Dịch thuật: Hỉ thần truyền thuyết - Hoà Hợp nhị tiên

HỈ THẦN TRUYỀN THUYẾT
HOÀ HỢP NHỊ TIÊN

          Trong dân gian, khi tổ chức hôn lễ, phòng cưới thường treo tranh cát tường, vẽ hai vị đồng tử xoả tóc, miệng cười hớn hở rất đáng yêu, một mặc áo đỏ, một mặc áo xanh, một đồng tử tay cầm hoa sen còn đồng tử kia tay bưng chiếc hộp, từ trong hộp bay ra 5 con dơi. Cả hai đồng tử tương thân tương ái, nét mặt vui tươi hoan hỉ, mọi người mượn hình ảnh đó để chúc mừng cô dâu chú rể vĩnh kết đồng tâm, bạch đầu giai lão. Đó chính là Hoà Hợp nhị tiên 和合二仙 mà rất được dân gian yêu thích, cũng là Hồng hỉ thần 红喜神 mà dân gian Trung Quốc sùng bái, là Hoà Hợp hỉ thần 和合喜神 mà cô dâu chú rể lúc thành hôn cần tế bái.
          Tây Hồ ngư ẩn chủ nhân 西湖渔隐主人 đời Thanh trong Hoan hỉ oan gia 欢喜冤家, ở hồi thứ 5 có miêu tả cô dâu chú rể bái Hoà Hợp hỉ thần. Vật phẩm mà Hoà Hợp hỉ thần cầm trong tay, từng món từng món đều có sự chú trọng. Hoa sen tượng trưng ý nghĩa “tịnh đế liên” 并蒂莲, chiếc hộp tượng trưng ý nghĩa “hảo hợp” 好合, còn 5 con dơi ngụ ý “ngũ phúc lâm môn” 五福临门, đại cát đại lợi. Trong bức Song bái hoa đường 双拜花堂 của Dương Liễu thanh niên hoạ 杨柳青年画 đời Thanh biểu hiện tập tục đương thời treo ảnh Hoà Hợp Nhị Tiên trong gian phòng cưới.
          Hoà Hợp nhị tiên nguyên trong dân gian là Hoan hỉ thần Vạn Hồi Ca Ca 万回哥哥 , tượng trưng một nhà đoàn tụ hoà hợp, bình an hạnh phúc, về sau diễn biến thành Cát tường Thần Hàn San 寒山 và Thập Đắc 拾得, tượng trưng cho hôn nhân hoà hợp, phu thê hài hoà. Hoà hợp nhị tiên khởi nguồn tương đối sớm, nguyên là một người, nhục thân phàm thai, là tăng nhân Vạn Hồi 万回đời Đường.
          Theo ghi chép trong Khai thiên truyện tín kí 开天传信记 của Trịnh Khể 郑綮 đời Đường, tăng nhân Vạn Hồi 万回 đời Đường tục tính là Trương , có một người anh đi lính ở An Tây 安西, đã lâu không có tin tức, cha mẹ rất nhớ, ngày đêm khóc mãi. Thấy tình hình đó, Vạn Hồi nói rằng:
          - Cha mẹ chớ có nóng lòng, con sẽ đi thăm huynh trưởng.
          Sáng sớm hôm sau, Vạn Hồi rời nhà, chiều tối đã về lại, nói cha mẹ rằng, huynh trưởng bình an vô sự. Lại còn mang về một phong thư, mở ra xem, đúng là bút tích của người anh. Trong một ngày mà Vạn Hồi đi về cả vạn dặm, cho nên mới được xưng là “Vạn Hồi”. Đời Tống, Vạn Hồi được xem là “Đoàn viên chi thần” 团圆之神, xưng “Hoà hợp” 和合, ý muốn nói:
          Duy hữu Hoà hợp, thuỷ đắc Vạn Hồi, duy kì Vạn Hồi, phương xưng Hoà Hợp.
          惟有和合, 始得万回, 惟其万回, 方称和合
          (Chỉ có Hoà hợp mới được Vạn Hồi; duy chỉ Vạn Hồi mới gọi là Hoà hợp)
          Trong Tiền Đường di sự 钱塘遗事 quyển 1 của Lưu Nhất Thanh 刘一清 đời Nguyên, ở điều Vạn Hồi Ca Ca 万回哥哥 có nói: Vạn Hồi được tôn phụng làm Cát tường thần bảo hộ gia đình hoà hợp, bình an hạnh phúc, quan phương và dân gian thậm chí kĩ nữ không ai là không phụng thờ Vạn Hồi Ca Ca, mỗi khi đến lúc ăn cơm tất phải tế tự. Theo truyền thuyết, tế tự Vạn Hồi có thể khiến cho thân nhân nơi xa vạn dặm trở về đoàn tụ, ảnh thờ là một người xoả tóc, miệng cười hớn hở, mặc áo màu, tay trái giơ cao cái trống, tay phải cầm cây gậy, gọi là Hoà Hợp chi thần. Trong Tây Hồ du lãm chí dư 西湖游览志余 của Điền Nhữ Thành 田汝成 đời Minh, ở quyển 23 cũng có những ghi chép tương đồng, nhưng nói đời Minh “kì tự tuyệt hĩ” 其祀绝矣 (không còn phụng thờ).
          Đại khái vào cuối đời Minh đầu đời Thanh, Hoà Hợp nhị tiên dần từ 1 thần biến thành 2 thần, dân gian căn cứ hàm nghĩa hoà hợp cho rằng “hoà” là sự hài hoà của hai phương diện, “hợp” cũng là sự hảo hợp của hai phương diện, thế thì Hoà Hợp thần do 1 người đảm nhiệm là không thích hợp, dần đem Hoà Hợp thần từ 1 phân thành 2, nguyên là Vạn Hồi Ca Ca, vị thần hoà hợp của một nhà biến thành Hàn San và Thập Đắc hai vị thần hoà hợp trong hôn nhân. Cuối cùng quan phương cũng thừa nhận điểm này. Hoàng đế Ung Chính 雍正 đích thân phong Hàn San Đại Sĩ 寒山大士 là Hoà Thánh 和圣, Thập Đắc Đại Sĩ 拾得大 là Hợp Thánh 合圣, từ đó nổi danh khắp thiên hạ.
          Hai chữ (hoà) và (hợp) trong giáp cốt văn và kim văn đã đơn độc xuất hiện, “hoà” chỉ âm thanh hoà nhau, “hợp” chỉ môi trên môi dưới hợp lại. từ “hoà hợp” 和合 được thấy sớm nhất trong Chu lễ - Địa quan 周礼 - 地官, lời sớ ở Môi thị” 媒氏 ghi rằng:
Sử môi cầu phụ, hoà hợp nhị tính.
使媒求妇, 和合二姓
(Để người mai mối tìm cô dâu, hoà hợp hai họ)
Đây là sự giải thích chính xác về từ “hoà hợp”, hoà hợp là nam nữ hai họ kết hợp thành vợ chồng, hoà mục đồng lòng, hảo hợp hài hoà. Cho nên Hoà Hợp thần vốn là hoà hợp người trong nhà dần diễn biến thành Hoà Hợp thần trong hôn nhân; đồng thời nguyên là một vị thần xoả tóc, miệng cười hớn hở, giơ cao cái trống, cầm gậy, diễn biến thành 2 vị thần, một vị cầm hoa sen, vị kia bưng chiếc hộp. Cầm hoa sen tức “trì hà” 持荷, chữ (hoa sen) hài âm với chữ (hoà hợp), bưng chiếc hộp cũng từ ý nghĩa này.
          Trong dân gian lưu truyền một câu chuyện, Hàn San và Thập Đắc sống cùng một thôn, hai người thân nhau như anh em, lại đồng thời yêu một người con gái, nhưng cả hai không biết. Về sau Thập Đắc muốn kết hôn cùng cô gái nọ, Hàn San mới biết, thế là bỏ nhà đi đến Phong kiều 枫桥 ở Tô Châu 苏州 cạo tóc làm tăng. Thập Đắc sau khi biết được chân tướng, cũng rời bỏ cô gái đi đến Giang Nam 江南 tìm Hàn San. Biết được nơi ở của Hàn San, Thập Đắc liền bẻ một cành sen đem đến làm lễ gặp mặt. Hàn San vừa mới thấy, vội bưng hộp cơm ra đón. Hai người vui mừng cực độ, quyết định không xa nhau nữa, Thập Đắc cũng xuất gia. Hai người tại nơi đó khai sơn lập miếu gọi là Hàn San tự 寒山寺. Thế là, Hoà Hợp nhị thánh dần trở thành Hỉ thần nắm giữ việc hôn nhân, có biệt xưng là “Hoan Thiên Hỉ Địa” 欢天喜地.
          Tranh tết dân gian thường vẽ hai thánh Hàn San, Thập Đắc, một vị cầm hoa sen, một vị bưng chiếc hộp tròn, trong hộp đựng đầy châu báu, đồng thời có một đàn dơi bay ra, ngụ ý tài phú vô cùng vô tận. “Hà” (sen) và “hạp”  (hộp) đồng âm với “hoà hợp” 和合, “Hoà Hợp nhị thánh” 和合二圣 ngụ ý phu thê hoà mục, tài lộc vô cùng, điều mà gọi là “gia hoà vạn sự hưng” 家和万事兴vậy.
          Trong tranh tết dân gian, hình tượng Hoà Hợp nhị tiên cũng vẽ thành hai đứa bé giống Lưu Hải 刘海 (1), mỗi đứa bé tay cầm một chiếc hộp tròn, bên trong hé lộ một con cóc vàng (kim thiềm 金蟾) sắc xanh, hoặc từ trong hộp bay ra 2 luồng khí, trên 2 luồng khí nâng 2 đồng tiền vàng.
Vùng Nam Giản 南涧, Bảo Sơn 保山ở Vân Nam 云南, nhà có hôn lễ thường dán nơi cửa tranh “Hoà Hợp hỉ thần”, khác với Hoà Hợp nhị tiên ở nội địa. Hoà Hợp nhị tiên ở nội địa là 2 đồng tử miệng cười hớn hở, Hoà Hợp nhị tiên ở Bảo Sơn như là một đôi nam nữ , thân thể hợp nhau thành nhất thể, hai bên có 2 vị đồng tử; Hoà Hợp nhị tiên ở Nam Giản là một đôi nam nữ, nam khoác áo bào đội mũ, chân đi ủng; nữ đầu đội miện hoa, trang phục thêu như trong cung đình, thân thể hợp nhất, tả hữu 2 bên có 2 đồng tử, hình thức rất đặc biệt, càng tăng thêm nét thế tục hoá.

Chú của người dịch
1- Lưu Hải 刘海: Tương truyền vào thời Đường có một vị tiên đồng tên là Lưu Hải. Trong truyền thuyết dân gian, Lưu Hải phía trước trán luôn để tóc rủ xuống, cắt ngắn chỉnh tề, trông giống như một đứa bé, nhìn rất đáng yêu. Nhân đó các hoạ gia khi vẽ hình tượng tiên đồng thường lấy hình tượng Lưu Hải làm mẫu, trước tráng rủ tóc ngắn, cưỡi trên con cóc, tay huơ một xâu tiền.

Phụ lục (ảnh trong nguyên tác)


Song bái hoa đường
(Thanh đại Dương Liễu thanh niên hoạ) 


Trái: Hoà Hợp hỉ thần (Vân Nam Bảo Sơn chỉ mã) 
Phải: Hoà Hợp hỉ thần (Vân Nam Nam Giản chỉ mã) 

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 29/3/2020

Nguồn
HỈ THẦN TRUYỀN THUYẾT – HOÀ HỢP NHỊ TIÊN
喜神传说 - 和合二仙
Trong quyển
ĐỒ THUYẾT HỈ VĂN HOÁ
图说喜文化
Tác giả: Ân Vĩ 殷伟, Trình Kiến Cường 程建强
Bắc Kinh: Thanh Hoa đại học xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post