Dịch thuật: Vì ai rụng cải rơi kim (769) ("Truyện Kiều")


VÌ AI RỤNG CẢI RƠI KIM (769)
          “Kim” là “châm” , “cải” là “giới” .
          Vương Sung (王充) đời Hán trong Luận Hành – Loạn long (論衡 - 亂龍) có câu:
Đốn mâu xuyết giới, từ thạch dẫn châm
頓牟掇芥, 磁石引針
(Đốn mâu (tức hổ phách) hút hạt cải, đá nam châm hút cây kim)
          Và Khổng Dĩnh Đạt (孔穎達) đời Đường khi sớ câu “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” 同声相应, 同气相求 ở quẻ Càn trong Kinh Dịch cũng đã viết rằng:
Diệc hữu dị loại tương cảm giả, nhược từ thạch dẫn châm, hổ phách thập giới
亦有异類相感者, 若磁石引針, 琥珀拾芥
(Cũng có vật khác loại tương cảm nhau như đá nam châm hút cây kim, hổ phách hút hạt cải)
Về sau “kim cải” dùng để ví tình vợ chồng gắn bó. Cũng được dùng để ví sự cảm ứng lẫn nhau giữa sự vật.

Vì ai rụng cải rơi kim?
Để con bèo nổi mây chìm vì ai?
(“Truyện Kiều” 769 – 770)
Rụng cải rơi kim: Chữ Hán có câu: “Hổ phách thập giới, từ thạch dẫn kim” nghĩa là “Hổ phách hút hạt cải, đá nam châm hút kim”. Đây chỉ hai người yêu nhau mà phải xa rời nhau.
Cũng là phận cải duyên kim
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao?
(“Truyện Kiều” 3067 – 3068)
Phận cải duyên kim: Người xưa đã biết cải bị hổ phách hút, cái kim bị nam châm hút, cho nên nói phận cải duyên kim để chỉ thân phận đàn bà bị lệ thuộc vào chồng, không thể tự chủ.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 30/5/2020
Previous Post Next Post