Dịch thuật: Bí ẩn Hoàng Hạc lâu

BÍ ẨN HOÀNG HẠC LÂU

          Hoàng Hạc lâu 黄鹤楼 cùng Nhạc Dương lâu 岳阳楼 ở Hà Nam 河南, Đằng Vương các 滕王阁 ở Giang Tây 江西 được gọi chung là “Giang Nam tam đại danh lâu” 江南三大名楼. Hoàng Hạc lâu nổi tiếng là tiên các quỳnh lâu, hùng vĩ tinh xảo, kề bên Trường giang 长江 cuồn cuộn, hùng cứ đỉnh Xà sơn 蛇山. Lên lầu nhìn ra xa, chỉ thấy mây màu nhẹ bay , buồm trắng phấp phới, mặt trời mặt trăng thay nhau mọc lặn, nước triều ngày đêm lên xuống, là nơi tao nhân mặc khách các đời luôn đến thưởng ngoạn, làm thơ viết văn tỏ bày tình cảm. Đến nay Hoàng Hạc lâu vẫn là thắng cảnh du lịch mà mọi người quen thuộc, bài thơ phiêu dật của Thôi Hạo 崔灏 mãi được cho là đứng đầu trong số thơ văn viết về Hoàng Hạc lâu:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
昔人已乘黄鹤去,
此地空余黄鹤楼.
黄鹤一去不复返,
白云千载空悠悠.  
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay.  
                                                            (bản dịch của Tản Đà)
          Nghe nói, thi tiên Lí Bạch 李白qua chơi nơi đây, thấy bài Hoàng Hạc lâu 黄鹤楼 của Thôi Hạo trên vách, đành than:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi Hạo đề thi tại thượng đầu.
眼前有景道不得,
崔灏题诗在上头.
(Trước mắt có cảnh đẹp mà nói không được,
Vì có bài thơ của Thôi Hạo ở trên đầu)
rồi gác bút ra đi.
          Thiên cổ danh lâu này, cảnh đẹp thời nay không bì được, tuy nhờ các thần thoại truyền thuyết cùng thi phú của các danh gia truyền bá tiếng tăm trong và ngoài nước, nhưng Hoàng Hạc lâu nổi tiếng là do duyên cớ gì, đến nay vẫn còn là một bí ẩn chưa luận định.
          Ở Tân thị tửu lâu 辛氏酒楼 trong Báo ân lục 报恩录 có một truyền thuyết, tên của lầu được đặt là để kỉ niệm vị tiên nhân cưỡi hạc mang sự giàu có đến cho nơi đây. Truyền thuyết kể rằng, có một nhân sĩ họ Tân 辛 nhìn thấy người đến ngắm cảnh trên mỏm đá Hoàng Hộc 黄鹄 rất đông, bèn chọn nơi đây làm nơi bán rượu để sinh sống. Có một vị đạo sĩ áo quần lam lũ mỗi khi đi ngang qua đây đều gọi rượu và thức ăn để dùng, nhưng lại chưa trả một đồng nào. Người họ Tân không trách cũng không bỏ mặc, vẫn luôn lấy rượu ngon, món ngon để tiếp đãi, và cứ như thế hơn một năm. Ngày kia, vị đạo sĩ nọ trước khi ra đi đã đến cảm tạ, thuận tay nhặt lấy một mẩu vỏ quýt ở trên bàn (có thuyết cho là vỏ dưa), vẽ lên trên vách một con hạc đứng một chân, cổ đỏ mắt sáng, đang ngẩng đầu lên đợi lệnh. Mỗi khi có khách đến, hạc liền vỗ cánh múa, cất tiếng kêu du dương. Người họ Tân cũng nhân đó mà được khách đầy nhà, việc làm ăn thuận lợi. 10 năm sau, vị đạo sĩ trở lại nơi xưa, nhìn thấy cảnh tượng giàu có no đủ, trong lòng hoan hỉ liền thổi lên một khúc nhạc, triệu hồi hạc trên vách rồi cưỡi hạc bay đi. Để kỉ niệm vị đạo sĩ, người họ Tân đã xây toà lầu này, và cũng nhân vì vị tiên nhân cưỡi hạc nên lầu có tên là Hoàng Hạc lâu.
          Còn ghi chép liên quan đến Hoàng Hạc lâu trong Hoàn vũ kí 环宇记 là:
Tích Phí Y đăng tiên, mỗi thừa hoàng hạc vu thử khế giá.
昔费禕登仙, 每乘黄鹤于此憩驾
(Xưa Phí Y lên tiên, mỗi khi cưỡi hạc vàng ngang qua đều ghé lại nghỉ chân)
          Theo truyền thuyết, một năm nọ Phí Y 费禕 tu tiên đắc đạo tại núi Hoàng Hộc 黄鹄, cưỡi hạc bay đi, người đời sau hi vọng sẽ được gặp lại ông nên đã xây toà lầu với ý đồ nhằm gọi hạc về lại, nhân đó mà lầu có tên là Hoàng Hạc lâu. .....
          Nguyên do đặt tên mà những thuyết này thuật lại, tuy mang đậm tính cố sự và đầy sức truyền cảm, nhưng bao hàm nhiều sắc thái diễn dịch, không đủ để làm chứng cứ chân chính cho việc toà lầu có tên như thế.
          Nhiều học giả khảo chứng từ vị trí địa lí của Hoàng Hạc lâu, di chỉ tại mỏm đá Hoàng Hộc 黄鹄 của Xà sơn 蛇山 thành phố Vũ Hán 武汉 tỉnh Hồ Bắc 湖北 ngày nay. Xà sơn, theo khảo sát là do hình thế của núi quanh co uốn khúc giống rắn mà có tên Xà sơn. Bắt đầu từ thời Minh, trong sử sách chính thức gọi là "Xà sơn", thời cổ gọi là "Hoàng Hộc sơn" 黄鹄山, mỏm đá trên núi gọi là "Hoàng Hộc ki" 黄鹄矶. Kết hợp với ghi chép trong Nguyên Hoà quận huyện chí 元和郡县志 của Lí Cát Phủ 李吉甫 thời Đường:
Thành tây lâm đại giang, tây nam nhân ki danh lâu, vi Hoàng Hạc lâu.
城西临大江, 西南因矶名楼, 为黄鹤楼.
(Phía tây thành đến sông lớn, phía tây nam nhân có mỏm đá nên lấy tên mỏm đá đó đặt tên cho lầu, gọi là Hoàng Hạc lâu.)
Cùng với chú thích trong Trung Quốc địa danh từ điển 中国地名辞典 do Thượng Hải từ thư xuất bản xã xuất bản:
Cổ “hộc”, “hạc” thông dụng, Hoàng Hộc sơn tức Hoàng Hạc sơn.
” “通用, 黄鹄山即黄鹤山.
(Thời cổ, chữ “hộc” và chữ “hạc” thông dụng, Hoàng Hộc sơn tức Hoàng Hạc sơn.)
          Từ những chú thuật trong 3 bộ điển tịch đó không khó để rút ra kết luận, tên gọi Hoàng Hạc lâu bắt nguồn địa điểm kiến trúc – tại mỏm đá Hoàng Hạc của núi Hoàng Hạc – nhân “địa danh” mà có “lâu danh”.
          Cũng có người căn cứ vào ghi chép trong Lễ bộ thi thoại 礼部诗话 chỉ ra, lúc Thôi Hạo viết Hoàng Hạc lâu, từng tự chú rằng:
Hoàng Hạc nãi nhân danh dã.
黄鹤乃人名也.
(Hoàng Hạc là tên người).
từ đó mà suy đoán, tên của lầu là từ tên người mà ra.
          Các thuyết tuy đều dẫn kinh cứ điển, nhưng nghiêm túc khảo chứng thì lại thiếu những chứng cứ xác đáng để mọi người tin phục, nhân đó bí ẩn về việc đặt tên "Hoàng Hạc lâu" vẫn kéo dài cho mãi đến ngày nay.
         
                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 27/7/2018

Nguyên tác Trung văn
HOÀNG HẠC LÂU CHI MÊ
 黄鹤楼 之谜
Tác giả: Địch Xuân Hồng 翟春红
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CHI MÊ
中国历史之谜
Chủ biên: Lí Quảng Sinh 李广生
Thiên Tân: Bách hoa văn nghệ xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post