Dịch thuật: Đã cho vào bậc bố kinh (505) ("Truyện Kiều")


ĐÃ CHO VÀO BỰC BỐ KINH (505)
          Bố kinh: nói tắt của cụm từ “kinh thoa bố quần” 荆钗布裙. Kinh thoa là cây trâm cài đầu bằng gai; bố quần là váy may bằng vải thô. Thành ngữ này dùng để hình dung phụ nữ ăn mặc giản dị, cũng dùng để ví phụ nữ hiền thục đức hạnh.
          “Kinh thoa bố quần” xuất phát từ câu chuyện Lương Hồng 梁鸿 và Mạnh Quang 孟光 thời Đông Hán.
          Ẩn sĩ Lương Hồng梁鸿 tự Bá Loan 伯鸾 học rộng đa tài, nhà nghèo nhưng rất chuộng khí tiết. Rất nhiều nhà muốn gả con gái cho Lương Hồng nhưng Lương Hồng từ chối. Nhà họ Mạnh cùng huyện có một cô con gái, vừa đen vừa xấu, lại có sức mạnh. Đã 30 tuổi nhưng chưa lập gia đình, mỗi lần chọn người để gả chống, cô đều không đồng ý. Cha mẹ hỏi nguyên do, nàng đáp rằng:
- Con chỉ muốn được gả cho người hiền đức như Lương Bá Loan.
Lương Hồng sau khi nghe được, liền mang sính lễ sang chuẩn bị cưới về làm vợ. Đến ngày cưới, Mạnh nữ trang điểm thật đẹp, nào ngờ sau hôn lễ 7 ngày liền, Lương Hồng không nói tiếng nào. Mạnh nữ đến quỳ trước mặt Lương Hồng, nói rằng:
- Thiếp sớm đã nghe phu quân nổi danh hiền đức, thề sẽ không lấy người nào khác ngoài chàng. Chàng cũng đã cự tuyệt nhiều nhà đến cầu thân, cuối cùng chọn thiếp làm vợ. Nhưng không hiểu vì sao, sau hôn lễ chàng luôn im lặng không nói, không biết thiếp đã phạm phải lỗi gì?
Lương Hồng đáp rằng:
          - Ta luôn mong người vợ của mình giản dị, mặc quần thô áo vải, cùng ta ẩn cư trong rừng. Nay nàng mặc trang phục lụa là danh quý, trang điểm phấn son, đó đâu phải là người vợ lí tưởng của ta.
          Mạnh nữ nghe qua, liền nói với Lương Hồng:
          - Những ngày qua thiếp ăn mặc, trang điểm như vậy chỉ là để xem thử chàng có là hiền sĩ lí tưởng của thiếp hay không. Thiếp sớm đã chuẩn bị quần áo và dụng cụ lúc làm công việc.
          Nói xong Mạnh nữ liền vấn tóc lên, mặc vào áo vải, đến bên khung cửi để dệt. Lương Hồng thấy thế cả mừng, vội chạy đến nói với vợ:
          - Nàng giờ mới đúng là vợ của Lương Hồng.
          Lương Hồng đặt tên cho vợ là Mạnh Quan 孟光, hiệu là Đức Diệu 德曜, ý nghĩa là  nhân đức của nàng lấp lánh như ánh sáng.
          ..............
                                                (Hậu Hán thư, quyển 93)

Đã cho vào bực bố kinh
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
(“Truyện Kiều” 505 – 506)
Bố kinh: Do chữ “Kinh thoa bố quần” là “cái thoa bằng gai, cái quần bằng vải”, chỉ người vợ hiền, vì nàng Mạnh Quang, đời Hậu Hán tuy nhà giàu vẫn chỉ dùng đồ ấy.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Thành ngữ khảo: Phu vị thê viết chuyết kinh, cái thủ kinh thoa bố quần chi ý.
          成語考: 夫謂妻曰拙荊蓋取荊釵布裙之意
          (Sách Thành ngữ khảo: Chồng gọi vợ là chuyết kinh, là lấy ý lấy nhau từ lúc còn đeo thoa bằng gai, mặc quần bằng vải)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 14/4/2020
Previous Post Next Post