Dịch thuật: Tôn Tẫn (tiếp theo kì 1)

TÔN TẪN
(tiếp theo kì 1)

          Sáng sớm hôm sau, Bàng Quyên từ biệt sư phụ và chúng bạn, Tôn Tẫn mang hành lí của Bàng Quyên đưa tiễn Bàng Quyên xuống núi. Họ đi qua nhiều dốc núi, không nỡ xa rời.
          Bàng Quyên rất cảm động nói với Tôn Tẫn:
          - Đại ca, cảm ơn anh đưa tiễn, tiểu đệ đi lần này nếu có chức quan, nhất định sẽ phái người đến mời anh. Chúng ta là anh em cùng nhau kiến công lập nghiệp, há chẳng vui thích sao?
          Tôn Tẫn bảo rằng:
          - Chúc em mã đáo thành công. Ngu huynh tại sơn cốc đợi tin tốt đẹp của em.
          Thấy trời đã trưa, hai người từ biệt. Bàng Quyên đi rất xa, quay đầu lại nhìn, vẫn thấy Tôn Tẫn đứng trên dốc núi đang vẫy tay.
          Tôn Tẫn về đến Quỷ cốc. Quỷ Cốc Tử hỏi rằng:
          - Con tiễn Bàng Quyên đi, có cảm thấy buồn không?
          Tôn Tẫn đáp rằng:
          - Con với anh ta quả thực không muốn chia tay.
          Quỷ Cốc Tử nói rằng:
          - Con nói thử, với tài hoa của Bàng Quyên có thể làm nên sự nghiệp lớn không?
          Tôn Tẫn đáp rằng:
          - Bàng Quyên tinh minh cường cán, lại được sự chỉ dạy tận tình không biết mệt của sư phụ, anh ta có thể làm Thượng tướng, danh vang thiên hạ.
          Quỷ Cốc Tử lắc đầu bảo rằng:
          - Ta xem thấy Bàng Quyên sẽ không thành công!
          Tôn Tẫn suy nghĩ mãi vẫn không sao giải thích được. Quỷ Cốc Tử lấy thanh bảo kiếm ra luyện võ.
          Trưa một ngày nọ, Quỷ Cốc Tử sau khi giảng học dưới gốc tùng, nói rằng:
          - Trong phòng của ta chuột rất nhiều, kêu ầm ỉ cả ngày không ngủ được. Các con thay nhau trực, đuổi chuột cho ta.
          Các đệ tử đáp lời:
          - Tuân mệnh.
          Từ đó, các đệ tử thay phiên nhau canh giữ nơi phòng của Quỷ Cốc Tử. Ban đầu mọi người rất chăm chỉ, dần về sau, có người đến muộn lui sớm, có người thừa cơ để ngủ. Chỉ có Tôn Tẫn khi canh giữ rất siêng năng đuổi chuột.
Lũ chuột không quấy rầy Quỷ Cốc Tử, Quỷ Cốc Tử ngủ rất yên giấc, qua ngày hôm sau là tinh thần phấn chấn.
          Một đêm nọ, Tôn Tẫn tại phòng của sư phụ, tay cầm cây gậy nhỏ, chăm chỉ canh giữ. Nữa đêm, Quỷ Cốc Tử bị thanh âm của gậy đang đánh chuột làm tỉnh giấc. Quỷ Cốc Tử nói rằng:
          - Tôn Tẫn, con qua đây.
          Tôn Tẫn vội đến trước giường.
          Tôn Tẫn nói rằng:
          - Sư phụ! do đệ tử không tốt, khi đuổi chuột đã làm sư phụ tỉnh giấc!
          Quỷ Cốc Tử bảo rằng:
          - Hiện không có người, sư phụ muốn tặng cho con một bảo bối.
          Tôn Tẫn nhận lấy trúc giản, không biết là chuyện gì.
          Quỷ Cốc Tử bảo:
          - Nó khắc 13 thiên binh pháp Tôn Tử, do tổ phụ của con là Tôn Vũ khắc. Ta là bạn thân của Tôn Vũ lúc sinh tiền. Khi lâm chung, Tôn Vũ đem báu vật này tặng cho ta. Ta đã mất thời gian mười mấy năm để khắc những chú thích. Ta trước giờ chưa truyền cho ai. Nay thấy con tôn sư trọng hữu nên truyền lại cho con.
          Tôn Tẫn đáp rằng:
          - Đệ tử cũng có nghe qua chuyện này, sao sư phụ không truyền cho Bàng Quyên?
          Quỷ Cốc Tử bảo:
          - Năm đó, tổ phụ của con đánh bại quân Sở, khiến nước Ngô xưng bá thiên hạ. Người có được báu vật này, nếu là người trung hậu sẽ làm cho thiên hạ thái bình, còn nếu là người tà ác sẽ gây hại cho thiên hạ. Ta há dễ dàng đem báu vật cho ai đó sao.
          Tôn Tẫn vội bái tạ sư phụ, về lại chỗ ở, yên lặng đọc, càng đọc càng cảm thấy ảo diệu vô cùng, mãi cho đến lúc trời sáng tay vẫn không rời quyển. Qua 3 ngày, Tôn Tẫn đọc xong trúc giản. Ban đêm, thừa lúc canh khuya không có người, Tôn Tẫn đem trúc giản trả lại cho sư phụ. Quỷ Cốc Tử hỏi Tôn Tẫn, Tôn Tẫn thuộc lòng đáp lại không sai một chữ.
          Quỷ Cốc Tử cười bảo rằng:
          - Tốt, coi như con không phụ nỗi khổ tâm của sư phụ.
                                                                     (còn tiếp)
         
                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 20/4/2018

Nguyên tác
TÔN TẪN
孙膑
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post