Dịch thuật: Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh (268) ("Truyện Kiều")


CẠN DÒNG LÁ THẮM, DỨT ĐƯỜNG CHIM XANH (268)
          Lá thắm: tức “hồng diệp” 红叶. Trong Bản sự thi 本事诗 của Mạnh Khể 孟棨 thời Đường có chép câu chuyện “Hồng diệp đề thi”:
          Thi nhân Cố Huống 顾况 đời Đường lúc ở tại Lạc Dương 洛阳, nhân một hôm cùng với ba người bạn thơ đi dạo chơi trong vườn của cung đình nơi cung Thượng Dương 上阳, bỗng nhìn thấy trên dòng nước có một chiếc lá ngô đồng lớn từ trong cung tường trôi ra, bên trên có bài thơ:
Nhất nhập thâm cung lí
Niên niên bất kiến xuân
Liêu đề nhất phiến diệp
Kí dữ hữu tình nhân
一入深宫里
年年不见春
聊题一片叶
寄与有情人
(Một khi đã vào thâm cung
Thì năm này qua năm khác không thấy được mùa xuân
Thử đề bài thơ lên chiếc lá
Gởi cho người có tình)
          Ngày hôm sau Cố Huống đến đầu dòng nước, cũng đề lên lá một bài thơ, thả cho lá trôi vào lại trong cung tường. Bài thơ viết rằng:
Hoa lạc thâm cung oanh diệc bi
Thượng Dương cung nữ đoạn trường thì
Đế thành bất cấm đông lưu thuỷ
Diệp thượng đề thi dục kí thuỳ
花落深宫莺亦悲
上阳宫女断肠时
帝城不禁东流水
叶上题诗寄与谁
(Hoa rụng nơi thâm cung chim oanh cũng bi thương
Là lúc cung nữ trong cung Thượng Dương đau buồn đứt ruột
Đế thành không ngăn được dòng nước trôi ra biển đông
Trên lá đề thơ gởi cho ai đây)
          Qua mười mấy hôm, có người đến trong vườn du xuân, lại nhìn thấy trên một chiếc lá đỏ có bài thơ, lấy đưa cho Cố Huống. Bài thơ viết rằng:
Nhất diệp đề thi xuất cấm thành
Thuỳ nhân thù hoạ độc hàm tình
Tự ta bất cập ba trung diệp
Đãng dạng thừa xuân thủ thứ hành.
一叶题诗出禁城
谁人酬和独含情
自嗟不及波中叶
荡漾乘春取次行
(Trên lá đề thơ trôi ra khỏi cấm thành
Ai là người hoạ lại có tình riêng
Tự than mình chẳng bằng chiếc lá trên sóng nước
Dập dờn trên dòng nước xuân mặc ý trôi)
Có một giai thoại
          Theo Lưu hồng kí 流红记
          Thời Đường Hi Tông 唐僖宗, có một thư sinh tên Vu Hựu 于佑, trời chiều chậm bước trên đường phố trong hoàng thành. Trời đã vào thu từ lâu, ánh nắng chiếu xiên, lá rụng bay tơi tả, khiến Vu Hựu không ngăn được lòng thương cảm khi ở nơi đất khách. Vu Hựu đến bên ngự hà định rửa tay, bỗng thấy một chiếc lá vừa lớn vừa đỏ từ trong cung thành trôi ra khiến Vu Hựu chú ý. Trên lá dường như có vết mực đen, Vu Hựu liền vớt chiếc lá lên, bên trên quả nhiên có đề 4 câu thơ:
Lưu thuỷ hà thái cấp
Thâm cung tận nhật nhàn
Ân cần tạ hồng diệp
Hảo khứ đáo nhân gian
流水何太急
深宫尽日闲
殷勤谢红叶
好去到人间
(Nước chảy sao mà gấp
Trong thâm cung cả ngày nhàn
Ân cần cảm tạ lá đỏ
Đi đến với nhân gian)
          Vu Hựu mang chiếc về chỗ ở bỏ vào trong rương, thường lấy ra ngắm nghía ngâm tụng, ngày càng cảm thấy chiếc lá đỏ đẹp đáng yêu, thơ lại thanh tân sâu sắc. Vu Hựu nghĩ rằng: Lá đỏ từ trong cấm đình cung thành trôi ra, thơ đề bên trên nhất định là của một người đẹp trong cung viết. Ta phải cất kĩ, đó cũng là vật kỉ niệm trong hồi ức tốt đẹp của ta ở tương lai. Do bởi một khoảng thời gian Vu Hựu ngày đêm nghĩ suy về chiếc lá, nên dung mạo gầy gò tiều tuỵ. Sau khi bạn bè biết được khuyên Vu Hựu nên quên đi. Một đêm nọ, Vu Hựu nằm trên giường suốt đêm không ngủ được, trời vừa mới sáng, liền ra ngoài tìm một chiếc lá vừa lớn vừa đỏ, bên trên đề 2 câu thơ:
Tằng văn diệp thượng đề hồng oán
Diệp thượng đề thi kí dữ thuỳ?
曾闻叶上题红怨
叶上题诗记与谁
(Từng nghe trên lá đề ai oán
Trên lá đề thơ gởi đến ai?)
Vu Hựu đem lá đến trước cung thành phía trên ngự hà thả cho lá trôi lại vào trong cung thành.
          Về sau, Vu Hựu nhiều năm tham gia khoa cử khảo thí nơi kinh thành nhưng đều không đỗ, bèn đến nhà Hàn Vịnh 韩泳tại phủ Hà Trung 河中 (trị sở nay là huyện Vĩnh Tế 永济 tỉnh Sơn Tây 山西) giữ chức văn thư, tiền tài dần dư dả, nhưng không còn muốn ứng thí nữa. Qua mấy năm, Hàn Vịnh triệu kiến Vu Hựu, nói rằng:
          - Hơn 30 cũng nữ trong cung của hoàng đế sẽ được ra khỏi cung, để mỗi người tự tìm lấy chống, trong số đó có một người tên Hàn Phu Nhân 韩夫人cùng tộc với ta. Cô ta tiến cung đã nhiều năm, hiện sẽ từ cung cấm ra đến ở nhà ta. Ta nghĩ đến anh đã qua 30 tuổi mà chưa có vợ, còn độc thân, cũng không có quan chức gia sản gì, cuộc sống thanh khổ cô đơn. Hàn Phu Nhân hiện nay, bạc riêng không dưới ngàn lượng, cô ta vốn là con gái của một nhà thanh bạch, tuổi cũng vừa 30, tư dung xuất chúng. Ta kết hợp hai người, gả cô ấy cho anh, anh thấy thế nào?
          Lúc này Vu Hựu từ chỗ ngồi liền đứng dậy, quỳ xuống bái tạ Hàn Vịnh, nói rằng:
          - Tôi là một thư sinh nghèo, ở nhờ nơi nhà ngài, một ngày không thể báo đáp ân đức của ngài. Hiện như vậy đối với tôi quả là hậu ái, nhận lời có chút hổ thẹn.
          Thế là Hàn Vịnh sai thủ hạ sắp xếp lễ nghi hôn thú, cử hành hôn lễ cho Vu Hựu và Hàn Phu Nhân.
          Sau hôn lễ, Hàn thị phát hiện chiếc lá đỏ trong rương của Vu Hựu, vô cùng kinh ngạc, nói rằng:
          - Bài thơ trên chiếc lá này là do thiếp làm, phu quân làm sao mà có được vậy?
          Vu Hựu đem chuyện lá đỏ kể lại tỉ mỉ cho Hàn thị nghe. Hàn thị lại nói  rằng:
          - Thiếp nơi ngự hà trong cung thành cũng nhặt được một chiếc lá đỏ bên trên có đề thơ , không biết là ai bên ngoài cung viết?
          Hàn thị mở rương của mình lấy ra một chiếc lá đỏ. Vu Hựu nhận qua nhìn thơ đề bên trên liền nói rằng:
          - Đây là của ta viết đấy!
          Cả hai vợ chồng mỗi người cầm một chiếc lá đỏ nhìn nhau mà không nói lời nào, cảm khái muôn phần, không ngăn được nước mắt tuôn rơi.
          Trong tác phẩm văn học, “lá thắm” dùng để chỉ duyên chồng vợ.

Thâm nghiêm, kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh
(“Truyện Kiều” 267 – 268)
Dầu khi lá thắm chỉ hồng
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha
(“Truyện Kiều” 333 – 334)
Lá thắm: Vu Hựu đời Đường bắt được một cái lá đỏ từ dòng ngự câu trong cung trôi ra trên có đề bài thơ. Hựu bèn đề một bài thơ đáp chép trên một chiếc lá rồi thả ở thượng lưu của ngự câu trong cung, người cung nhân tác giả bài thơ bắt được. Sau vua thải cung nữ. Hàn thị lấy Hựu, hai người lấy lá đỏ đề thơ ngày trước đưa cho nhau xem. Hàn thị bèn làm một bài thơ có câu: “Phương tri hồng diệp thi lương môi”, tức là: mới biết lá đỏ là người môi giới tốt.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Đường Hy Tôn thời, Vu hựu vu ngự câu thập nhất hồng diệp nội hữu cung oán thi. Hựu tái đề thi đáp, trí câu nghịch lưu, Hàn phu nhân thập chi, hậu Hựu thác Hàn vịnh môn quán, nhân đế phóng cung nhân tam thập nhân, Vịnh dĩ hàn phu nhân đồng tính, tác phạt giá Hựu.
          唐禧尊辰于祐于御溝拾一紅葉內有宮怨詩祐再題詩答置溝逆流韓夫人拾之後祐托韓泳門館因帝放三十人泳以韓夫人同姓作伐嫁祐
          (Đời vua Hy tôn nhà Đường, ngươi Vu Hựu bắt được cái lá đỏ ở ngòi nước Ngự, trong có bài thơ cung oán. Hựu lại đề thơ đáp bỏ xuống dòng nước chảy ngược, bà Hàn phu nhân nhặt được. Sau ngươi Hựu ở thê nhà ông Hàn Vịnh, lúc bấy giờ nhà vua thải ba mươi cung nhân, ông Vịnh với bà Hàn phu nhân là một họ, làm mối gả cho Vu Hựu)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 267 là:
Thâm nghiêm kín CỐNG cao tường
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 25/02/2020
Previous Post Next Post