Dịch thuật: Trường Xuân Chân Nhân Khâu Xử Cơ

TRƯỜNG XUÂN CHÂN NHÂN KHÂU XỬ CƠ

          Theo Kim liên chính tông kí 金莲正宗记:
          Trường Xuân Chân Nhân Khâu (Khưu) Xử Cơ 长春真人丘处机 (*) sinh vào thời Nam Tống, là đời sau của danh môn vọng tộc ở Thê Hà 栖霞 Sơn Đông 山东. Khâu Xử Cơ sinh ra đã thông minh hơn người, thích đọc sách, biết rộng nhớ kĩ, cử chỉ nho nhã, tài hoa tràn đầy. Có thầy tướng số từng dự ngôn Khâu Xử Cơ sau này sẽ là Đế vương sư.
          Năm Khâu Xử Cơ 19 tuổi, nghe nói Vương Trùng Dương 王重阳 tu đạo tại động Yên Hà 烟霞 ở núi Côn Luân 昆仑, thế là liền đi đến thỉnh giáo. Vương Trùng Dương vừa nhìn thấy, đã biết Khâu Xử Cơ không phải là hạng tầm thường, sau nhiều lần khảo nghiệm mới thu nhận làm đồ đệ. Mấy năm sau, dưới sự chỉ điểm và dạy bảo của Vương Trùng Dương, Khâu Xử Cơ không chỉ có tiến bộ rất lớn về lí luận tu đạo, mà còn về phương pháp tu đạo cũng có được nhiều gợi mở, tiến bộ thần tốc, tam điền 三田 (1) công phu, huyền quan 玄关 (2) diệu tiệp, đều thuộc nằm lòng.
          Sau khi Vương Trùng Dương qua đời, một mình Khâu Xử Cơ đi đến Phụng Tường 凤翔 ở phía tây, dọc đường dựa vào việc xin ăn để sống, cuối cùng đến được Bàn Khê 磻溪 nơi mà năm nào Thái Công 太公 buông cần câu cá. Tại nơi đó, Khâu Xử Cơ cách tuyệt với đời, chuyên tâm tu luyện. Do bởi trên thân người chỉ mặc một chiếc áo tơi, đội chiếc nón lá, bất luận xuân hạ thu đông cũng đều như thế, cho nên mọi người gọi ông là “Thoa y tiên sinh” 蓑衣先生. Ông kiên trì hàng ngày ngồi tĩnh toạ, trừ bỏ tạp niệm, chiến đấu với thuỵ ma 睡魔 (3), ngày đêm luyện công không ngủ. Cứ như thế được 7 năm cuối cùng thành công. Do đó Khâu Xử Cơ trở thành nhân vật có sức ảnh hưởng rất lớn của Toàn chân đạo 全真道, quân chủ của hai nước từng phái sứ giả đến mời ông đến kinh thành phò tá chiến sự, nhưng đều bị ông cự tuyệt. Về sau Thành Cát Tư Hàn 成吉思汗 (**) ở Trung Á 中亚 xa xôi phái cận thần Lưu Trọng Lộc 刘仲禄 đến Sơn Đông 山东  mời Khâu Xử Cơ đến Trung Á, muốn đích thân thỉnh giáo Khâu Xử Cơ việc trị quốc an dân. Trước lúc Lưu Trọng Lộc đến một ngày, Khâu Xử Cơ đột nhiên dặn đệ tử nhanh chóng thu xếp hành trang, đồng thời nói “có thiên sứ đến mời ta, ta phải đi đến đó”. Ngày hôm sau, quả nhiên Lưu Trọng Lộc đến, nói rõ với Khâu Xử Cơ ý muốn khẩn cầu của Thành Cát Tư Hàn. Khâu Xử Cơ bằng lòng, lập tức dẫn 18 đồ đệ theo Lưu Trọng Lộc. Khâu Xử Cơ chịu muôn ngàn gian khổ, trải qua 3 năm, đi qua mấy chục nước, hành trình vạn lí, cuối cùng đến được Đại Tuyết sơn 大雪山 ở Tây vực 西域, gặp Thành Cát Tư Hàn. Thành Cát Tư Hàn thấy Khâu Xử Cơ từ vạn dặm đến đây, vô cùng vui mừng, lấy lễ thượng khách tiếp đãi, đồng thời hướng đến Khâu Xử Cơ thỉnh giáo đạo trị quốc và trị thân. Khâu Xử Cơ nói với Thành Cát Tư Hàn, muốn thồng nhất người trong thiên hạ, thì phải không được hiếu sát. Kính trời yêu dân là căn bản của việc thống trị, còn phương pháp thanh tâm quả dục là đạo trường sinh cửu thị. Đối với ý kiến của Khâu Xử Cơ, Thành Cát Tư hàn vô cùng coi trọng, lệnh cho đại thần ghi chép lại. Thành Cát Tư Hàn còn ban cho Khâu Xử Cơ một hổ phù, bên ngoài gia thêm tỉ thư, bên trên không viết danh tính mà chỉ viết 2 chữ “thần tiên” 神仙.
          Về sau, Khâu Xử Cơ từ Trung Á về lại Yên Kinh 燕京 (nay là Bắc Kinh 北京) trú ở cung Trường Xuân 长春 (nay là Bạch Vân quán 白云观), tại đó giáo hoá thiên hạ. Ông còn phái đồ đệ cầm phù điệp mà Thành Cát Tư Hàn ban cho, đi khắp nơi tìm binh sĩ chiến bại của triều Tống và bách tính, khiến nhiều người lâm vào cõi chết được sống lại, số người được cứu lên đến hai ba vạn.
          Năm Khâu Xử Cơ 80 tuổi, gặp lúc đại hạn, Khâu Xử Cơ đích thân cầu mưa, sau 3 ngày, quả nhiên mưa xuống. Tháng 6 năm đó, Khâu Xử Cơ tại Đông Khê东溪 sau khi tắm gội hai ngày, bỗng nhiên trời mưa lớn, nước trong ao Thái Dịch 太液 toàn bộ chảy vào Đông hồ 东湖 , cá tôm cũng theo đó mà đi hết. Ao Thái Dịch khô cạn, bờ đông Bắc Khẩu 北口 bị sụp. Khâu Xử Cơ biết đó là bị trời trách phạt, cảm thán nói rằng:
          - Núi sụp ao khô, ta cũng cùng như vậy chăng?
          Nói xong liền nhẹ nhàng bay đi mất.

Chú của nguyên tác
1- Tam điền 三田: tức 3 đan điền thượng, trung, hạ. Tam điền công phu chỉ trong việc tu luyện nội đan của Đạo giáo dùng ý niệm dẫn nguyên khí vận hành, từ đó lưu thông  3 đan điền trên thân thể cùng công phu kinh lạc khí huyết. Đạo giáo cho rằng, trên cơ sở đó tiến một bước tu luyện có thể luyện được nội đan, thành thần tiên.
2- Huyền quan 玄关: tức quan khẩu 关口 (cửa khẩu / bước ngoặt – ND) huyền diệu. Ở đây là chỉ một số quan khẩu huyền diệu nhất trong việc tu luyện nội đan.
3- Nội đan học cho rằng, thuỵ miên 睡眠 (ngủ) là nhân tố tiêu cực ảnh hưởng đến sự thành công trong việc tu đạo, nhất là hôn thuỵ 昏睡 (ngủ say) xuất hiện  trong quá trình luyện công bị gọi là ma   càng ảnh hưởng đến việc tu luyện, cho nên phải tiêu trừ hết.

Chú của người dịch
*-  Khâu (Khưu) Xử Cơ丘處機
- Về chữ /:
Trong Khang Hi tự điển 康熙字典 có các bính âm như sau: chǔ (âm Hán Việt: xử), chù (âm Hán Việt: xứ), (âm Hán Việt: cứ).
(“Khang Hi tự điển”, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 1046)
tên nhân vật丘处机 / 丘處機 , Trung văn bính âm là qiū chǔjī, (丘處機 ;pinyin : qiū chǔjī) như vậy ở đây phiên âm là Khâu Xử Cơ.

** - Thành Cát Tư Hàn (Hãn)  成吉思汗
 - Về chữ :
Trong Khang Hi tự điển 康熙字典có các bính âm như sau: hàn (âm Hán Việt:  hãn), hán (âm Hán Việt: hàn), gān (âm Hán Việt: can).
- Bính âm hán (âm Hán Việt là hàn):
          “Đường vận”: hồ an thiết.
          “Tập vận”, “Vận hội”, “Chính vận”: hà can thiết. Tịnh âm (hàn)
          Khắc Hàn, tù trưởng chi xưng. Độc nhược 克韓 (khắc hàn).
          Hựu Bàn Hàn, Hán huyện danh. Độc Bàn Hàn.
          “唐韻”: 胡安切.
     集韻”, “韻會”, “正韻”: 河干切. 並音寒.
     可汗, 酋長之稱. 讀若克韓.
     又番汗, 漢縣名. 音盤寒.
          “Đường vận” phiên thiết là hồ an.
          “Tập vận”, “Vận hội”, “Chính vận” phiên thiết là “hà can”. Đều có âm đọc là (hàn).
          可汗 “Khắc hàn là từ gọi tù trưởng. Đọc như 克韓 “khắc hàn”.”
          Lại có Bàn Hàn, tên một huyện đời Hán. Đọc là “Bàn Hàn”.
          (“Khang Hi tự điển”, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 553)

Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có âm “hãn” và “hàn”. Với âm “hàn” ghi rằng:
          Một âm là hàn, vua rợ Đột quyết gọi là khả hàn 可汗.
          (Ở chữ trang 73 thì có âm đọc là khắc hàn, ở đây lại là khả hàn. Chắc có lẽ tác giả nhầm – ND)
          (Nhà xuất bản Hồng Đức, 2015, trang 299)

          Trong Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan, chữ cũng có 2 âm đọc: “hãn” và  “hàn”. Với âm “hàn” ghi rằng:
          Vua Hung Nô được gọi là Khả Hàn 可汗 (cũng quen đọc là Hãn)
          Ở chữ ghi rằng:
          Tên gọi vua Tây Vực (Khả Hãn 可汗, đọc như Khắc Hàn)
          (Nhà xuất bản TP Hồ chí Minh, 2002, trang 736, trang 195)
          Như vậy chữ với nghĩa là tù trưởng đọc là “Hàn”, ta quen đọc là “Hãn”. 可汗 đọc là “Khắc Hàn”, ta quen đọc là “Khả Hãn”.
     成吉思汗  theo Trung văn, bính âm là  chéng jí sī hán, như vậy tên nhân vật đọc là Thành Cát Tư Hàn, nhưng ta quen đọc là Thành Cát Tư Hãn.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 20/11/2019

Nguyên tác Trung văn
TRƯỜNG XUÂN CHÂN NHÂN KHÂU XỬ CƠ
长春真人丘处机
Trong quyển
ĐẠO KINH CỐ SỰ
道经故事
Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉
Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post