Dịch thuật: Diễn biến về tự hình của chữ Hán

DIỄN BIẾN VỀ TỰ HÌNH CỦA CHỮ HÁN

          Về văn tự cổ đại của Trung Quốc, hiện đã biết được một cách chắc chắn, cổ xưa nhất là “giáp cốt văn” 甲骨文, phát hiện tại di chỉ Ân Khư 殷墟 huyện An Dương 安阳 tỉnh Hà Nam 河南 vào năm 1899, được khắc trên mai rùa và xương thú, tự hình cực kì khó xác định, một chữ có thể được viết thành rất nhiều dạng, chữ tượng hình chiếm tuyệt đại đa số. Thứ đến là “chung đỉnh văn” 钟鼎文, chính là minh văn 铭文 được khắc trên đồ đồng thời Ân Chu. Ngoài ra còn có “thạch cổ văn” 石古文 là chữ được khắc trên trống đá phát hiện tại Thiểm Tây 陕西vào đầu thời Đường, tự thể của nó là “Trứu văn” 籀文, đại khái là thạch khắc vào những năm đầu đời Tần. văn tự trước Trứu văn, như giáp cốt văn, chung đỉnh văn, thông xưng là “cổ văn” 古文 (nhưng gần đây những nhà nghiên cứu giáp cốt học chứng minh Trứu văn tức cổ văn). Trứu văn nói chung xưng là “đại triện” 大篆, theo truyền thuyết của người xưa, là do Thái sử Trứu 太史籀 thời Chu Tuyên Vương 周宣王 chỉnh lí văn tự đương thời mà ra. Năm Tần Thuỷ Hoàng 秦水皇 thứ 26, Lí Tư 李斯 đầu tiên đề xướng quy định lấy Tần văn 秦文làm văn tự tiêu chuẩn, cấm chỉ sử dụng các tự thể khác, thế là tham chiếu tự thể đại triện, gia thêm giản đơn hoá mà làm ra “tiểu triện” 小篆. Đồng thời lại căn cứ vào văn tự tục thể đang lưu hành lúc bấy giờ, sáng tạo ra loại “lệ thư” 隶书càng đơn giản hơn để cho sai dịch của nha môn sử dụng. Triện thư thuộc văn tự chính thức đương thời, bảo tồn nguyên ý của cổ văn tương đối nhiều; lệ thư thuộc “tục tả thể” 俗写体, chỉ cầu giản tiện, đối với ý nghĩa gốc của lục thư đa phần không chú ý đến. Nhưng do vì sử dụng tiện lợi, về sau bèn lưu hành thay thế địa vị của văn tự chính thức. Sau lệ thư, còn có “bát phân thư” 八分书, “khải thư” 楷书, những chỗ biến đổi của tự thể rất nhỏ. Lệ thư ở thời Tần rất giản đơn, nhưng triều Hán cần sử dụng trong văn thư long trọng, nên viết mĩ quan hơn, lại biến đổi khó viết một chút. Bát phân thư chính là do để cứu vớt những phiền phức khó viết của Hán lệ mà sản sinh, nó là biệt thể của lệ thư. Khải thư sản sinh vào khoảng thời Hán Nguỵ, từ lệ thư biến hóa một chút mà ra, Chung Diêu 钟繇, Vương Hi Chi 王羲之 là những danh gia về khải thư. Song song với khải thư còn có 2 thể khác là “hành” và “thảo” , đều sản sinh vào triều Hán, nhân vì nét bút đại khái qua loa, chỉ dùng để tuỳ ý viết, không có được địa vị văn tự chính thức. Địa vị văn tự chính thức, từ thời Hậu Hán đến nay hơn 1600 năm, trước sau đều do khải thư chiếm hữu.
          Về xu thế của diễn biến tự hình, đại để là từ tượng hình rồi tượng thanh (tượng hình giáp cốt văn chiếm số lượng nhiều nhất, trong Thuyết văn 说文, tượng hình chiếm 2/10, hiện tại trong bốn năm vạn chữ, chữ tượng hình chiếm khoảng 4/100, kì dư hình thanh, giả tá, đều là chữ tượng thanh), từ phồn thể đến giản thể, đó vốn là quy luật chung của sự tiến hoá văn tự. Nhưng các văn tự học gia thủ cựu đối với di chế phá hoại tượng hình của lệ thư rất không tán thành, bởi vì từ khi lệ thư thông hành trở về sau, triện thư hoặc cổ văn mà học sinh tiểu học thời cổ có thể nhận biết, đến hiện tại tuy là chuyên gia cũng không thể hoàn toàn nhận biết.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 12/8/2019

Nguyên tác
TỰ HÌNH ĐÍCH DIỄN BIẾN
字形的演变
Trong quyển
QUỐC HỌC THƯỜNG THỨC
国学常识
Tác giả: Tào Bá Hàn 曹伯韩
Bắc Kinh: Hoá học công nghiệp xuất bản xã, 2017
Previous Post Next Post