Dịch thuật: Quận quốc tịnh hành, hỗn hợp chính thể (kì 2)

QUẬN QUỐC TỊNH HÀNH   HỖN HỢP CHÍNH THỂ
Chế độ chính trị, quân sự thời Hán sơ
(kì 2)

          “Cửu khanh” 九卿dưới “tam công” 三公 bao gồm Thái thường 太常, Lang trung lệnh 郎中令,  Vệ uý 卫尉, Thái bộc 太仆, Đình uý 廷尉, Điển khách 典客, Tông chính 宗正, Trị túc nội sử 治粟内史, Thiếu phủ 少府; so với chế độ triều Tần, danh xưng và chức quyền của nó có chút thay đổi.
          Thái thường太常, triều Tần gọi là Phụng thường 奉常, thời Hán sơ từng mấy lần đổi danh xưng. Tây Hán kiến lập, Thúc Tôn Thông 叔孙通chế đính triều nghi, Lưu Bang mệnh lệnh ông nhậm chức này, tức xưng là Thái thường. Thời Huệ Đế, khôi phục tên cũ là Phụng thường, đến thời Cảnh Đế lại đổi gọi là Thái thường. Chức trách của Thái thường là coi về lễ nghi tông miếu. Thời Văn Đế, Cảnh Đế lập Bác sĩ 博士, Vũ Đế 武帝hưng Thái học cũng thuộc Thái thường quản hạt.
          Lang trung lệnh 郎中令, chức trách là thị vệ của hoàng đế trong cung. Thuộc quan có Đại phu 大夫, coi về nghị luận; có Lang , coi việc canh giữ môn hộ, xuất nhậm xa kị; có Yết giả 谒者coi giúp các việc về lễ nghi. Đời Hán quan Lang đa phần do con em các quan địa vị cao đảm nhiệm, lại là cận thần của hoàng đế, nhân đó từ chức Lang được bổ làm quan lại các nơi không phải là ít, là con đường trọng yếu để tiến thân.
          Vệ uý 卫尉, chức trách thủ vệ cung đình. Chủ yếu bảo vệ cung môn, trong cung môn lập lư xá 庐舍để đóng binh túc vệ, ban đêm đi tuần trong cung. Thời Cảnh Đế, từng có dạo đổi tên là Trung lang đại phu 中郎大夫, chẳng bao lâu lại khôi phục danh xưng Vệ uý.
          Thái bộc 太仆, coi về ngựa xe. Ngựa xe của cung đình, nghi thức đánh xe cho hoàng đế, mã chính 马政 (*) của triều đình đều thuộc Thái bộc quản hạt.
          Đình uý 廷尉, coi về hình pháp. Thời Hán sơ đối với việc thẩm phán hình ngục từng quy định, phàm hình ngục của quận huyện mà không thể quyết đoán thì chuyển giao cho Đình uý quyết nghi, có thể thấy Đình uý là vị quan tư pháp tối cao. Thời Cảnh Đế, đổi gọi là Đại lí 大理.
          Điển khách 典客, quản những sự vụ về chư hầu vương, dân tộc thiểu số  nhập triều, chủ trì tiếp đãi cùng nghi lễ; lại còn tiếp đãi Thướng kế lại 上计吏 (**) của quận quốc. Thời Cảnh Đế, đổi gọi là Thái hành lệnh 太行令.
          Tông chính 宗正, quản những việc liên quan đến hoàng thất thân thuộc.        
         Trị túc nội sử 治粟内史,   coi về cốc hoá 谷货, tức chủ quản tài chính trong cả nước. Như chi thu thóc tiền thuế khoá, điều độ cống vật các nơi. Thời Cảnh Đế, đổi gọi là Đại nông lệnh 大农令.
          Thiếu phủ少府, coi về tài chính của hoàng thất. Như quản lí thuế núi sông ao đầm, cung cấp cho nhu cầu của hoàng thất. Thuộc quan của Thiếu phủ rất nhiều, cơ cấu cũng lớn.
          Ngoài “cửu khanh”, còn có Trung uý 中尉nắm giữ việc trị an kinh sư; Tương tác Thiếu phủ 将作少府 coi về cung thất, thời Cảnh Đế đổi gọi là Tương tác đại tượng 将作大匠; Điển thuộc quốc 典属国coi về sự vụ dân tộc thiểu số; Chủ tước trung uý 主爵中尉quản Liệt Hầu, thời Cảnh Đế đổi gọi là Đô uý 都尉; v.v...
          Tóm lại, việc thiết lập cơ cấu hành chính trung ương thời Hán sơ, về cơ bản theo chế độ triều Tần, nhưng danh xưng cùng chức quyền có sự thay đổi. Đến thời Hán Vũ Đế, theo sự tăng cường chế độ tập quyền trung ương, sự thay đổi chế độ quan chức càng lớn.
          Việc thiết lập cơ cấu hành chính địa phương thời Hán sơ, cũng như triều Tần thực hiện rộng rãi chế độ quận huyện. Quận đặt Quận thú 郡守, chủ quản dân chính của một quận, như khuyến khích dân làm nông nghiệp, trưng thu thuế khoá, trị an tư pháp, tuyển chọn và tiến cử Hiếu liêm 孝廉 (***), chủ quản quân sự của quận, quản tác phong và thành tích cai trị của huyện thuộc. Thời Cảnh Đế đổi gọi là Thái thú 太守.
          Quận lại đặt Quận uý, hiệp trợ Quận thú nắm giữ việc quân trong quận. Thời Cảnh Đế đổi gọi là Đô uý 都尉, quan trật so với Quận thú thấp hơn.
          Để tăng sự khống chế địa phương, triều Tần thiết lập Giám ngự sử 监御史giám sát các quận. Thời Hán sơ phế bỏ chế độ Ngự sử giám sát quận, đến thời Huệ Đế, bắt đầu phái Ngự sử giám sát vùng kinh sư (tam phụ 三辅), nhưng thời Văn Đế lại lấy Thừa tướng sử 丞相史giám sát quận. Trong khoảng hơn 20 năm chế độ này 2 lần thay đổi, cho thấy rõ đó không phải là định chế thời Hán sơ.
                                                                          (còn tiếp)

Chú của người dịch
*- Mã chính 马政: chỉ chế độ liên quan đến việc nuôi dưỡng, huấn luyện và quản lí ngựa.
**- Thướng kế lại 上计吏: tên chức quan. Chính quyền địa phương định kì phái viên quan đến trung ương trình dâng sổ sách văn thư, báo cáo tình hình trị lí của địa phương mình.
***- Hiếu liêm 孝廉: “Hiếu” tức hiếu thuận phụ mẫu; “liêm” tức làm việc liêm minh chính trực. Một loại khoa mục sát cử khảo thí để giai cấp thống trị  tuyển chọn  nhậm dụng nhân tài.
                                                     
                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 27/4/2019

Nguyên tác Trung văn
QUẬN QUỐC TỊNH HÀNH   HỖN HỢP CHÍNH THỂ
郡国并行  混合政体
Trong quyển
TẦN HÁN SỬ THOẠI
秦汉史话
Tác giả: Phan Quốc Cơ 潘国基
Bắc Kinh: Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post