Dịch thuật: Quan chế trung ương (kì cuối)

QUAN CHẾ TRUNG ƯƠNG
(kì cuối)

          Giờ nói đến Giám sát quan 监察官 và Gián quan 谏官 của trung ương. Giám sát quan tiến hành đàn hặc bách quan, Gián quan tiến hành can gián hoàng đế. Dưới đây sẽ trình bày lần lượt.
          Giám sát quan trung ương thời cổ Trung Quốc có thể truy ngược lên đến Ngự sử 御史thời Chiến Quốc. Ngự sử là viên quan ghi chép sự việc kiêm chức đàn hặc, thời Tần Hán gọi là Thị ngự sử 侍御史, triều Tần lấy Ngự sử đại phu 御史大夫 làm chức trưởng của Thị ngự sử. Thời Tây Hán, Ngự sử đại phu là Phó thừa tướng, do trợ thủ Ngự sử trung thừa lãnh đạo công tác đàn hặc. Về sau  thành lập cơ cấu giám sát là Ngự sử đài 御史台, lấy Ngự sử trung thừa làm thủ trưởng. Ngự sử đài cũng gọi là Hiến đài 献台, đời sau cũng gọi là Túc chính đài 肃政台, cho nên theo tập quán gọi Giám sát quan là Đài quan 台官. Thủ trưởng của Giám sát quan các đời, hoặc là Ngự sử đại phu 御史大夫, hoặc là Ngự sử trung thừa 御史中丞. Thời Minh Thanh, cơ cấu giám sát trung ương gọi là Đô sát viện 都察院, Thủ trưởng xưng là Tả, Hữu Đô ngự sử , 右都御史. Quản thuộc quan giám sát của các đời trừ Thị ngự sử ra, còn có Trị thư Thị ngự sử 治书侍御史, Điện trung Thị ngự sử 殿中侍御史, Giám sát Ngự sử 监察御史 (1).
          Người xưa gọi Đài quan và Gián quan là Đài gián 台谏. Thời Tây Hán có Gián đại phu 谏大夫, thời Đông Hán gọi là Gián nghị đại phu 谏议大夫, là gián quan chuyên chức của Quang lộc huân 光禄勋. Thời Đường trừ Gián nghị đại phu ra, còn đặt thêm Bổ khuyết 补阙, Thập di 拾遗, mỗi chức chia ra Tả Hữu, phân thuộc 2 sảnh Môn hạ và Trung thư. Thời Tống, Tả Hữu bổ khuyết đổi thành Tả Hữu ti gián 左右司谏; Tả Hữu thập di đổi thành Tả Hữu chính ngôn 左右正言, sau nhập vào Gián viện, lấy Tả Hữu Gián nghị đại phu là thủ trưởng. Thời Tuỳ Đường trở đi, cùng chung Môn hạ sảnh với Gián quan có Cấp sự trung 给事中, phụ trách thẩm duyệt tấu chương các bộ và phong bác 封驳chiếu chỉ do Trung thư sảnh soạn thảo (chiếu chỉ nào không hợp thì phong lại trả về). Thời Minh, Cấp sự trung phụ trách kê tra lục bộ, đồng thời kiêm nhiệm các chức Gián nghị, Bổ khuyết, Thập di của đời trước, cho nên về sau tục gọi Cấp sự trung là Cấp gián 给谏. Thời Ung Chính triều Thanh, Cấp sự trung và Ngự sử cùng thuộc Đô sát viện, như vậy, Ngự sử cũng xưng là Đài gián 台谏.
          Hoàng đế phong kiến có Văn học thị tụng 文学侍从. Thời Hán tuyển chọn kẻ sĩ giỏi văn chương kinh thuật đợi chiếu ở Kim Mã môn 金马门 (2), hoặc để cung phụng từ phú, hoặc để giảng luận sách vở lục nghệ, không quan hiệu đặc định. Đầu thời Đường thiết lập Hàn lâm viện 韩林院, đây là nơi văn nhân và các quan chuyên về y bốc đợi chiếu, hoàn toàn không phải là cơ quan trung ương. Đường Huyền Tông lấy Hàn lâm đãi chiếu 韩林待诏 (sau gọi là Hàn lâm cung phụng 韩林供奉) để soạn thảo chiếu lệnh, ứng hoạ văn chương. Hàn lâm đãi chiếu cũng mang tính chất Văn học thị tụng. Về sau thiết lập Học sĩ viện 学士院, những người làm việc trong viện gọi là Hàn lâm học sĩ 韩林学士, chuyên nắm giữ chiếu lệnh cơ mật của hoàng đế, được mọi người cho là vị quan “thanh yếu hiển mĩ” 清要显美. Thời Tống Học sĩ viện đổi gọi là Hàn lâm học sĩ viện 韩林学士院. Thời Minh Thanh gọi là Hàn lâm viện, nhưng việc phụ trách có khác với thời Đường Tống.
          Thị phụng hoàng đế giảng độc là Thị độc 侍读, Thị giảng 侍讲. Thời Đường có Tập hiền viện Thị độc học sĩ 集贤院侍读学士; thời Tống có Hàn lâm Thị độc học sĩ 韩林侍读学士, Thị giảng học sĩ 侍讲学士. Từ thời Tống Nguyên trở đi, hoàng đế và Thị độc, Thị giảng học sĩ cùng quan viên cao cấp khác định kì giảng luận kinh sách ở nội đình, gọi là “kinh diên” 经筵. Thời Thanh người chủ giảng kinh diên gọi là Kinh diên giảng quan 经筵讲官.
          Thời cổ có Sử quan 史官. Thuyết cũ, Thái sử đời Chu nắm giữ văn sử tinh lịch kiêm quản thư tịch quốc gia. Thời Tần Hán, Thái sử 太史và Thái bốc 太卜, Thái chúc 太祝do Phụng thường 奉常 lãnh đạo. Thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều thiết lập sử quan chuyên chức, thông thường gọi là Trứ tác lang 著作郎. Thời Đường lập Sử quán 史馆, lấy các quan khác kiêm nhiệm Sử quán tu soạn史馆修撰, do Tể tướng giám tu quốc sử. Thời Tống, Sử quán xưng là Quốc sử thực lục viện 国史实录院, có các chức quan như Tu soạn 修撰, Biên tu 编修, Kiểm thảo 检讨. Thời Minh Sử quán nhập vào Hàn lâm viện, nhưng vẫn dùng quan hiệu trước đó.
          Trung Quốc từ thời cổ đã coi trọng việc thu thập tàng trữ đồ thư (tranh, sách) và hiệu đính. Thời Hán, Ngự sử trung thừa trừ là Giám sát quan ra, còn nắm giữ bí thư thư tịch ở Lan đài 兰台, dưới có Lan đài sử lệnh 兰台史令giữ việc hiệu thư định tự. Bí thư giám 秘书监thời Đông Hán cùng với Bí thư lang 秘书郎, Hiệu thư lang 校书郎được tăng thêm sau này đều là quan viên chuyên quản đồ thư. Cơ quan quản lí đồ thư nói chung gọi là Bí thư sảnh 秘书省. Bí thư sảnh thời Đường có dạo gọi là Lan đài, đây là nhân vì Lan đài là nơi tàng thư trong cung thời Hán. Nội đình thời Đường có Hoành Văn quán 宏文馆 nơi thu thập tàng trữ Kinh Sử Tử Tập và Tập Hiền điện thư viện 集贤殿书院nơi viết “ngự bản” 御本 (3), đặt các chức quan như Học sĩ 学士, Trực học sĩ 直学士, Tu soạn 修撰, Hiệu lí 校理, đồng thời có Hiệu thư lang 校书郎, Chính tự 正字, giữ việc quản lí đồ thư, biên soạn và hiệu đính. Thời Tống đem 2 đơn vị  thu thập tàng trữ đồ thư và biên tu quốc sử hợp lại xưng là Quán các 馆阁: “quán” chỉ Chiêu Văn quán 昭文馆, Sử quán 史馆  và Tập Hiện viện 集贤院, “các” chỉ Bí các 秘阁 và Long Đồ các 龙图阁, Thiên Chương các 天章阁 (4). Thời Minh, quán các nhập vào Hàn lâm viện, cho nên Hàn lâm viện cũng xưng là Quán các.
          Thời Tống, Long Đồ, Thiên Chương mỗi các đặt Học sĩ, Trực học sĩ và Đãi chế, chức trách nắm giữ là cố vấn cho hoàng đế, tham dự nghị luận hoặc hiệu đính đồ thư. Về sau Học sĩ ở những các này trở thành “gia ân kiêm chức” khi triều thần được ngoại bổ (ngoại điệu), hoàn toàn không đảm nhiệm chức vụ nói trên. Thời Tống có Điện học sĩ, đây là “chức danh” trao cho cựu Tướng, Phụ thần, có Quan văn điện Đại học sĩ 观文殿大学士, Học sĩ 学士; Tư Chính điện Đại học sĩ 资政殿大学士, Học sĩ 学士; Đoan Minh điện Học sĩ 端明殿学士. Điện học sĩ và Các học sĩ này đều là hư hàm biểu thị ân sủng.
          Thời cổ có chức quan Bác sĩ 博士, Trợ giáo 助教. Bác sĩ thời Tần Hán phải thông kim cổ, làm cố vấn. Thời Hán Văn Đế, Luận ngữ 论语, Hiếu kinh 孝经, Mạnh Tử 孟子, Nhĩ nhã 尔雅đều lập Bác sĩ, Hán Vũ Đế lập Ngũ kinh Bác sĩ 五经博士đồng thời đặt Bác sĩ đệ tử 博士弟子 học tập kinh thuật. Bác sĩ thời Hán là thuộc quan của Thái thường, cho nên có danh xưng Thái thường bác sĩ,  太常博士, lấy người thông minh có uy tín làm Bác sĩ tế tửu 博士祭酒 (5). Thời Nguỵ Tấn trở về sau, Thái thường bác sĩ mà các đời thiết lập chỉ là tính chất lễ quan, khác với chức trách của các giáo quan như Quốc tử bác sĩ, Thái học bác sĩ. Thời Tấn lấy Bác sĩ làm giáo quan của Quốc tử học 国子学 và Thái học 太学 (6), đồng thời đặt Trợ giáo làm phó chức cho Bác sĩ, đời sau theo đó, đến thời Minh Thanh cơ cấu giáo dục trung ương Quốc tử giám còn có Bác sĩ và Trợ giáo. Sau thời Bắc Nguỵ, giáo quan địa phương một dạo cũng xưng là Bác sĩ, Trợ giáo.
          Nói thêm về Giáo thụ 教授. Thời Tống, phủ châu bắt đầu đặt Giáo thụ, phụ trách dạy sinh viên sở thuộc. Thời Minh, phủ học thiết lập Giáo thụ 教授, châu học thiết lập Học chính 学正, huyện học thiết lập Giáo dụ 教谕, mỗi nơi đều lấy Huấn đạo 训导làm phó chức. Còn như vị trưởng quan hành chính giáo dục cao nhất của địa phương, thời Tống các lộ một dạo thiết lập qua Để cử học sự ti 提举学事司, đây là tiền thân của Đề đốc học chính 提督学正ở các tỉnh đời Thanh.
          Cuối cùng nói về võ quan.
          Thời Xuân Thu đã có xưng hiệu Tướng quân 将军. Thời Chiến Quốc có Đại tướng quân 大将军, về sau lại có Tả Hữu Tiền Hậu Tướng quân. Tần Hán theo đó. Thời Hán còn có Phiếu kị tướng quân 骠骑将军, Xa kị tướng quân 车骑将军, Vệ tướng quân 卫将军, địa vị đều rất cao. Ngoài ra còn lâm thời đặt ra Tướng quân, ví dụ như tác chiến với Hung Nô 匈奴đặt ra Kì liên tướng quân 祁连将军, tác chiến với Đại Uyển 大宛 thì đặt Nhị sư tướng quân 贰师将军. Thời Hán, thấp hơn Tướng quân là Hiệu uý 校尉, theo chức trách mà đặt tên. Ví dụ như quản kị sĩ xưng là Đồn kị hiệu uý 屯骑校尉, quản đồn binh ở Tây vực xưng là Mậu kỉ hiệu uý 戊己校尉. Thời Nguỵ Tấn trở về sau, danh mục của Tướng quân và Hiệu uý nhiều lên, trong đó có không ít là hư hàm, như Vân huy tướng quân 云麾将军, Chấn uy hiệu uý 振威校尉.  (hết)

Chú của nguyên tác
1- Nhà Đường kị huý Cao Tông, đổi Trị thư thị ngự sử治书侍御史 thành Trì thư thị ngự sử持书侍御史, lại viết nhầm thành Thị thư thị ngự sử侍书侍御史.
2- Kim Mã môn 金马门là cung môn cung Vị ương 未央. Trước cung môn có ngựa bằng đồng, cho nên có tên là Kim Mã môn.
3- “Ngự bản” 御本 là bản sao chép cho hoàng đế xem.
4- Bí các 秘铬thu thập tàng trữ sách bản gốc và tranh chữ cổ. Long Đồ 龙图, Thiên Chương 天章... 11 các chia nhau cất giữ “Ngự thư” “Ngự chế văn tập” của Tống Thái Tông, Chân Tông.
5- Nghĩa gốc của “tế tửu” là khi đại yến, mời một vị khách cao tuổi nâng rượu tế Địa thần, phát triển thành từ tôn xưng đối với đồng bối hoặc đồng quan niên cao vọng trọng, sau dùng làm quan danh, như Quốc tử tế tửu 国子祭酒.
6- Quốc tử học 国子学 là trường học của con em quan viên cao cấp, Thái học 太学 nói chung là trường học của con em ưu tú của quan viên và thứ dân.

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 22/9/2018

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Chủ biên: Vương Lực 王力
Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã, 2012
Previous Post Next Post