Dịch thuật: Chế độ tiêu cấm đời Hán (tiếp theo)

CHẾ ĐỘ TIÊU CẤM ĐỜI HÁN
(tiếp theo)

          Thực thi tiêu cấm, phủ quan cũng chẳng được nhàn tản. Địa phương có phủ quan mỗi khi trời tối, liền khoá cổng thành nghiêm mật, cấm chỉ xuất nhập, chìa khoá cổng thành tất phải giao cho nội nha phủ quan. Đến đời Thanh lại càng nghiêm hơn, chìa khoá cổng thành, phủ quan không có tư cách giữ, mà phải giao cho Quân trưởng quan đóng ở nơi đó. Cho dù quan văn cao cấp nhất trong thành, buổi tối có công vụ gấp cần ra khỏi thành cũng phải hướng đến Quân trưởng quan xin lĩnh chìa khoá.
          Kì thực tiêu cấm lệnh nghiêm cẩn như thế đối với lão bách tính mà nói cũng chẳng phương ngại gì, chỉ là đối với những người có chút hành động tài năng trong đêm mà nói, đó mới là vấn đề rất lớn. Ví dụ ca kĩ vũ nữ diễn xuất trong đêm, lúc về nhà tương đối phiền phức, trừ phi đối tượng để họ phục vụ là Chấp kim ngô 执金吾 (1), thì là vạn sự đại cát. Nếu không, định lén về nhà thì không thể. Một khi bị bắt được có thể bị trừng phạt, đảm bảo sẽ không tái phạm lần thứ hai.
          Tiếp theo, chúng ta sẽ nói về những hành vi bị phương ngại bởi tiêu cấm lệnh. Điển hình nhất là cờ bạc, việc đó pháp luật các đời đều nghiêm lệnh cấm chỉ, nhưng nhiều lần cấm không được. Để tránh tai mắt của mọi người, bọn cờ bạc, vào niên đại có tiêu cấm lệnh đều mạo hiểm ban đêm tụ tập cờ bạc. Thường  đánh đến nỗi thiên hôn địa ám, mãi cho đến lúc đêm đã khuya người đã yên, kẻ bị thua sạch mới nghĩ đến việc về nhà. Nhưng đường trong thành nửa đêm đều bị cấm, không được thông hành. Bọn cờ bạc sẽ đi vòng những đường tương đối vắng vẻ, thậm chí đi qua một hai cái ao bốc mùi hôi thúi. Cho dù là như vậy vẫn bị canh phu đi tuần đêm hoặc trưởng quan đi tuần chận lại xét hỏi, bọn cờ bạc ấp a ấp úng, trên mặt lộ vẻ khó coi sẽ khó mà tránh bị bại lộ.
          Cờ bạc không phải là việc tốt, không ít kẻ cờ bạc cũng chẳng ra gì, những câu chuyện về bọn cờ bạc hại người, hại bản thân, đường thời trong sách vở đã kể ra không ít, có một số thiên ghi chép các cách mà bọn cờ bạc tránh tiêu cấm. Những kẻ cờ bạc mà có quyền có thế đã lợi dụng quyền thế tránh tiêu cấm. Ví dụ đời Minh có một tay cờ bạc mà người cha của y là Bố chính sứ 布政使 (đương đương với vị trưởng quan hành chính nơi đó) đã lớn tiếng nói rằng:
          - Đêm khuya rồi, thắp cho ta chiếc đèn lồng Bố chính ti, ở hàng rào chặn  cũng không ai dám chặn đâu; đã khoá họ cũng không dám không mở đâu.
          Tay đó, mới nghe qua đã biết đó chính là “khanh đa hoá” 坑爹货 (2).
          Trước tiên mặc kệ y có phải là “khanh đa” 坑爹 hay không, tóm lại người có quyền có thế không xem tiêu cấm ra gì. Ví dụ du hiệp Quách Giải 郭解 thời Hán, tiêu cấm đối với con người như ông ta mà nói tựa hồ như không có gì, không hề bị ước thúc.
         Trong Hán thư – Du hiệp truyện 汉书 - 游侠传 có hai câu chuyện liên quan đến Quách Giải, đều liên quan đến hoạt động về đêm. Một chuyện là ở Lạc Dương 洛阳 có hai người oán cừu thù địch nhau, các thân hào hiền sĩ ở Lạc Dương đứng trung gian điều đình mười mấy lần nhưng không có kết quả. Thế là có người tìm đến Quách Giải, mời Quách Giải ra mặt điều đình. Quách Giải đêm khuya đi gặp cừu gia, cừu gia miễn cưỡng nghe theo. Quách Giải nói với cừu gia rằng:
          - Người có vai vế ở Lạc Dương nhiều lần điều đình mà ông không chịu đáp ứng. Nay ông nghe theo lời của tôi , tôi làm sao có thể lấy thân phận người ngoài mà phủ nhận người có vai vế ở Lạc Dương?
          Ngay trong đêm đó, Quách Giải ra đi, chẳng ai hay biết, đồng thời nói với cừu gia rằng:
          - Bất tất phải nghe lời tôi, đợi sau khi tôi đi khỏi, người có vai vế ở Lạc Dương điều đình, lúc đó ông hãy bằng lòng hoá giải cừu thù.
          Có thể thấy, nhân vật cỡ “giáo phụ” 教父 như Quách Giải đối với tiêu cấm chẳng có công dụng gì.
          Con người Quách Giải ngang tàng như thế, công nhiên phạm cấm, thế thì những nhân vật khác có liên quan, ông lại càng không kiêng nể. Dáng người Quách Giải không cao, bình thường cũng rất lịch sự và biết giữ luật, ra khỏi cửa không bao giờ cưỡi ngựa, cũng không ngồi xe đến thẳng huyện nha. Đến một địa phương khác, những việc làm được thì làm tới cùng, làm không được thì cũng ra sức phối hợp cùng người khác, hai bên đều thoả mãn mới nhận lời dự tiệc. nhân đó rất được đại quan hào sĩ coi trọng. Từ bọn côn đồ lưu manh trong huyện cho đến kẻ sĩ hào kiệt của các huyện khác thường đêm khuya có đến mười mấy xe đến thăm Quách Giải. Nhân vật như thế, tiêu cấm càng không có công dụng, mà ngược lại thể hiện rõ sự liều lĩnh và to gan của ông, trở thành tiêu chí “lượng cách bác” 亮胳膊  (tức lộ cánh tay, ý nói hào hiệp trượng nghĩa? – ND) của họ.
          Cho nên nói, tiêu cấm lệnh không phải là hoàn toàn không có ích lợi gì, tuy sinh hoạt ban có ít đi, nhưng trị an được tốt. Bạn nghĩ thử, bọn trộm cướp vừa mới ra khỏi cửa, chưa gây được án thì trước tiên đã “phạm dạ” 犯夜 bị tóm rồi, thì đó chẳng phải là không tốt sao!       (hết)

Chú của người dịch
1- Chấp kim ngô 执金吾: Chức quan thống lĩnh cấm binh bảo vệ kinh thành và cung thành thời cổ.
2- Khanh đa坑爹:
 “Khanh” có nghĩa là cái hố, hoặc mang nghĩa hãm hại; “đa”  có nghĩa là cha, bố; “khanh đa” 坑爹 có nghĩa là “hại cha, hại bố”.
          Theo tư liệu mạng:
- “Khanh đa” 坑爹 (hại cha) cũng chỉ “khanh ngã” 坑我 (hại ta), trên mạng hiện nay, từ “đa” (cha / bố) cũng có nghĩa là “ngã” (ta / tôi), đa phần nam giới sử dụng. “Khanh đa” dùng trong lúc vui đùa đa phần mang ý nghĩa mình bị bán đứng, hoặc bị gạt.
          - “Khanh đa” chỉ tay chơi oán trách mình đã vung tiền quá nhiều trong cuộc chơi, hoặc bị bạn hại.
https://zhidao.baidu.com/question/258497948.html
Bản thân chữ (hoá) trong cách sử dụng truyền thống có tác dụng xưng hô chỉ thay cho người, nhưng thường là từ biếm xưng, trêu chọc hoặc mắng người khác.
          “Khanh đa hoá” 坑爹 có lẽ chỉ hạng người vung tiền quá nhiều trong cuộc ăn chơi?

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 21/12/2019

Nguồn
HOẠT TẠI ĐẠI HÁN
活在大汉
Tác giả: Kì Mạc Hân 祁莫昕
Thành Đô: Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 2018
Previous Post Next Post