Dịch thuật: Xưng vị mang tính khẩu ngữ dân gian thời Đường (kì 2)

XƯNG VỊ MANG TÍNH KHẨU NGỮ DÂN GIAN THỜI ĐƯỜNG
(kì 2)

Về nhà, giữa “huynh” và “ca ca” không được lẫn lộn
          Gia đình của người triều Đường thân ái hoà mục, cha mẹ con cái tụ tập một nhà, vui vẻ đầm ấm bên nhau. Thế thì giữa vợ chồng xưng hô như thế nào? Đương nhiên “tướng công” 相公 là từ xưng hô chỉ Tể tướng, vậy “nương tử” 娘子có thể được không? Tuyệt đối không thể, bởi vào triều Đường, đàn bà con gái đi trên phố, bạn đều gọi là “nương tử”, tuổi không cao thì gọi là “tiểu nương tử” 小娘子. Lúc bấy giờ nếu bạn gọi vợ của mình là “nương tử”, cô ta cảm thấy bạn không yêu cô ta, bởi trong lòng bạn, cô gái bên gối này và các cô trên phố chẳng có gì là khác cả. Cho nên, để phục thù, cô ta sẽ gọi bạn là “lang” hoặc “lang quân” 郎君. Chớ có mà vui mừng, bởi phàm là thiếu niên đều có thể được gọi là “lang quân”.
          Nếu bạn muốn bảo lưu cách xưng hô đặc biệt giữa vợ chồng, giống như từ “đạt linh” 达令và “cáp ni” 哈尼 (1) có phạm vi quốc tế mang tính thời thượng, tây một chút, trình độ cao một chút, thì nhẹ nhàng đơn giản gọi là “lão công” 老公 “lão bà” 老婆, bởi hai từ này là do triều Đường khai sáng ra, hoàn toàn mới mẻ.
          Cách gọi “lão công” và “lão bà” có thể làm cho bạn cảm thấy tập tục của người triều Đường rất gần với người hiện đại, nhưng phàm mọi việc không thể cho là đương nhiên như thế, nếu không sẽ gây ra chuyện cười. Ví dụ từ “ca ca” 哥哥, trong mắt người triều Đường không giống như cách lí giải của người hiện đại. Rất nhiều tác phẩm điện ảnh có liên quan tới triều Đường, không bao giờ  dùng đến từ “ca ca” này, nhưng người sống vào thời Đại Đường thì lại sử dụng. Tại triều Đường, “ca” có thể dùng để chỉ phụ thân, đương nhiên từ “đại nhân” 大人 mà đã nói ở trên cũng là một cách bạn xưng hô với phụ thân. Bản thân từ “phụ thân” 父亲 cũng có thể dùng. Còn như nếu bạn gặp người nam có tuồi lớn hơn bạn một chút thì bạn gọi là “huynh” .
          Triều Đường vẫn chưa có chính sách sinh đẻ có kế hoạch, một nhà có thể có rất nhiều con, em trai gặp anh trai, thì xưng là “huynh” , gặp anh thứ 3, thì xưng là “tam huynh” 三兄, nếu cảm thấy không thuận miệng, thì có thể gọi là “a huynh” 阿兄. Các anh gặp em trai thì xưng là “lang” , cũng như vậy, cũng có thể xưng là “a lang” 阿郎.
          Phân biệt rõ quan hệ giữa “ca” và “huynh” vẫn chưa đủ, người mẹ có một vai trò quan trọng trong gia đình, cũng cần phải chú ý đến cách xưng hô đối với mẹ. Bình thường, cách xưng hô đối với mẹ có từ “nương” và “a nương” 阿娘 hoặc “nương nương” 娘娘 rất quen thuộc với người hiện đại. Từ “nương nương” ở đây khác rất xa với Quý phi nương nương trong hoàng cung và Vương Mẫu nương nương xa tận Dao Trì 瑶池. Nếu bạn gặp phải rắc rối, lúc này chỉ cần bạn nghiêm cẩn, cung kính gọi một tiếng “mẫu thân” 母亲 là được.
          Đương nhiên, những cách xưng hô này trong gia đình không phải là nhất thành bất biến, mà là đều không ngừng biến hoá. Kì thực, những thú vị trong cuộc sống  của người triều Đường không ít hơn người hiện đại, mỗi gia đình đối với cách xưng hô của nhà mình cũng thiên biến vạn hoá, nếu bạn quả thực không biết phải xưng hô anh chị em trai em gái trong nhà như thế nào, thế thì nghe nhiều và ghi nhớ thứ tự hàng của họ, sẽ nhận biết được quy luật. ... (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Đạt linh达令và cáp ni哈尼: dịch âm từ tiếng Anh.
达令 darling: (người) yêu quý, thân yêu.
哈尼 honey:  bảo bối, mật ngọt
Cả 2 là từ xưng hô thân mật giữa vợ chồng hoặc người yêu với nhau.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 23/6/2019

Nguồn
HOẠT TẠI ĐẠI ĐƯỜNG
活在大唐
Tác giả: Hầu Duyệt 侯悦
Thành Đô: Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 2018   
Previous Post Next Post