YẾN,
QUẠ VÀ HỈ THƯỚC
Tại
thôn Liên Khê 莲溪 tỉnh
Triết Giang 浙江, người dân cho rằng, chim yến làm tổ là phong thuỷ tốt,
chim yến làm tổ trên rường trong nhà thì gia nghiệp hưng vượng. Hàng năm khi
mùa xuân đến, nhà nhà đều mong chim yến bay về hoặc làm tổ. Yến bay về gọi là
“gia yến” 家燕.
Thôn
dân Liêm Khê Tạ Địch Sùng 谢迪崇 (68 tuổi, tốt nghiệp tiểu học) nói rằng, ngạn ngữ dân
gian có câu:
Yến tử oa đảo điệu, đầu yếu lạn điệu.
燕子窝倒掉, 头要烂掉.
(Tổ yến rơi, đầu cũng vỡ.)
Chủ nhà
có tổ yến rất sợ chim yến làm tổ không chắc, tổ yến mà rơi thì không có lợi cho
người và cho nhà, cho nên họ rất quan tâm đến điều này. Bình thường cũng không
cho người nhà đụng đến tổ yến để đề phòng tổ rơi, chủ nhà thường để ý đến tình
hình chim yến làm tổ, một khi cảm thấy có vấn đề, lập tức chủ động dùng thanh gỗ
làm giá để nâng. Đặc biệt những năm gần đây, phòng ốc với kết cấu xi măng cốt
thép, không dễ làm tổ, để đón chim yến bay đến, chủ nhà trước tiên gác mấy
thanh gỗ tại vị trí làm tổ truyền thống để chim yến dễ làm. Tổ yến trong nhà
không ngại nhiều, nếu chim yến không bay đến, trong lòng mới cảm thấy không
yên. Để được chim yến đến, cửa nhà ngày đêm luôn rộng mở. Thông thường, khi
chim yến làm tổ trong nhà, mỗi tối phải đợi toàn bộ chim yến nhà trở về mới
đóng cửa. Bậc trưởng bối trong nhà luôn dặn con cháu không được đùa với chim yến,
thậm chí không cho phép dùng đầu ngón tay chạm vào tổ yến. Dân trong thôn khi
được hỏi, đa phần đều nói, bởi chim yến là loài chim có ích chuyên bắt sâu bọ để
ăn, cho nên cần phải bảo vệ. Đồng thời dân trong thôn cũng cảm khái rằng, hiện
nay thuốc trừ sâu quá nhiều nên chim yến cũng dần ít lại, chúng ăn phải những
côn trùng dính thuốc trừ sâu nên cũng bị chết theo. Một số lão nông nói rằng, những
năm 50 của thế kỉ 20, vào mùa xuân và mùa thu tại thôn Liên Khê, khi chim yến
và chim sẻ bay đến, khắp cả bầu trời toàn là chim, hiện không còn thấy hiện tượng
này nữa. Có thể thấy, môi trường sinh thái của loài chim, ngay cả thôn Liên Khê
với núi non vây bọc cũng gặp phải sự phá huỷ nghiêm trọng.
Có người
khi được hỏi như Chu Quốc Vượng 朱国旺cho rằng, chim yến
được mọi người tôn sùng, chủ yếu là do bởi nó đại biểu cho lòng “trung”. Ông
nói thêm, con người có trung, hiếu, tiết, nghĩa thì ở loài chim cũng có trung,
hiếu, tiết nghĩa, tương ứng đó là yến, quạ, nhạn, bồ câu. Chim yến làm tổ
chuyên nhất (một nhà) đó là trung, quạ đáp lại ơn bú mớm đó là hiếu, nhạn sống
thành đôi đó là tiết, bồ câu biết ơn báo đáp lại đó là nghĩa. Sự sùng tín đối với
loài chim đã thấm vào quan niệm tư tưởng của Nho gia.
Quạ
Quạ là
loài chim mà thôn dân vừa sợ vừa tôn kính. Tập tục tín ngưỡng của người dân
Liên Khê kị tiếng kêu của quạ. Họ cho rằng, khi quạ đậu trên nóc nhà kêu lên đó
là điềm không tốt. Hôm nào ra khỏi cửa mà gặp lúc quạ kêu, không nên đi để
tránh điều bất lợi, nếu có làm việc gì cũng phải đổi sang ngày khác, chọn ngày
hoàng đạo. Nhưng, vùng chung quanh thôn Liên Khê, tục gọi quạ là “thái bình điểu”,
một cách gọi tôn kính, cát tường. Điều đó cùng với sự cấm kị điềm hung hình
thành sự tương phản, tại sao như vậy?
Theo Chu Quốc Vượng, người dân trong thôn cho rằng, khi quạ kêu lên, đối
với chúng ta chẳng có gì là bất tiện. Nếu định đi ra ngoài thì không đi nữa.
Tuy quạ kêu đối với mọi người là không tốt, nhưng nó báo cho chúng ta biết sẽ
có điều bất lợi để mọi người tránh. Tâm của nó tốt, bảo vệ chúng ta được bình
an, cho nên gọi nó là “thái bình điểu”.
Năm mà Càn
Long 乾隆nam du Sơn Đông 山东,
nghe tiếng quạ kêu, biết có đại nạn nên đã tránh. Hiện tại, mọi người gọi những
người có lòng tốt nhưng không chú ý đến tình huống và hay phê bình lung tung,
lúc họ nói năng gọi là “ô nha chuỷ” 乌鸦嘴 (mỏ quạ) chính là
từ ý này mà ra.
Hỉ thước
Trong mắt
người dân thôn Liên Khê 莲徯, chim hỉ thước là
loài chim báo điềm vui. Mọi người cho rằng:
Hỉ thước khiếu, hảo sự đáo.
喜鹊叫, 好事到.
(Chim hỉ thước kêu, có việc tốt đến.)
trong thôn quy định, không được bắt chim hỉ thước.
Trong đời
sống của người dân thôn Liên Khê, hình tượng chim hỉ thước đậu trên cành, hai
con chim hỉ thước liền cánh, được điêu khắc nhiều trên cửa lớn, cửa sổ, nơi bàn
trang điểm, trên các đồ dùng ... là để cầu mong hỉ thước đến nhà, việc vui theo
nhau đến. Nhưng, lòng tốt không nhất định có được sự báo đáp tốt đẹp, chim hỉ
thước cũng gặp phải cảnh ngộ này. Tại trấn Trạch Nhã 泽雅 cùng
khu vực, nơi thôn Châu Áo 周岙 có một truyền thuyết:
Tương
truyền, dưới sự khẩn cầu của Ngưu Lang và Chức Nữ, cuối cùng Vương Mẫu nương
nương quy định hai người 7 ngày gặp nhau một lần, sai chim hỉ thước bắt cầu. Hỉ
thước truyền sai tin, thành mỗi năm vào ngày mồng 7 tháng 7 mới gặp nhau một lần.
Ngưu Lang trách hỉ thước truyền sai tin, lấy roi đánh lên đầu hỉ thước. Cho nên
vào ngày mồng 7 tháng 7 đầu chim hỉ thước bị tróc lông. Mọi người thương tình
Ngưu Lang Chức Nữ thường năm phải xa nhau, đau khổ biệt li sinh tử, còn chim hỉ
thước vì Ngưu Lang làm việc tốt, nhưng do nhầm mà không có được sự báo đáp tốt đẹp. Tục
thuyết tình cảm phức tạp này lại để cho loài chim hỉ thước bé nhỏ gánh lấy, khiến
mọi người cảm thấy thấm thía.
Trong thực tế, vùng Liên Khê
tuy thuộc vùng rừng núi, nhưng do nhiều nhân tố chim hỉ thước cũng không thấy có
nhiều. Đối với việc này, những người được hỏi đều lo buồn, hi vọng môi trường
sinh thái được khôi phục, có lợi cho sự sinh trưởng phồn thực của loài dã điểu.
Trong khi điều tra, chúng tôi phát hiện, tục tín và cấm kị của dân gian đối với
loài chim, vô hình trung là một hình thức văn hoá có tác dụng bảo vệ sự sinh tồn
của loài chim. Mọi người sợ đầu bị vỡ, cho nên có tâm lí kính sợ đối với chim yến,
đồng thời có ý thức chủ động bảo vệ chúng. Về một ý nghĩa nào đó, khi tín ngưỡng
sùng điểu thịnh hành, cũng là lúc loài chim tương đối có nhiều, một khi hệ thống
tín ngưỡng sùng điểu gặp phải sự đối xử lạnh nhạt, tư tưởng bảo hộ loài chim của
khoa học lại chưa xác định thời kì, thì cũng là lúc loài chim dễ bị tổn hại nhất.
Nếu một số loài chim không tồn tại, tín ngưỡng sùng điểu vốn có sẽ như thế nào?
Điều này đáng để mọi người suy gẫm.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 07/8/2018
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC ĐIỂU TÍN NGƯỠNG
中国鸟信仰
Tác giả: Trần Cần Kiến 陈勤建
Học Uyển xuất bản xã, 2003
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật