Dịch thuật: Bí ẩn táng địa Đại phi A Ba Hợi

BÍ ẨN TÁNG ĐỊA ĐẠI PHI A BA HỢI

          Đại phi A Ba Hợi 大妃阿巴亥, họ là Ô Nạp Lạt Thị 乌纳喇氏, sinh năm Vạn Lịch 万历thứ 18 triều Minh (năm 1590). Năm Vạn Lịch thứ 29 (năm 1601), A Ba Hợi 12 tuổi được gả cho Thanh Thái Tổ Nỗ nhĩ Cáp Xích 清太祖努尔哈赤 làm Trắc phúc tấn 侧福晋. Năm Vạn Lịch thứ 31 (năm 1603), chính thê của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Diệp Hách Nạp Lạt thị 叶赫纳喇氏 (về sau truy phong là Hiếu Từ Cao Hoàng Hậu 孝慈)高皇后 bị bệnh và qua đời, Đại phi A Ba Hợi được lập làm Đại phúc tấn 大福晋 (hoàng hậu).
          A Ba Hợi dung mạo đoan trang, thể thái đẫy đà, có một sức hấp dẫn, nhân đó rất được sủng hạnh. Bà cùng Nỗ Nhĩ Cáp Xích chung sống với nhau 26 năm, có 3 người con, tức con thứ 13 A Tế Cách 阿济格, con thứ 14 Đa Nhĩ Cổn 多尔衮, con thứ 15 Đa Đạc 多铎.
          Tháng 3 năm Thiên Mệnh 天命 thứ 5 (năm 1620), A Ba Hợi bị người con thứ 8 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Hoàng Thái Cực 皇太极 đặt lời sàm hãm hại nên bị phế truất. Năm sau sau khi sự việc được làm rõ, bà được lập lại làm Đại phúc tấn.
          Ngày 11 tháng 8 năm Thiên Mệnh thứ 11 (năm 1626), Nỗ Nhĩ Cáp Xích vì bị thương trong chiến trận đã qua đời tại Ái Kê Bảo 靉鸡堡 gần Thẩm Dương 沈阳, lúc bấy giờ 68 tuổi.
          Tương truyền, sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích mất, A Ba Hợi đau buồn, khóc không thành tiếng. Bà cùng quần thần cùng đưa linh cữu Nỗ Nhĩ Cáp Xích về lại cung ở Thẩm Dương. Nhưng không ngờ, một trận đấu tranh đoạt ngôi vị Hàn (1) đã bắt đầu. Để không cho ngôi vị Hàn lọt vào tay Đa Nhĩ Cổn, Hoàng Thái Cực đã thông đồng với 4 vị Đại bối lặc, âm mưu lấy “di mệnh” của hoàng phụ lệnh tuẫn táng để làm lí do, bức tử sinh mẫu A Ba Hợi của Đa Nhĩ Cổn, dẹp trừ chướng ngại trong việc tranh đoạt ngôi vị Hàn. Ông ta dẫn mọi người đến hậu cung, tuyên đọc “di mệnh” của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, nói rằng A Ba Hợi có lòng đố kị, nếu lưu lại e là quốc loạn sau này, “sĩ ngô chung, tất lệnh tuẫn chi” 俟吾终, 必令殉之 (sau khi ta mất, lệnh cho tuẫn táng). A Ba Hợi biết đó là âm mưu, nên cự tuyệt tuân theo, về sau bị bức không biết phải làm thế nào, bà đeo châu ngọc mà Nỗ Nhĩ Cáp Xích ban tặng, thắt cổ tự tận vào giờ Thìn ngày 12 tháng 8.
          Lúc ban đầu, A Ba Hợi được trang liệm cùng Nỗ Nhĩ Cáp Xích, táng tại góc tây bắc trong thành Thẩm Dương. Năm Thiên Thông 天聪 thứ 3 Phúc Lăng 福陵 xây dựng hoàn thành, trong Thái Tông thực lục 太宗实录 có ghi rõ về tình hình hợp táng của Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Hiếu Từ Hoàng Hậu, nhưng không đề cập đến việc Đại phi A Ba Hợi có táng nhập vào Phúc Lăng hay không.
          Theo lí, A Ba Hợi vì chồng bị tuẫn tử, hợp táng tại Phúc Lăng là việc đương nhiên. Có 2 nguyên nhân:
          1- A Ba Hợi là Đại phi danh hợp với thực. Năm Thuận Trị 顺治 thứ 7 (1650), lại được truy phong là Hiếu Liệt Vũ Hoàng Hậu 孝烈武皇后, đồng thời được đưa vào thờ ở Thái miếu. Điều này nói rõ địa vị của A Ba Hợi là vinh sủng không hề suy giảm.
          2- Trong Thái Tông thực lục 太宗实录 có ghi chép việc kế phi Phú Sát . Cổn Đại 富察 . 衮代 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích tuỳ táng tại Phúc Lăng, do đó có thể suy đoán, A Ba Hợi được táng nhập Phúc Lăng là việc không thể nghi ngờ.
          Thế thì, tại sao Thái Tông thực lục 太宗实录 lại không ghi chép A Ba Hợi nhập táng Phúc Lăng. Chúng tôi cho rằng có 2 nguyên nhân:
          1- Phong hiệu của A Ba Hợi do Đa Nhĩ Cổn lúc làm nhiếp chính vào năm Thuận Trị 7 phong cho, năm sau Đa Nhĩ Cổn bị tội, phong hiệu của A Ba Hợi bị bãi bỏ, bài vị cũng bị đưa ra khỏi Thái miếu. Thái Tông thực lục 太宗实录 không ghi chép táng địa của A Ba Hợi có thể có liên quan đến việc này.
          2- Thái Tông thực lục 太宗实录 được biên soạn vào những năm Khang Hi 康熙, lúc bấy giờ tội của Đa Nhĩ Cổn vẫn chưa được chiêu tuyết, mẫu thân bị liên luỵ, lúc di táng vào Phúc Lăng, quan phụng sự tị huý nhắc đến việc hợp táng A Ba Hợi cũng nằm trong tình lí này.
          Trên đây chỉ là suy đoán, A Ba Hợi rốt cuộc táng tại nơi nào, đến nay vẫn còn là một bí ẩn.

Chú của người dịch
1- Về chữ :
Trong Khang Hi tự điển 康熙字典  ở bính âm “hán” có ghi:
- Bính âm “hán” (âm HV: hàn)
          “Đường vận”: hồ an thiết.
          “Tập vận”, “Vận hội”, “Chính vận”: hà can thiết. Tịnh âm (hàn)
          Khắc Hàn, tù trưởng chi xưng. Độc nhược 克韓 (khắc hàn).
          Hựu Bàn Hàn, Hán huyện danh. Độc Bàn Hàn.
          “唐韻”: 胡安切.
     集韻”, “韻會”, “正韻”: 河干切. 並音寒.
     可汗, 酋長之稱. 讀若克韓.
     又番汗, 漢縣名. 音盤寒.
          “Đường vận” phiên thiết là “hồ an”.
          “Tập vận”, “Vận hội”, “Chính vận” phiên thiết là “hà can”. Đều có âm đọc là (bính âm: “hán”), (âm Hán Việt: “hàn”).
          可汗 “Khắc hàn là từ gọi tù trưởng. Đọc như 克韓 (khắc hàn).
          Lại có Bàn Hàn, tên một huyện đời Hán. Âm là 盤寒 (Bàn Hàn).
(“Khang Hi tự điển”, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 553)

Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu:
          Hãn 1: mồ hôi. 2: tan lở. ..........
          Một âm là hàn, vua rợ Đột quyết gọi là khả hàn 可汗.
          (Ở chữ trang 73 thì có âm đọc là khắc hàn, ở đây lại là khả hàn. Chắc có lẽ tác giả nhầm – ND)
          (Nhà xuất bản Hồng Đức, 2015, trang 299)

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 12/72020

Nguyên tác Trung văn
ĐẠI PHI A BA HỢI TÁNG ĐỊA CHI MÊ
 大妃阿巴亥葬地之谜
Tác giả: Lí Quảng Sinh 李广生
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CHI MÊ
中国历史之谜
Chủ biên: Lí Quảng Sinh 李广生
Thiên Tân: Bách hoa văn nghệ xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post