Dịch thuật: Chung Quỳ


CHUNG QUỲ

          Trong truyền thuyết cổ đại Trung Quốc, các vị thần chuyên bắt quỷ ngoài môn thần là Thần Đồ 神荼, Úc Luật 郁壘ra, còn có Chung Quỳ 鍾馗với danh tiếng lừng lẫy. Hình tượng của Chung Quỳ vô cùng quái dị, là một vị võ quan, đầu beo mắt to, mặt sắt râu rậm, thân mặc quan phục màu đỏ, chân mang ủng đen, tay cầm kiếm sắc, rất là hung ác dữ tợn.
          Nguyên nhân sự xuất hiện của Chung Quỳ là đối với thiên tai nhân hoạ mọi người không thể lí giải, thế là người xưa bèn tạo ra vị thần bảo hộ chuyên đối phó với quỷ quái.
          Về Chung Quỳ bắt quỷ còn có một truyền thuyết khác:
          Vào thời Khai Nguyên 開元 của triều Đường, Đường Minh Hoàng 唐明皇từ thao trường ở Li sơn 驪山trở về, bỗng nhiên mắc bệnh. Các vu sư dùng hết cách, chữa trị mấy tháng mà cũng không có chuyển biến tốt.  
          Khuya một đêm nọ, Đường Minh Hoàng nằm mộng thấy một con quỷ nhỏ lấy trộm túi thơm của Dương Quý Phi 楊貴妃và cây sáo ngọc của mình. Minh Hoàng cả giận, trách nó, con quỷ nhỏ tự xưng là “hư hao” 虛耗. Lúc bấy giờ, thấy một con quỷ lớn, “đầu đội mũ rách, mặc áo màu lam, thắt dây lưng, bắt con quỷ nhỏ, lấy tay khoét mắt, bổ ra mà ăn”. Minh Hoàng thấy quỷ lớn ăn quỷ nhỏ, liền hỏi nó là ai. Quỷ lớn đáp rằng:
          - Thần là Tiến sĩ Chung Quỳ ở Chung Nam 終南 .
          Hoá ra Chung Quỳ do vì thi không đỗ, đã đập đầu nơi bệ mà chết, sau phụng mệnh ý chỉ của Diêm Vương đến nhân gian bắt ác quỷ, thề trừ yêu nghiệt hư hao trong thiên hạ. Đường Minh Hoàng tỉnh giấc, phút chốc bệnh tình thuyên giảm. Thế là vội triệu hoạ gia Ngô Đạo Tử 吳道子(1) vẽ hình quỷ, treo nơi Hậu Tể môn 後宰門để trấn yêu tà.
          Về sau trong các tác phẩm văn học như Chung Quỳ trảm quỷ truyện 鍾馗斬鬼傳, Chung Quỳ bình quỷ truyện鍾馗平鬼傳, hình tượng Chung Quỳ càng thêm phong phú, nhiều màu sắc, trở thành nghĩa quỷ tài hoa xuất chúng, giúp những người bị hàm oan, thay nhân gian trừ yêu quái.
          Trừ hình tượng Chung Quỳ hung ác dữ tợn, nhíu mày trợn mắt đáng sợ ra (đa phần là đề tài đâm quỷ, chém quỷ, chém hồ li), còn có tranh Chung Quỳ khác. Chung Quỳ trên tranh loại này hiền hoà khả ái, đầy hoà khí, bên cạnh còn phối thêm dơi, hoặc nhện. Loại tranh này có chỗ khác với tranh Chung Quỳ xua tà trấn yêu, nó kí thác nguyện vọng tốt đẹp truy cầu một cuộc sống bình an.

Chú của người dịch
1- Ngô Đạo Tử 吴道子 (khoảng 680 – 759): hoạ gia đời Đường, trong lịch sử hội hoạ tôn xưng là Ngô Sinh 吴生, còn có tên là Đạo Huyền 道玄, người Dương Địch 阳翟 (nay là huyện Vũ  tỉnh Hà Nam 河南. Ông sinh vào khoảng năm thứ 1 niên hiệu Vĩnh Long 永隆 (680), mất vào khoảng trước sau năm thứ nhất niên hiệu Càn Nguyên 乾元 (758). Lúc nhỏ mồ côi, nhà nghèo, thời gian đầu làm hoạ công dân gian. Đến khi trẻ rất nổi tiếng, từng giữ chức Huyện uý, chẳng bao lâu từ chức, sau đến Lạc Dương 洛阳 vẽ bích hoạ. Khoảng thời Khai Nguyên 开元 được triệu vào cung đình, giữ qua các chức Cung phụng, Nội giáo bác sĩ, Ninh Vương Hữu; từng theo Trương Húc 张旭, Hạ Tri Chương 贺知章 học tập thư pháp. Ngô Đạo Tử chuyên vẽ nhân vật Đạo giáo, Phật giáo, điểu thú, thảo mộc, lâu các.

          Nguồn http://baike.baidu.com/view/27159.htm

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                         Quy Nhơn 01/7/2019

Nguồn
CÁT TƯỜNG ĐÍCH TRUNG QUỐC
吉祥的中國
Bản công ti biên tập bộ biên soạn
Ngọc thụ đồ thư ấn loát hữu hạn công ti, năm Dân Quốc thứ 90
Previous Post Next Post