Dịch thuật: Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này (406) ("Truyện Kiều")


NÀNG BAN Ả TẠ CŨNG ĐÂU THẾ NÀY (406)
NÀNG BAN:
1- Tức Ban Chiêu 班昭 (khoảng năm 45 – khoảng năm 117), còn có tên là Cơ , tự Huệ Ban 惠班, người An Lăng 安陵 Phù Phong 扶风 (nay là phía đông bắc Hàm Dương 咸阳 Thiểm Tây 陕西), sử học gia, văn học gia thời Đông Hán. Bà là con gái của sử học gia Ban Bưu 班彪 và là em gái Ban Cố 班固, năm 14 tuổi được gả cho Tào Thế Thúc 曹世叔, người cùng quận, cho nên người đời sau gọi bà là “Tào đại gia” 曹大家.
Ban Chiêu học rộng tài cao, anh là Ban Cố soạn Hán thư 汉书 chưa xong đã mất, Ban Chiêu phụng chỉ soạn tiếp. Hán Hoà Đế 汉和帝 nhiều lần triệu bà vào cung để hoàng hậu và các quý nhân xem như thầy, hiệu là “Đại gia” 大家. Bà từng tham dự triều chính khi Đặng thái hậu 邓太后 lâm triều.
          Tác phẩm của Ban Chiêu hiện tồn 7 thiên, cùng Đông chinh phú 东征赋Nữ giới 女戒, có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sau.

2- Tức Ban Tiệp Dư 班婕妤 (năm 48 trước công nguyên – năm công nguyên thứ 2), không rõ tên, là phi tử của Hán Thành Đế Lưu Ngao 汉成帝刘骜, nữ tác gia thời Tây Hán, nổi tiếng là tài nữ. Trong lịch sử văn học Trung Quốc, bà là một trong những nữ tác gia sở trường về từ phú. Năm 32 trước công nguyên, Hán Thành Đế Lưu Ngao lên ngôi, bà được tuyển chọn vào hoàng cung, ban đầu là Thiếu sử 少使 (nữ quan cấp thấp), chẳng bao lâu đắc sủng, được tứ phong là “Tiệp dư” 婕妤.
          Trong Hán thư – Ngoại thích truyện 汉书 - 外戚传 có truyện kí về bà. Bà là tổ cô của Ban Cố 班固 và Ban Chiêu 班昭. Tác phẩm rất nhiều nhưng đại bộ phận bị thất lạc, hiện tồn chỉ có 3 thiên, tức “Tự thương phú” 自伤赋, “Đảo tố phú” 捣素赋 và 1 bài thơ ngũ ngôn “Oán ca hành” 怨歌行 (cũng gọi là “Đoàn phiến ca” 团扇歌).

Ả TẠ: tức Tạ Đạo Uẩn 谢道韫 (không rõ năm sinh năm mất), tự Lệnh Khương 令姜, nữ thi nhân thời Đông Tấn. Bà là cháu gái của Tể tướng Tạ An 谢安, con gái của An tây tướng quân Tạ Dịch 谢奕, và cũng là vợ của Vương Ngưng 王凝 – con trai thứ của thư pháp gia nổi tiếng Vương Hi Chi 王羲之. Về sự tích của Tạ Đạo Uẩn rất nhiều, trong đó có câu chuyện nổi tiếng được chép trong Thế thuyết tân ngữ 世说新语:
          Một ngày trời tuyết, Tạ An cùng các cháu bàn về việc dùng vật gì để có thể ví chỉ tuyết bay. Tạ Lãng 谢朗 nói rằng:
Tát diêm không trung sai khả tự
撒盐空中差可似
(Vung muối lên không trung có thể giống)
          Tạ Đạo Uẩn lại nói:
Vị nhược liễu nhứ nhân phong khởi
未若柳絮因风起
(Chưa bằng bông liễu theo gió mà bay)
Câu ví của bà xảo diệu được mọi người tán thưởng. Và cũng vì nhân câu đó mà bà cùng Ban Chiêu 班昭, Thái Diễm 蔡琰 đời Hán trở thành nhân vật đại biểu cho tài nữ cổ đại Trung Quốc, còn câu “vịnh nhứ chi tài” 咏絮之才 về sau cũng trở thành từ ngữ thường dùng để khen nữ giới có văn tài.

Khen tài nhả ngọc phun châu
Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này.
(“Truyện Kiều” 405 – 406)
Nàng Ban: Ban Chiêu đời Đông Hán, em gái Ban Cố và Tạ Đạo Uẩn đời Tấn là hai người đàn bà có tiếng học giỏi.
Ả Tạ: Tạ Đạo Uẩn cháu Tạ An, đời Tấn, là người đàn bà có tiếng học giỏi thơ hay.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
Hán Ban Tiệp Chử năng văn hữu phiếm phiến thi. Tấn Tạ Đạo Uẩn hữu vịnh liễu thi.
          漢班婕妤能文有紈扇詩. 晉謝道韞有吟柳詩
(Nàng Ban Tiệp Dư nhà Hán hay chữ làm bài thơ vịnh quạt. Nàng Tạ Đạo Uẩn nhà Tấn làm bài thơ vịnh cây liễu)
          (Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Chữ âm là “dư” không phải là “chử”; chữ âm là “hoàn” không phải “phiếm”; chữ âm là “ngâm”, ở trên phiên là “vịnh”.
Theo Đào Duy Anh và Nguyễn Thạch Giang trong “Tiếng Việt trong thư tịch cổ”, nàng Ban ở đây là Ban Chiêu.
Theo Nguyễn Quảng Tuân trong “Nguyễn Du toàn tập” là Ban Chiêu.
Theo Bùi Khánh Diễn là Ban Tiệp dư.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 23/3/2020
Previous Post Next Post