều” 1901 – 1902)

Đúc nhà vàng: Hán Vũ Đế khi còn nhỏ, từng nói về nàng Ả Kiều: Nếu lấy được Ả Kiều làm vợ thì làm nhà vàng cho nàng ở, sau Ả Kiều làm hoàng hậu.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Hán thư: Vũ Đế thiếu thời viết: Như đắc ả Kiều đương dĩ kim ốc trữ chi.

          漢書: 武帝少時曰: 如得婀嬌當以金屋貯之

          (Sách Hán: Vua Vũ Đế lúc bé nói: Như lấy được người con gái ấy thì làm nhà vàng cho ở)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Nguồn gốc điển cố “Kim ốc tàng Kiều” 金屋藏娇trong chính sử không thấy chép, mà là ở quyển tiểu thuyết chí quái  Hán Vũ cố sự汉武故事 .Hán Vũ cố sự汉武故事còn có tên là Hán Vũ Đế cố sự 汉武帝故事, 1 quyển, là tiểu thuyết chí quái loại tạp truyện, không rõ tác giả, niên đại thành sách không sớm hơn thời Nguỵ Tấn. Trong các điển tịch từ thời Hán đến thời Nguỵ Tấn không thấy xuất hiện thành ngữ “Kim ốc tàng Kiều”, và cũng trong thời gian đó, thành ngữ này vẫn chưa có kết cấu cố định. Thời Nam Bắc triều đến Tuỳ Đường ngũ đại, trong các tác phẩm văn học chỉ thấy “Kim ốc trữ Kiều” 金屋贮娇.

https://baike.baidu.com/item/%E9%87%91%E5%B1%8B%E8%97%8F%E5%A8%87/81301

Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 1901 là:

Ví SINH có số giàu sang

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 13/10/2020

Previous Post Next Post