Dịch thuật: Trải qua một cuộc bể dâu (3) ("Truyện Kiều")



TRẢI QUA MỘT CUỘC BỂ DÂU (3)
          Cuộc bể dâu: tức “tang điền thương hải” 桑田沧海 biển xanh hoá thành ruộng dâu, dùng để ví sự biển đổi to lớn trên đời.
          Thành ngữ “tang điền thương hải” xuất xứ từ Thần tiên truyện 神仙传, quyển 3:
          Vương Viễn 王远 tự Phương Bình 方平 vào ngày mồng 7 tháng 7 cùng nhiều người theo tiên nhân giáng xuống nhà Thái Kinh 蔡经, sau khi gặp cha mẹ cùng anh en của Thái Kinh, liền phái sứ giả đi mời Ma Cô 麻姑, mọi người đều không biết Ma Cô là vị thần tiên nào. Chẳng mấy chốc, sứ giả trở về, nói với Vương Viễn rằng:
          - Ma Cô hai ba lần bái tạ bảo rằng, gần đây không gặp, chẳng mấy chốc mà đã hơn 500 năm trôi qua rồi. Vốn định cùng sứ giả đến tương kiến, nhưng do có việc cấp trên sai đến Bồng Lai 蓬莱 xử lí nên ở lại, sẽ đến gặp ông sau. Xin ông chớ có vội rời nơi đây.
          Chưa tới hai tiếng đồng hồ, Ma Cô đến. Trước khi đến, mọi người nghe thấy tiếng người tiếng ngựa rộn rịp, tiên nhân tuỳ tùng theo Ma Cô đến ước khoảng một nửa của tuỳ tùng Vương Viễn. Khi Ma Cô đến, cả nhà Thái Kinh đều trông thấy.
          Ma Cô là một vị tiên nữ xinh đẹp, tuổi chừng 18, 19, trên đầu búi một búi tóc, còn lại thả dài đến eo. Y phục của Ma Cô có hoa văn tươi đẹp, khó mà miêu tả lại, lụa là trên thế gian không thể sánh lại. Ma Cô bước vào cửa bái kiến Vương Viễn, Vương Viễn lập tức đứng dậy đáp lễ. Hai người sau khi vào chỗ ngồi, li vàng chén ngọc được mang ra, rất nhiều các loại hoa quả, hương thơm bay khắp cả trong và ngoài phòng. Mùi thơm của thịt khô dường như dùng gỗ cây tùng cây bá để nướng, theo lời kể đó là thịt kì lân khô. Ma Cô nói rằng:
          - Từ khi tôi thành tiên đến nay, đã thấy biển đông ba lần biến thành ruộng dâu. Tôi vừa mới đến Bồng Lai lại thấy biển đông cạn hơn năm ngoái, sâu bằng một nửa trước đây, lẽ nào lại sắp biến thành đất liền sao?
          Vương Viễn cười đáp rằng:
          - Thánh nhân đều nói, đường đi trong biển lại sắp nổi bụi rồi.

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(“Truyện Kiều” 3 – 4)
Cuộc bể dâu: Gốc ở thành ngữ “Thương hải biến vi tang điền” nghĩa là (biển xanh biến thành ruộng dâu), khi dùng theo nghĩa bóng, nó chỉ những sự đảo lộn quá sức tưởng tượng của con người.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Tầm nguyên thư: Hải thượng lão nhân mỗi thương hải tang điền nhất biến tắc trí nhất trù kí nhi trù mãn ốc.
          尋源書: 海上老人每滄海桑田一變則置一籌而籌滿屋
          (Sách Tầm nguyên chép: ông lão ở trên bể, cứ mỗi một bận bể đông hoá ra ruộng dâu, đặt một cái thẻ, rồi thẻ để đến nóc nhà.
          Lại Thần tiên truyện Đông hải công nói: ba lần thấy bể hoá ra ruộng dâu.)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Theo “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, thì câu 4 này là:
Những điều trông thấy ĐÃ đau đớn lòng
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002) 

                                                                                        Huỳnh Chương Hưng 
                                                                                        Quy Nhơn 29/12/2019
Previous Post Next Post