Dịch thuật: Tin sương đồn đại xa gần xôn xao (622) ("Truyện Kiều")


TIN SƯƠNG ĐỒN ĐẠI XA GẦN XÔN XAO (622)
Tin sương: tin cô gái về nhà chồng.
          Đổng Trọng Thư 董仲舒 trong Xuân Thu phồn lộ - Tuần thiên chi đạo 春秋繁露 - 循天之道 viết rằng:
          Thiên chi đạo, hướng thu đông nhi âm lai, hướng xuân hạ nhi âm khứ, thị cố cổ chi nhân Sương giáng nhi nghinh nữ, băng phán nhi sát nội.
          天之道, 向秋冬而阴来, 向春夏而阴去, 是故古之人霜降而迎女, 冰泮而杀内.
          (Đạo trời, mùa thu mùa đông thì khí âm tới, mùa xuân mùa hạ thì khí âm đi, cho nên người xưa vào lúc Sương giáng đón dâu, năm sau lúc băng tan thì dừng cưới gả.)

Sự lòng ngỏ với băng nhân
Tin sương đồn đại, xa gần xôn xao
(“Truyện Kiều” 621 – 622)
Tin sương: Tức là tin tức. Chữ Hán “sương tín” là chỉ chim nhạn, vì chim nhạn ở miền Bắc, hễ đến mùa thu, nó bay về Nam, tức là báo tin rằng mùa sương tức mùa rét đã đến.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Hán thư: Đổng Trọng Thư viết: Cổ nhân sương giáng nhi tống nữ.
          漢書: 董仲舒曰古人霜降而送女.
          (Sách Hán: Ông Đổng trọng Thư nói: Người xưa lúc sương xuống mới đưa con gái về nhà chồng)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Thời Tiên Tần về vấn đề con gái về nhà chồng, trước giờ các thuyết có khác nhau. Nhìn chung cho rằng, Tuân Tử 荀子thời Chiến Quốc là người sớm nhất đề xuất thuyết con gái về nhà chồng cử hành vào khoảng mùa thu mùa đông.
Trong Tuân Tử - Đại lược 荀子 - 大略 có câu:
Sương giáng nghịch nữ, băng phán sát chỉ.
霜降逆女, 冰泮杀止
(Từ Sương giáng trở đi là đón dâu, năm sau lúc băng tan thì dừng cưới gả)
          Theo ý riêng, “tin sương” ở câu 622 ý nói là tin đồn Thuý Kiều sắp lấy chồng, khác với “tin sương” ở câu 1040 chỉ có nghĩa là tin tức:
Tin sương luống những rày trông mai chờ.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 08/5/2020
Previous Post Next Post