Dịch thuật: Vạn lí tráng du - Khảo sát thực địa (Tư Mã Thiên)

VẠN LÍ TRÁNG DU (THƯỢNG)

KHẢO SÁT THỰC ĐỊA

          Nghe Trương Khiên 张骞 nói đến những điều nghe thấy được ở Tây Vực, trong lòng Tư Mã Thiên chấn động.
          Những điều mà Trương Khiên nói, đối với Tư Mã Thiên mà nói là rất mới, rất kì lạ.  Còn điều khiến trong lòng Tư Mã Thiên chấn động đó là đọc được những ghi chép từ trong sách vở về tây vực, không những tư liệu không nhiều, mà còn rất khác xa với những gì Trương Khiên nghe thấy. Tư Mã Thiên cảm ngộ được, những ghi chép trong sách vở không nhất định phải là hoàn toàn chính xác, khảo sát thực địa đối với học vấn là vô cùng quan trọng.
          Về đến nhà, Tư Mã Thiên liền đem những nội dung mà Trương Khiên đã nói ghi chép lại. Ông tập thành thói quen tốt ghi chép bút kí, cứ mỗi khi có kiến văn mới, hoặc cảm tưởng khi đọc sách lĩnh hội được, đều dùng bút kí ghi lại giống như phụ thân.
          Dừng bút lại, tư tưởng  của Tư Mã Thiên trôi đến một nơi xa. Ông có cảm tưởng rằng: “mắt thấy là thực, khảo sát để cầu chân!”
          Tư Mã Thiên nghĩ đến: Phụ thân nhân vì chỉnh lí thư viện của hoàng gia, đã phát hiện một khoảng thời gian từ cuối thời Chiến Quốc đến lúc triều Hán khai quốc, tư liệu lịch sử về Lưu Bang 刘邦cùng Hạng Vũ 项羽 tranh bá thiên hạ rất không hoàn chỉnh, bèn muốn đích thân đến những địa điểm có tính then chốt trong lịch sử để khảo sát. Nhưng địa điểm đó dường như trải rộng một nửa Trung Quốc. Phụ thân thân là Sử quan, cần phải ở bên cạnh hoàng đế, không thể có nhiều thời gian để khảo sát từng nơi một.
          Tư Mã Thiên nghĩ rằng bản thân mình đã trưởng thành, cần phải chia bớt những âu lo trong sự nghiệp của phụ thân. Huống hồ, ra ngoài khảo sát không chỉ sưu tập được những sử liệu hữu dụng, mà còn rèn luyện cơ hội tốt cho bản thân; có thể nhân cơ hội đó mà mở rộng tầm mắt, tăng trưởng sự hiểu biết, làm phong phú tri thức.
          Trong lòng Tư Mã Thiên kích động, cảm thấy cách nghĩ của mình quá hay. Viễn du sẽ là niềm hứng thú mới mẻ, cho dù trên đường sẽ có nhiều gian khổ khó khăn, nhưng ông cho rằng bản thân mình cần phải thử.
          Tư Mã Thiên đã quyết định, liền đem suy nghĩ của mình nói với phụ thân.
          Tư Mã Đàm trầm tư một hồi lâu mới gật đầu, tán thưởng nói:
- Sự từng trải của bản thân, khảo sát thực địa, quả thực là con đường đúng đắn để học và nghiên cứu về sử. Như thế này đi, để cha thay con liên hệ thử, ngồi dịch xa của triều đình đưa công văn đến chính quyền địa phương, như vậy trên đường đi sẽ thuận tiện hơn.
          Được sự ủng hộ của phụ thân, Tư Mã Thiên cảm thấy rất vui mừng.
          Tư Mã Thiên tĩnh tâm lại, bắt đầu chuẩn bị cho việc đi xa. Điều đầu tiên phải xác định đó là tuyến đường: từ Trường An 长安xuất phát, ra khỏi Vũ Quan 武关, đi qua phía đông Tần Lĩnh 秦岭, xuyên qua thung lũng Nam Dương 南阳 trong khu vực tỉnh Hà Nam 河南, rồi từ chân núi Sơn Tây 山西ở Đồng Bách 桐柏, giao giới giữa Hà Nam và Hồ Bắc 湖北 đổi sang đi đường thuỷ, từ Tương Dương 襄阳ngồi thuyền thuận theo giòng Hán Thuỷ 汉水thẳng xuống Giang Lăng 江陵, đổi sang thuyền Trường Giang 长江rồi thuận theo Trường Giang xuống bờ nam Động Đình 洞庭.
          Điểm đến đầu tiên mà Tư Mã Thiên đã sắp xếp trong cuộc hành trình là huyện La – nơi mà danh thần nước Sở Khuất Nguyên 屈原 thời Chiến Quốc đã chết (nay là Mịch La 汨罗 Hồ Nam 湖南).
          Cuối cùng ngày xuất phát đã đến, khát vọng ngao du thiên hạ của Tư Mã Thiên sắp thành hiện thực. Ông muốn khảo sát di tích lịch sử, truy tầm linh hồn của chư hiền và anh hùng cổ đại. Ông muốn đi khắp giang hà sơn xuyên của Trung Quốc rộng lớn. đi thăm những nơi từng phát sinh qua sự kiện lịch sử trọng đại, đi thể nghiệm sự cô độc và tân kì trrn trường đồ lữ hành.
          Tư Mã Thiên từ biệt phụ mẫu, ngồi dịch xa – một loại xe ngựa đưa công văn thư tín đến chính quyền địa phương các nơi, mỗi trạm khoảng chừng 30 dặm (nay ước khoảng 15 cây số). Vó ngựa bon bon, bỏ lại sau lưng Trường An và người thân, đưa Tư Mã Thiên vào cuộc hành trình xa xôi ...  (còn tiếp)

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 09/7/2020

Nguồn
TƯ MÃ THIÊN
司马迁
 Tác giả: Đặng Tương Tử 邓湘子
Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.


Previous Post Next Post