Dịch thuật: Tế tự chưng thường - Chỉ có thể xem chứ không thể đùa

TẾ TỰ CHƯNG THƯỜNG
CHỈ CÓ THỂ XEM CHỨ KHÔNG THỂ ĐÙA

          Tế tự là một bộ phận của lễ điển Hoa Hạ, là bộ phận chủ yếu trong lễ nghi của Nho giáo, lễ có ngũ kinh, không có gì quan trọng bằng tế để thờ thần cầu phúc.
          Khi nhân loại cho rằng muôn vật đều có linh hồn, linh hồn của con người có thể nương vào vạn vật tự nhiên, thì hoạt động tế tự nguyên thuỷ đã bắt đầu. Người Sơn Đính Động 山顶洞 vãn kì thời đại đồ đá cũ họ đã biết bôi lên thi thể phấn đỏ khoáng thạch tượng trưng cho huyết dịch, cho rằng làm như vậy có thể khiến người chết sống lại.
          Từ khát vọng giản đơn nhất đối với sinh mệnh đến sự phát triển sau này đối với việc cầu khấn thần linh, cầu khấn được bảo vệ giúp đỡ, thế là đối tượng tế tự không ngừng gia tăng thêm, ngay cả Tiêu Hà 萧何, Hàn Dũ 韩愈, Nhạc Phi 岳飞 cũng đều đảm nhiệm vai trò Thổ địa gia 土地爷. Thời Tam Quốc, lại sản sinh Thành Hoàng 城隍 bảo vệ thành thị, sau đó dần khuếch đại phổ cập, trở thành Thần thương nghiệp, công nghiệp. Thành Hoàng chủ âm, nắm giữ sổ sách cõi âm, quan sát thiện ác, ghét cái ác như kẻ thù, tra quỷ gọi hồn. Thế là trên đất và dưới đất đều có thần cai quản.
          Đối tượng của tế tự nhiều, khí vật để tế tự tất nhiên cũng nhiều. Cầu khấn thần khác nhau phải dùng những khí vật khác nhau. Chúng ta hiện nay chỉ biết một số khí vật tế tự của triều Hán tương đối thường thấy.

Thần tiên cũng cần phải ăn, tế tự dùng trâu dê heo.
          Lời tục có câu “Dân dĩ thực vi thiên” 民以食为天, trong mắt lão bách tính thực vật 食物 là quan trọng nhất, cho nên họ cho rằng cầu thần tiên phù hộ phải đem những thứ ngon nhất của mình dâng lên. Thế là tế tự lúc ban đầu lấy việc dâng thức ăn làm phương thức chủ yếu. Trong Lễ kí – Lễ vận 礼记 - 礼运 có nói:
          Phù lễ chi sơ, thuỷ chư ẩm thực. Kì phần tất bách đồn, oa tôn nhi bầu ẩm, khoái phù nhi thổ cổ, do nhược khả dĩ trí kì kính vu quỷ thần.
          夫礼之初, 始诸饮食. 其燔悉捭豚, 污尊而抔饮, 蕢桴而土鼓, 犹若可以致其敬于鬼神.
          (Phàm ban đầu của lễ, là bắt đầu từ hoạt động ẩm thực. Thời nguyên thuỷ, người ta đem lúa tắc đặt trên đá tảng, dùng lửa đốt chín, đem heo con nướng trên lửa, đào hố nhỏ dưới đất đựng nước xem như chén, dùng hai tay vốc nước dâng lên, vò đất sét nặn thành dùi trống, lấy khuôn đất sét bịt da làm trống, tuy đơn giản thô lậu nhưng hết sức kính cẩn đối với quỷ thần)
          Ý nói lế tế tự khởi nguồn từ việc dâng hiến thức ăn lên quỷ thần, chỉ cần thiêu đốt (dùng lửa thiêu) lúa tắc đồng thời dùng thịt heo dâng lên thần, đào đất lấy lỗ làm bình, dùng tay vốc nước dâng lên quỷ thần, gõ trống đất làm nhạc, thì có thể đem lời nguyện cầu cùng thành ý truyền đạt đến quỷ thần.
          Tại sao nhất định phải dùng thịt? Thần tiên không thích ăn chay sao? Chúng ta cảm thấy thần tiên thích hay không thích ăn chay chẳng có liên quan gì. Mà lại là có liên quan đến nhân loại chúng ta. Bạn thử nghĩ xem, đương thời muốn ăn thịt không như chúng ta xách giỏ ra chợ mua về, thời kì đó muốn ăn thịt phải tự mình đi săn bắt, lưới vây, tường chắn đủ các loại, lao động trí óc lao động chân tay dường như tập trung trên người. Như vậy thịt mà có được đương nhiên là rất quý. Ngay cả cuộc sống lí tưởng mà Mạnh Tử 孟子nghĩ đến là người già 70 tuổi trở lên được có thịt để ăn là tiêu chuẩn quan trọng. Cho nên thịt trở thành tế phẩm chủ yếu  để dâng lên thần linh.
          Được thôi! Thế thì lấy thỏ rừng săn được dâng tế. Dừng lại! Tế tự là đại sự, sao có thể tuỳ tiện lấy miếng thịt cho xong việc. Thời cổ động vật lấy thịt dùng trong tế tự đều gọi một cái tên nghe sáng láng “hi sinh” 牺牲, chỉ các sinh súc mã (ngựa), ngưu (trâu), dương (dê), kê (gà), khuyển (chó), thỉ (heo), ngày nay chúng ta gọi đó là “lục súc” 六畜. Trong lục súc thường dùng nhất là tam sinh trâu, dê, heo. Cá và thỏ rừng cũng dùng trong tế tự, nhưng không thuộc nhóm “hi sinh”. Đương nhiên cũng có loại tế phẩm tàn nhẫn mang khẩu vị nặng đó là nhân (người). Tế tự cũng dùng “nhân” nhưng bản thân “nhân” không gọi là “hi sinh”, trong sách cổ có nói “dụng nhân” 用人, mà không nói “nhân sinh” 人牲.
          Đến triều Hán, thịt dùng trong tế tự vẫn tồn tại, nhưng yêu cầu càng nhiểu hơn. Tế tự cũng phân làm tôn ti. Tế khí của thiên tử gọi là “cửu đỉnh bát quỹ” 九鼎八簋 – ngưu , dương , thỉ , ngư , lạp , trường vị 肠胃, phu , tiên ngư 鲜鱼, tiên lạp 鲜腊 đựng trong cửu đỉnh được gọi là “Đại lao” 大牢, còn tế khí của quần thần chỉ có “thất đỉnh lục quỹ” 七鼎六簋, tiếp đó theo thứ tự xuống dần mà giảm bớt.

Ngọc không chỉ dùng làm vật trang sức trên đầu
          Nói đến việc dùng ngọc làm dụng phẩm tế tự. trước tiên nhấn mạnh một chút, không phải tất cả các loại ngọc có được đều có thể dùng trong tế tự, chỉ có những chế phẩm ngọc như bích , tông , khuê , chương , hoàng , hổ được gọi là “lục khí” 六器 mới có thể dùng trong tế tự. Trong mắt người xưa, ngọc là tín vật câu thông giữa người với thần. Quan điểm này kì thực đã lưu truyền lại, chẳng phải chúng ta ngày nay không đều nói  ngọc có linh tính sao? Thậm chí về linh tính của ngọc, còn có truyền thuyết: Một thái tử long vương nào đó yêu một cô gái chốn nhân gian, yêu đến mức tình thâm ý thiết, chết đi sống lại. Nhưng thái tử long vương biết rất rõ đạo lí nhân và thần không thể  sống chung, nếu không sẽ hại người hại mình. Thế là chỉ có thể bỏ đi tình cảm đó, nhưng trong lòng trước sau vẫn bỏ không được cô gái. Thái tử long vương cũng si tình, biến mình thành một chiếc vòng ngọc xanh biếc đeo trên tay cô gái, hi vọng có thể bảo vệ cô gái một đời bình an.
          Chúng ta tiếp tục nói về “lục khí”, Trước tiên nói về “bích” rất đặc thù. Chúng ta đều không xa lạ câu chuyện “Hoàn bích quy Triệu” 完璧归赵, nhưng trừ bản thân câu chuyện ra, còn cần phải biết “bích” không phải là loại ngọc thông thường, ngọc dùng để tế nhật, nguyêt, tinh thần mới được gọi là “bích”. Nhìn chung bích có dạng tròn dẹt, giữa có lỗ. lớn cỡ loại “bình an khấu” 平安扣 (1) hiện nay. 5 loại ngọc khí kia công dụng tương đối rộng, tế tự, tang táng đều có thể dùng được.
          Ngọc là tế vật thường dùng nhất ngoài thực vật (食物), cũng là phương thức quan trọng nhất, trong Chu lễ 周礼 có câu:
Dĩ ngọc tác lục khí, dĩ lễ thiên địa tứ phương.
以玉作六器以礼天地四方
(Lấy ngọc làm lục khí, để tế thiên địa tứ phương)
          Đời Hán, quân tử có câu nói “ngọc bất khứ thân” 玉不去身(ngọc không
rời thân), dùng ngọc làm phù tiết, ấn tín, rất quý trọng. Chế độ lễ nghi của ngọc lúc bấy giờ đã có được sự phát triển mà trước đó chưa từng có! Mọi người xem ngọc là danh từ thay cho “mĩ hảo” 美好, thậm chí trong tưởng tượng nơi mà thiên thần cư trú cũng xưng là “ngọc đài” 玉台. ..... (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Bình an khấu 平安扣: Cũng gọi “La Hán nhãn” 罗汉眼 là miếng ngọc nhỏ tròn và dẹt, có lỗ ở giữa giống đồng tiền cổ, dùng để đeo trước ngực, theo truyền thuyết nó có công năng trừ tà, bảo vệ bản thân ra vào đi đứng đều được bình an. Có lẽ do bề mặt của ngọc láng bóng không chạm trỗ gì, ngoại hình lớn nhỏ cỡ nút áo (khấu tử) nên có tên gọi như thế. Còn tên là “La Hán nhãn” là khởi đầu từ những năm Khang Hi. Đương thời chính trị triều Thanh toàn thịnh, quốc khố phong doanh, thực lực lớn mạnh, cho nên đã phát hành một loại hoá tệ đặc biệt, đó là “La Hán tiền” 罗汉钱. “Bình an khấu” hộ thân lúc bấy giờ rất giống La Hán tiền, dẫn đến việc không phân biệt rõ, cho nên để biểu thị sự khu biệt, mọi người gọi “bình an khấu là “La Hán nhãn”.

Phụ lục hình trên mạng


Bình an khấu

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 26/7/2020

Nguồn
HOẠT TẠI ĐẠI HÁN
活在大汉
Tác giả: Kì Mạc Hân 祁莫昕
Thành Đô: Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 2018
Previous Post Next Post