Dịch thuật: Lạ gì bỉ sắc tư phong (5) ("Truyện Kiều")



LẠ GÌ BỈ SẮC TƯ PHONG (5)
          Bỉ sắc tư phong 彼嗇斯豐: “Bỉ” là kia, đó; “tư” là đây, này. “Sắc” là hà tiện, keo kiệt; “phong” là phong phú dồi dào. Mặt kia mà kém, thì mặt này sẽ hơn.
          Trong “Kim Vân Kiều truyện” 金雲翹傳 của Thanh Tâm Tài Tử 青心才子, hồi 1 ở lời bình của Kim Thánh Thán 金聖嘆 có đoạn:
          Chiêu Quân sắc đoạt tam thiên, bất miễn tái ngoại chi trần; Quý Phi long sủng nhất quốc, nan đào Mã Ngôi chi tử. Phi Yến, Hợp Đức hà tằng lệnh chung; Tây Tử, Điêu Thiền đồ di thoại bính. Giá chân thị tạo hoá kị doanh, phong thử sắc bỉ. Sở dĩ Lí Dị An mạt niên bão oán, Chu Thục Trinh vãn tiết thương tâm; Thái Văn Cơ bi già ai yết, vưu vi khả liên. Đại để hữu nhất phân nhan sắc, tiện thụ nhất phân chiết ma; phú liễu nhất đoạn tài tình, tiện tăng nhất phân nghiệt chướng.
          昭君色夺三千, 不免塞外之尘; 贵妃宠隆一国, 难逃马嵬之死. 飞燕, 合德何曾令终; 西子, 貂蟬徒贻话柄. 这真是造化忌盈, 丰此嗇彼. 所以李易安末年抱怨, 朱淑贞晚节伤心; 蔡文姬悲笳哀嚥, 尤为可怜. 大抵有了一分颜色, 便受一分折磨; 赋了一段才情, 便增一分孽障.
          (Chiêu Quân nhan sắc hơn cả ba ngàn cung nữ, thế mà không tránh khỏi kiếp phong trần ngoài biên tái; Quý Phi được ân sủng nhất hoàng cung, thế mà không tránh khỏi cái chết ở Mã Ngôi. Phi Yến, Hợp Đức, nào từng khi chết có được tiếng thơm; Tây Tử, Điêu Thiền, chỉ lưu lại hành vi cho người đời đàm tiếu. Đó quả là tạo hoá ghét sự hoàn hảo, hơn mặt này thì phải kém mặt kia. Cho nên Lí Dị An lúc về già còn ôm nỗi hận, Chu Thục Trinh khi xế bóng vẫn cứ đau lòng; Thái Văn Cơ nghe tiếng tù và bi ai mà nghẹn ngào nức nở, càng đáng thương hơn. Đại để là có được phần nhan sắc, thì phải chịu giày vò; có được chút tài tình, thì phải tăng phần nghiệt chướng.)
          (Đoạn chữ Hán theo tư liệu của GS Đàm Quang Hưng)

Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
(“Truyện Kiều” 5 – 6)
Bỉ sắc tư phong: Do câu “Phong vu bỉ, sắc vu thử” nghĩa là dồi dào (phong) về mặt (vu) kia (bỉ) thì kém (sắc) về mặt (vu) này (thử). Tư cũng có nghĩa như thử. Ý nói không ai được toàn, hơn người ta về mặt này thì lại kém người ta về mặt khác.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Thánh Thán bình: tạo hoá kị doanh, phong thử sắc bỉ, sở dĩ sinh nhất phần nhan sắc thụ thập phần chiết ma, phú nhất phần tài tình, tăng nhất phần nghiệt chướng.
          聖嘆評: 造化忌盈豐此嗇彼所以生一分顏色受十分折磨賦一分才情增一分蘗障
          (Ông Thánh Thán bàn rằng: ông tạo hoá ghét người được trọn vẹn đủ điều, người được điều nọ mất điều kia, cho nên sinh cho người ta được một phần nhan sắc lại bắt chịu mười phần chiết ma, được một phần tài tình lại bắt chịu thêm một phần nghiệt chướng.)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 
Xét: Câu 5 và câu 6 trong “Truyện Kiều”, gốc từ lời bình của Kim Thánh Thán. Theo “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, thì câu 6 này là:
Trời xanh quen VỚI má hồng đánh ghen
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 30/12/2019
Previous Post Next Post