Dịch thuật: Một đời hiệp khách (tiếp theo) (Tư Mã Thiên)

MỘT ĐỜI HIỆP KHÁCH
(tiếp theo)

          Năm Kiến Nguyên 建元thứ 2 (năm 139 trước công nguyên), Hán Vũ Đế 汉武帝 xây lăng viên cho mình tại hương Mậu , huyện Hoè Lí 槐里, quê hương của mẫu thân (nay là phía đông nam huyện Hưng Bình 兴平Thiểm Tây 陕西), đồng thời đổi hương Mậu thành một huyện, gọi là Mậu lăng 茂陵 (nay là phía đông bắc huyện Hưng Bình 兴平Thiểm Tây 陕西). Hán Vũ Đế động viên bách tính dời đến ở Mậu Lăng, với những người dời đến, mỗi hộ được cấp tiền 20 vạn, ruộng 2 khoảnh. Mậu Lăng ở phía tây bắc Trường An 长安 8 dặm, cầu Tiện Môn 便门ở phía tây bắc Trường An 40 lí, người Trường An ra khỏi Tiện Môn 便门, đi quan cầu Tiện Môn, hướng về Mậu Lăng, đường thẳng rất thuận tiện. Hán Vũ Đế hi vọng Mậu Lăng có thể trở thành một khu vực mới nổi tiếng ..... Nhưng, số người dời đến Mậu Lăng không nhiều.
          Hán Vũ Đế dùng mưu kế của mưu thần Chủ Phụ Yển 主父偃, chiếu lệnh thiên hạ: phàm địa phương có cường hào có thế lực và cự phú có gia sản vượt quá 300 vạn, toàn bộ phải dời đến Mậu Lăng định cư. Ý đồ Hán Vũ Đế như thế rất rõ, một là dùng tài sản của phú ông làm phồn vinh Mậu Lăng; hai là triệu tập những cường hào dễ gây sự để trung ương giám sát họ, dẹp trừ ẩn hoạn. Cách làm này quả là nhất tiễn song điêu, lại không lộ rõ dấu vết chính phủ ức chế hào phú và đả kích cường hào.
          Sau khi thánh dụ ban xuống, phủ quan huyện Chỉ thừa cơ, liệt Quách Giải vào danh sách “cường hào” dâng lên triều đình. Quan viên phủ huyện tránh được nhân vật nguy hiểm này ngầm tự mừng. Đương nhiên Quách Giải không chịu rời bỏ quê hương, không muốn đi ra khỏi phạm vi thế lực của mình.
          Đương thời tại Trường An có một đại phú ông từng chịu ơn Quách Giải, ông ta lén tặng một chiếc xe lớn và vàng bạc châu báu cho Đại tướng quân Vệ Thanh 卫青, nhờ Vệ Thanh vì Quách Giải mà nói giúp lên hoàng thượng.
          Vệ Thanh nhân lúc triều kiến Vũ Đế, báo cáo rằng:
          - Nhà Quách Giải rất nghèo, căn bản không phù hợp điều kiện dời đến Mậu Lăng. Xin hoàng thượng sau khi tra xét tường tận, triệt hồi mệnh lệnh bảo Quách Giải dời nhà.
          Không ngờ khéo quá hoá vụng. Vũ Đế thấy Vệ Thanh – một đại tướng tại chiến trường quát gió gọi mây mà lại đi nói hộ cho một người bình thường, biết sự việc không đơn giản như thế, bèn nghiêm sắc mặt nói rằng:
          - Xem ra, Quách Giải tuyệt đối không phải là người nghèo. Sự việc này không đượ ai nhắc lại nữa. Việc mà trẫm đã quyết định không thể sửa đổi, các ngươi lui ra cho trẫm.
          Và như vậy, Quách Giải không còn cách nào, đành dời cả nhà đến Mậu Lăng.
          Cả nhà Quách Giải sắp xếp hành lí, theo yêu cầu mà dọn nhà. Khi rời quê nhà huyện Chỉ, nhiều người dìu già dắt trẻ đến tiễn đưa. Người có tiền xuất tiền tích góp lại được ngàn vạn. Họ tặng số tiền này cho Quách Giải để ông không bị khốn khó khi ở Mậu Lăng, nơi tập trung phú hào. Quách Giải cảm kích rời khỏi huyện Chỉ.
          Sau khi Quách Giải dời nhà, có người đã tra ra, là tên văn thư của huyện nha lợi dụng chức quyền viết tên Quách Giải vào danh sách dời nhà, thế là ngầm giết chết tên văn thư đó. Phụ thân tên văn thư là Dương Quý Chủ 杨季主yêu cầu phủ quan truy tra hung thủ sát nhân.
          Tư Mã Đàm lo lắng nói rằng:
          - Quách Giải đến Mậu Lăng, e là hoạ sự .....
          Tư Mã Thiên hỏi:
          - Thưa cha, cha nói là Dương Quý Chủ lợi dụng sự kiện con mình bị giết chết, bảo phủ quan bắt Quách Giải phải không?
          - Sự tình phát triển như thế nào, hãy còn rất khó nói .....
          - Con nghĩ, “hiệp khách” Quách Giải nếu sinh trưởng vào thời liệt quốc thì tốt , có thể tự do tự tại hành hiệp trượng nghĩa.
          Tư Mã Đàm cảm thán nói rằng:
          - Hiện tại là lúc hoàng thượng nhất thống giang sơn, không phải là thời Xuân Thu! Thời đại không giống nhau con à!
                                                         (còn tiếp)
         
                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 31/01/2019


Nguồn
TƯ MÃ THIÊN
司马迁
 Tác giả: Đặng Tương Tử 邓湘子
Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post