Dịch thuật: Khổng Dung thông minh

KHỔNG DUNG THÔNG MINH

          Câu chuyện “Khổng Dung nhượng lê” 孔融讓梨 (1) đã cho chúng ta thấy  Khổng Dung 孔融 yêu mến anh chị em của mình. Hiện tại chúng ta thử xem câu chuyện khác liên quan đến Khổng Dung.
          Câu chuyện phát sinh năm Khổng Dung 10 tuổi. Lúc bấy giờ kinh thành rất phồn vinh, Khổng Dung và phụ thân đến đó du ngoạn.
          - Khổng tiên sinh! Nơi đây chẳng có người nào có hứng thú để cùng nói chuyện, bởi họ đều theo đuổi quyền lực và dục vọng, giống như Thái thú Hà Nam Lí Nguyên Lễ 李元禮, ông ta rất làm ra vẻ. Nghe nói ngoài thân thích và danh nhân ra, ông ta không tiếp kiến tân khách đâu.
          - Có chuyện như vậy sao?
          - Đúng vậy.
          Lúc phụ thân và bạn trò chuyện, Khổng Dung ngồi bên cạnh. Sau khi nghe sự việc của Lí Nguyên Lễ, Khổng Dung quyết định tự mình đi gặp người cao ngạo đó.
          Ngày nọ, Khổng Dung nhân lúc phụ thân bận việc, đã tự mình đến nhà Lí Nguyên Lễ.
Người giữ cửa Lí gia lớn tiếng nói với Khổng Dung:
          - Này! Tiểu quỷ, chỗ này không phải là chỗ để mày chơi, mau đi chỗ khác.
          Đứa trẻ bình thường có thể nhân đó mà sợ, nhưng Khổng Dung không hề sợ, lại còn từ tốn đáp lại người giữ cửa:
          - Chú này! Cháu chẳng phải đến chỗ này chơi đâu. Cháu và Lí thái thú là chỗ bà con, hôm nay đến thăm ông ấy, phiền chú thông báo một tiếng.
          Người giữ cửa có chút nghi ngờ lời của Khổng Dung, nhưng vẫn vào báo lại với chủ nhân.
          - Bẩm Thái thú, có một đứa trẻ nói là bà con với Thái thú, muốn gặp ngài.
          - Sao?
          Lí Nguyên Lễ trong lòng cảm thấy kì lạ, đương lúc này ông ta cùng tân khách yến tiệc nơi đại sảnh, có nhiều nhân sĩ nổi tiếng đang dự.
          Sau đó, Khổng Dung theo người giữ của bước vào, nhìn thấy nhiều người nổi tiếng, Khổng Dung không những không sợ mà ngược lại đường đường bước đến trước mặt Lí Nguyên Lễ.
          - Anh bạn nhỏ, nghe người giữ cửa nói anh là bà con của tôi, nhưng sao tôi không nhận ra anh, chúng ta rốt cuộc có quan hệ như thế nào?
          Khổng Dung nhẹ nhàng đáp lại:
          - Nói đến quan hệ của chúng ta, nguồn gốc sâu xa lắm, lão tổ tông của cháu là Khổng Phu Tử, lão tổ tông của ngài là Lão Tử, ngoàiì ra còn có tình thầy trò nữa, Cho nên quan hệ của chúng ta rất lâu đời.
          Lí Nguyên Lễ sau khi nghe qua, cười một cách vui vẻ, nói rằng:
          - Ừ! Quả thật chúng ta là thế giao.
          Đối với Khổng Dung tuổi còn nhỏ mà có phản ứng tại chỗ lanh lẹ như thế, các tân khách trong buổi yến tiệc đều tán dương khen ngợi.
          Đột nhiên có một vị đại quan tên Trần Vĩ 陳韙 nói một cách xem thường:
          - Có gì đâu mà giỏi! lúc nhỏ thông minh, lớn lên nhất định không nhất định thông minh.
          Khổng Minh nghe qua liền nói với Trần Vĩ:
          - Vị tiên sinh này, tôi nghĩ, ngài lúc nhỏ vô cùng thông minh.
          Sau khi nghe hiểu lời của Khổng Dung, mọi người trong buổi tiệc cười ầm lên, đương nhiên càng bội phục cơ trí của Khổng Dung.

Chú của người dịch
1- Khổng Dung nhượng lê
          Khổng Dung 孔融 (150 – 208), văn học gia thời Đông Hán, tự Văn Cử 文举, người nước Lỗ (nay là Khúc Phụ 曲阜 Sơn Đông 山东).
          Khổng Dung lúc nhỏ, nhà có 5 người anh và 1 em trai. Ngày nọ cả nhà quây quần ăn lê, mâm lê đặt trước mặt mọi người, người anh bảo Khổng Dung lấy trước. Khổng Dung chọn trái nhỏ nhất. Người cha nhìn thấy trong lòng vui mừng, đứa bé 4 tuổi này rất biết chuyện, bèn cố ý hỏi Khổng Dung:
          - Lê nhiều như thế, con lại lấy trước tiên, sao không lấy trái lớn mà lại lấy trải nhỏ nhất?
          Khổng Dung đáp rằng:
          - Con là nhỏ phải lấy trái nhỏ, trái lớn để cho mấy anh.
          Người cha lại hỏi:
          - Con có em, chẳng phải là em con còn nhỏ hơn con sao?
          Khổng Dung đáp rằng:
          - Con lớn hơn em, con là anh, phải để trái lớn cho em ăn.
          Người cha nghe qua cười vang, khen rằng:
          - Con ngoan, con ngoan, quả là một đứa con ngoan!
          Khổng Dung 4 tuổi đã biết nhường lê, trên nhường cho anh, dưới nhường cho em, mọi người đều khen ngợi.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 06/7/2020

Nguồn
TRUNG QUỐC ĐỒNG THOẠI ĐÍCH XỬ THẾ TRÍ TUỆ
中國童話的處世智慧
Tác giả: Lâm Huệ Văn 林惠文
Đài Bắc huyện Trung Hoà thị: Hoa văn cương
Năm 2002 (Dân Quốc năm thứ 91)


Previous Post Next Post