Dịch thuật: Truyền thuyết cầu Vọng Tiên

TRUYỀN THUYẾT CẦU VỌNG TIÊN

          Ngày xưa, gần Cổ Lâu 鼓楼 ở Hàng Châu 杭州có một cây cầu nhỏ bằng đá không có tên, bên cầu có một vị lang trung ngoại khoa chuyên trị vết thương lở loét nung mủ. Lang trung có vầng trán rộng, chân mày thô, mũi cao, miệng rộng, trên khuôn mặt đen đen mọc đầy râu quai nón, hai chân ông có vết loét, một chân cao một chân thấp, đi khập khiểng. Ông chống một chiếc dù vải lớn bên cầu, bày ra một thùng thuốc cũ kĩ, ban ngày ngồi dưới dù hành nghề y, ban đêm nằm trong thùng thuốc ngủ.
          Đầu tiên, mọi người thấy tướng mạo của vị lang trung như thế đều không tin ông có thể trị khỏi bệnh. Về sau, có một người chân bị loét đã 3 năm, đi trị ở khắp nơi nhưng không khỏi, muốn thử vận may bèn đến tìm ông trị bệnh. Không ngờ lang trung đưa cho anh ta một miếng thuốc dán cao da chó, dán 3 ngày 3 đêm, vết loét liền khỏi. Tin tức truyền đi, người đến nhờ ông trị bệnh dần đông lên. Vị lang trung nọ dùng một loại thuốc dán cao da chó, trị khỏi vết loét cho nhiều người. Danh tiếng của ông vang động cả thành Hàng Châu. Mọi người tặng cho ông ngoại hiệu là “Tái Hoa Đà” 赛华佗.
          Khi Tái Hoa Đà đã nổi tiếng, một số thầy thuốc ở Hàng Châu treo bảng “cao thủ danh y” làm ăn ngày càng ế ẩm. Họ nổi giận, bèn tụ tập lại thương lượng, mọi người góp được 1000 lượng bạc đưa cho Tri phủ, nhờ Tri phủ đuổi Tái Hoa Đà ra khỏi Hàng Châu.
          Tri phủ nhận hối lộ, bèn sai nha dịch đi bắt Tái Hoa Đà.
          Tri phủ cầm khúc gỗ vỗ mạnh xuống án, thét rằng:
          - Tên khốn kia! thấy bản phủ sao không chịu quỳ?
          Tái Hoa Đà lạnh lùng đáp rằng:
          - Tôi bị què, xương đầu gối cứng rồi nên trước giờ không quỳ.
          Tri phủ lại vỗ mạnh xuống án:
          - Nhà ngươi tên gì? Từ đâu tới?
          Tái Hoa Đà đáp rằng:
          - Tôi không có tên, nhưng bách tính Hàng Châu tặng tôi một ngoại hiệu, gọi tôi là “Tái Hoa Đà”. Còn từ đâu tới tôi cũng không nhớ rõ.
          Tri phủ đảo mắt cười lớn:
          - Giỏi cho Tái Hoa Đà! Nhà ngươi tự miệng nói ra. Nhà ngươi đã có bản lĩnh của Tái Hoa Đà, tại sao trước tiên không chữa trị vết loét ở chân mình?
          Lúc bấy giờ, Tri phủ cảm thấy ở chỗ xương sống dường như có con gì bò, ngứa vô cùng, liến luồn tay vào trong áo mò xem thử, nhưng mò không thấy gì. Chỉ thấy Tái Hoa Đà nhìn Tri phủ cười lớn, nói rằng:
          - Tri phủ đại nhân à! ông thông minh một đời mà hồ đồ một phút. Trên đời này các nghề chỉ lo cho người khác mà mà lo cho mình chẳng bao nhiêu. Đã xây nhà sao lại ở nhà tranh? Nuôi tằm sao lại mặc áo rách? Trồng lúa sao lại bụng đói? Quan phủ lo việc trộm cắp sao lại ngầm tham hối lộ. Những điều đó sao ông không hỏi, không đi lo?
          Tri phủ bị Tái Hoa Đà hỏi bí, trả lời không được, liền cầm khúc gỗ vỗ mạnh xuống án chấn động cả trời đất, thét lớn:
          - Hãy vả vào mồm hắn, giam hắn vào tử lao.
          Tri phủ thoái đường, cảm thấy ở lưng càng ngứa dữ tợn, cởi áo ra gọi người đến coi thử, hoá ra là có một khối u nhỏ, khối u càng đụng vào càng ngứa, càng đụng vào càng lớn. Qua một nửa canh giờ biến thành khối nhọt, đau đến nỗi tri phủ lăn lộn trên giường kêu lớn. Lão sư gia biết được, bước vào nói với Tri phủ:
          - Lão gia, tôi nghe nói Tái Hoa Đà là quả thật là người trị khỏi nhọt, gọi anh ta đến chữa trị cho ông thử, đợi chữa trị khỏi rồi khép tội anh ta cũng không muộn.
          Tri phủ quá đau, đành sai người đến nhà lao đưa Tái Hoa Đà đến. Tái Hoa Đà nhìn qua vết nhọt nơi lưng của tri phủ, liền dán lên miếng cao da chó.
          Nào ngờ qua một đêm, vết nhọt trên lưng Tri phủ không những không bớt mà còn càng sưng tấy lên, lở loét đến nỗi chảy máu chảy mủ, cách 3 ngăn cửa lớn mà hãy còn ngửi thấy mùi thối. Tri phủ giận chết được, trời chưa sáng đã sai người bắt Tái Hoa Đà đến, quát rằng:
          - Vết loét trên lưng ta đau nhức vô cùng, nhất định là do miếng thuốc dán của nhà ngươi phát ra chất độc!
          Tái Hoa Đà bảo rằng:
          - Chớ nóng vội, chớ nóng vội, để tôi xem kĩ vết loét rồi nói.
          Nói xong bèn gỡ miếng thuốc dán, nhìn kĩ qua một lượt rồi chau mày nói rằng:
          - Vết loét này miệng thì nhỏ, nhưng bên trong lại lớn, từ bên trong loét ra, gọi là “xuyên tâm lạn” 穿心烂, không thuốc nào có thể chữa được. Bởi thường ngày ông làm điều ác độc, không có lương tâm, cho nên mắc phải, không liên can gì đến thuốc dán của tôi.
          Nghe Tái Hoa Đà nói như thế, Tri phủ vừa giận vừa sốt ruột, gào lớn thét lớn:
          - Mau chặt đầu hắn ta.
          Qua một lúc sau, Tri phủ thở không nỗi nữa, chớp chớp con mắt trắng dã, phút chốc đã “ô hô ai tai”.
          Lão sư gia theo lời dặn của Tri phủ trước lúc mất, khép Tái Hoa Đà tội danh “yêu đạo hoặc chúng” 妖道惑众, đưa đến pháp trường xử trảm.
          Khi Tái Hoa Đà bị đưa ra pháp trường, đi ngang qua chiếc cầu nhỏ bằng đá, nơi ông chống chiếc dù vải và bày thùng thuốc. Bách tính thấy ông bị oan đều vây quanh bàn tán, trong chốc lát đường bị tắc. Tái Hoa Đà hướng đến mọi người nói rằng:
          - Bà con, quan phủ lão gia muốn đưa tôi về trời, tôi không đi cũng phải đi.
          Nói xong, chỉ nghe một tiếng “ bùm”, Tái Hoa Đà đã nhảy xuống nước, hoa sóng nổi đầy trên mặt nước, chỗ nước xoáy có tiếng vang ùng ục, bỗng một làn khói xanh bay lên. Tái Hoa Đà đứng trên không trung nhìn mọi người gật đầu vẫy tay, rồi theo làn khói xanh bay thẳng lên trời.
          Mọi người bảo rằng, Tái Hoa Đà là thần tiên.  Không ai có thể  quên được Tái Hoa Đà, 4 mùa 8 tiết đều luôn có người đến cây cầu nhỏ này trông ngóng ông ta trở lại trị bệnh cứu mọi người. Lâu dần, cây cầu đá nhỏ này được mọi người gọi là “Vọng Tiên kiều” 望仙桥(cầu Vọng Tiên).
         
                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 08/12/2018

Nguyên tác Trung văn
VỌNG TIÊN KIỀU ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
望仙桥的传说
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post