Dịch thuật: Người thiết kế Thiên An Môn - Khoái Tường

NGƯỜI THIẾT KẾ THIÊN AN MÔN - KHOÁI TƯỜNG

          Giống như “bất đáo Trường thành phi hảo hán” 不到长城非好汉, những người có dịp đến thủ đô Trung Quôc, không ai là không muốn tận mắt thấy phong thái nguy nga của Thiên An Môn 天安门. ..........
          Thiên An Môn đã trở thành tiêu chí và tượng trưng cho Trung Hoa mới.
          Nhưng, nếu có ai đó hỏi bạn:
          Thiên An Môn thần thánh trang nghiêm như thế là do ai thiết kế?
          Bạn có thể trả lời được không?
          Tương truyền, người đảm nhiệm sứ mệnh to lớn này chính là kiến trúc đại sư kiệt xuất đời Minh - Khoái Tường 蒯祥. Ông là người huyện Ngô Giang Tô 江苏, với nghề mộc truyền đời xa gần đều biết tiếng. Khoái Tường đến tuổi “nhi lập” 而立1) đã là một thợ mộc nổi tiếng có trình độ rất cao. Năm Vĩnh Lạc 永乐thứ 15 (1417), Minh Thành Tổ Chu Đệ 明成祖朱棣 cho mời thợ giỏi trong cả nước đến Bắc Kinh 北京 xây dựng cung điện. Khoái Tường dựa vào trình độ tinh thâm của mình được chọn làm kiến trúc sư của công trình, ông thiết kế đồng thời chỉ huy nhóm kiến trúc cung điện. Thừa Thiên Môn 承天门chính là công trình thiết kế kiến trúc chủ yếu do Khoái Tường đảm nhiệm. Thiết kế tinh xảo và kĩ thuật cao siêu của ông đã được sự thừa nhận và khen ngợi của mọi người. Khoái Tường cũng có mĩ xưng là “Khoái Lỗ Ban” 蒯鲁班.
          Tay nghề cao siêu của Khoái Tường dường như đã đạt tới cảnh giới là tay theo tâm mà động, thuận tay mà làm, mọi người gọi là “quỷ phủ thần công” 鬼斧神工(búa quỷ thợ thần), lại khen ngợi ông rằng “phàm là cung các lâu tạ, cho đến hồi lang khúc vũ, tuỳ theo tay mà vẽ ra, không có gì là không trúng ý”. Khoái Tường tinh về kĩ thuật, nhưng lại không câu nệ vào công nghệ, biết quan sát và phân tích thời thế mà có sự biến hoá phù hợp, căn cứ vào tài liệu hiện có mà định độ lượng thước tấc tinh xảo. Ngưỡng cửa linh hoạt “kim cương thối” 金刚腿 thường dùng trong kiến trúc cung điện chính là do ông trong một cơ hội ngẫu nhiên đã thiết kế và phát minh. Trong đó còn có một câu chuyện, tương truyền nước Miến Điện từng cống cho vương triều Minh một khúc gỗ lớn. Hoàng đế đích thân phê dùng làm ngưỡng cửa cho tam đại điện của cố cung. Nhưng một người thợ do sơ ý đã theo dự định thước tấc mà cưa mất một khúc, điều đó chẳng khác nào do vì sơ ý mà rước lấy cái hoạ. Người thợ đó hoảng sợ chạy đến chỗ Khoái Tường xin nhờ giúp đỡ. Khoái Tường sau khi xem qua chẳng những không vội gấp dùng gỗ khác để nối vào, mà ngược lại bảo người thợ đó cưa thêm một khúc nữa. Quyết định quả đoán đó đã nhất thời làm kinh sợ các thợ tại hiện trường. Sau đó Khoái Tường nghiên cứu kĩ, tại hai đầu của ngưỡng cửa, mỗi bên cho chạm khắc đầu rồng sống động, tại đường biên cho khảm một hạt châu lớn, cho nên công nghệ dùng cách kết hợp chốt và mộng, ngưỡng cửa đại điện uy phong đã ra đời. Từ đó, trong kiến trúc cung điện, công nghệ “kim cương thối” trứ danh bắt đầu lưu truyền rộng rãi.
          Sau này Khoái Tường định cư tại Bắc Kinh, Bắc Kinh từng có ngõ “Khoái Thị Lang” 蒯侍郎, chính là nơi cư trú của ông, và cũng là nơi các thợ làm nghề mộc tụ tập. Sự nghiệp kiến trúc của Khoái Tường, như trong sử liệu đã ghi chép, có thể nói  “phàm bách doanh tạo, Tường vô bất dự” 凡百营造, 祥无不予 (phàm trăm loại kiến trúc, không có loại nào mà không có Khoái Tường tham gia). Ông trước sau tham gia công trình Càn Thanh cung 乾清宫, Khôn Ninh cung 坤宁宫và trùng tu công trình tam đại điện. Các công trình khác như thành trì của Bắc Kinh, cửu môn, vương phủ cũng đều do ông đảm nhiệm xây dựng. Việc hưng kiến Dụ lăng 裕陵 trong Thập tam lăng vào niên hiệu Đại Thuận 大顺 đời Cảnh Tông 景宗 triều Minh cũng do Khoái Tường phụ trách thiết kế và thi công. Có thể nói, đối với việc sơ bộ định ra phong cách và nghệ thuật kiến trúc cung điện hai đời Minh Thanh của Khoái Tường đã có tác dụng rất to lớn.
          Năm Thiên Thuận 天顺 nguyên niên đời Minh (năm 1447), Thừa Thiên Môn gặp hoả tai, bị thiêu huỷ nghiêm trọng. Năm 1465, Minh Hiến Tông 明献宗nhậm mệnh Công bộ Thượng thư Tự Khuê 自圭chủ trì công việc tu sửa Thừa Thiên Môn. Trong quá trình tu sửa này, đã đem kiểu “bài phường” 牌坊 (1) vốn có của Thừa Thiên Môn đổi sang kiểu cung điện. Trên kết cấu cơ bản, sơ bộ chuẩn bị  cho phong thái Thiên An Môn hiện nay.
          Năm 1644, hoàng đế Thuận Trị 顺治nhà Thanh vào làm chủ trung nguyên, Thừa Thiên Môn cũng bị tổn hại nghiêm trọng trong binh lửa chiến loạn. Năm sau, hoàng đế Thuận Trị hạ lệnh trùng tu Thừa Thiên Môn, cả công trình tốn thời gian 6 năm, đồng thời từ đó có tên là Thiên An Môn 天安门. (trích)

Chú của người dịch
1- Tuổi “nhi lập”: tức 30 tuổi. Xuất xứ từ thiên Vi chính 为政 trong Luận ngữ 论语:
          Tử viết: Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ.
          子曰: 吾十有五而志于学, 三十而立, 四十而不惑, 五十而知天命, 六十而耳顺, 七十而从心所欲, 不逾矩
            (Khổng Tử nói rằng: Ta 15 tuổi để chí vào đạo của đại học; 30 tuổi hiểu được lễ, ngôn hành đều thích đáng; 40 tuổi đã biết không còn bị mê lầm; 50 tuổi hiểu được quy luật cơ bản của thiên đạo; 60 tuổi những điều tai nghe đã thông; 70 tuổi theo sự ham muốn của tâm mà không vượt quá pháp độ)
2- Bài phường 牌坊: loại hình kiến trúc vô cùng quan trọng trong kiến trúc truyền thống Trung Quốc, tựa như cổng chào, nhưng có quy mô lớn và nghệ thuật tinh xảo.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 20/01/2020

Nguyên tác Trung văn
THIÊN AN MÔN THIẾT KẾ GIẢ KHOÁI TƯỜNG CHI MÊ
 天安门设计者蒯祥之谜
Tác giả: Địch Xuân Hồng 翟春红
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CHI MÊ
中国历史之谜
Chủ biên: Lí Quảng Sinh 李广生
Thiên Tân: Bách hoa văn nghệ xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post