Dịch thuật: Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê (1306) ("Truyện Kiều")


MÁU THAM HỄ THẤY HƠI ĐỒNG LÀ MÊ (1306)
          Hơi đồng:  mùi tiền, chữ Hán là “đồng xú” 铜臭.
Thời Đông Hán, có một người tên Thôi Liệt 崔烈, y bỏ ra 500 vạn tiền để mua chức quan Tư đồ tương đương với Tể tướng. Do bởi Tư đồ, Thái uý và Ngự sử đại phu hợp xưng “tam công”, là trưởng quan tối cao nắm giữ quân chính đại quyền giúp hoàng đế, cho nên đối với hành vi xấu xa của Thôi Liệt, mọi người chê bai, nhưng trước mặt hắn, không ai dám nói  điều gì. Ngày nọ, Thôi Liệt hỏi con là Thôi Quân 崔钧:
          - Ngô cư “tam công”, vu nghị giả hà như?
           吾居三公, 于议者何如?
          (Cha ở địa vị “tam công”, người ta bàn luận thế nào?)
          Thôi Quân thực thà nói rằng:
          - Luận giả hiềm kì đồng xú.
 论者嫌其铜臭
          (Người ta chê tanh mùi đồng.)
          Đó chính là lai lịch của từ “đồng xú”.
          (Theo Hậu Hán thư – Thôi Liệt truyện 后汉书 - 崔烈传)
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/102515.htm

Mụ càng tô lục chuốt hồng
Máu tham hễ thấy hơi đồng là  mê
(“Truyện Kiều” 1305 – 1306)
Hơi đồng: Mùi tiền, vì tiền xưa làm bằng đồng.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Hậu Hán: Thôi liệt nhập tiền ngũ thập vạn đắc vi Tư đồ, vấn kì tử viết, ngoại nghị như hà, viết nhân đãn hiềm đồng sú nhĩ.
          後漢崔烈入錢五十萬得為司徒問其子曰外議如何曰人但嫌銅臭耳
          (Sách Hậu hán: Ngươi Thôi liệt nộp tiền năm mươi vạn được làm Tư đồ hỏi con: ngoài nghị thế nào? Nói: người ta chê có hơi đồng.)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét:
Theo ý riêng, “hơi đồng” trong truyện Kiều có xuất xứ từ “Thôi Liệt truyện” trong “Hậu Hán thư”. 
          Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 1306 là:
Máu tham NGỬI thấy hơi đồng THÌ mê
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)
 - Ở phần văn bản “Truyện Kiều” trong “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh, bản in năm 1989, in là “Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê”, phần chú giải in là “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”. Nhưng bản in năm 2000 là “Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê”.
          - “Truyện Kiều” bản khắc in năm 1866, và bản năm 1871 do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị là chữ “thì” ().
          - “Truyện Kiều” bản khắc in năm 1866 do Nguyễn Khắc Bảo, Nguyễn Trí Sơn phiên âm và khảo đính là chữ “thì” ().
          - Riêng “Truyện Kiều” bản khắc in năm 1870 do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị là chữ “phải” ()
          - “Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” cũng là chữ “thì” (時).
          Vua Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm 阮福洪任, khi lên ngôi đổi tên là Nguyễn Phúc Thì 阮福時, trị vì từ năm 1847 đến năm 1883. Các bản “Truyện Kiều” khắc in vào những năm 1866, 1871, 1872 là trong khoảng thời gian trị vị của vua Tự Đức, không thấy kị huý chữ “thì”  .

                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 19/7/2020


Previous Post Next Post