Dịch thuật: Chu U Vương phong hoả hí chư hầu

CHU U VƯƠNG PHONG HOẢ HÍ CHƯ HẦU

          Sau khi Chu Tuyên Vương 周宣王tại vị 49 năm qua đời, con là Cung Niết 宫涅 tức vị, đây chính là vị thiên tử cuối đời Tây Chu nổi tiếng hôn dung hủ bại – Chu U Vương 周幽王. U Vương vừa kế vị, triều Chu liên tiếp gặp phải nhưng tai hoạ trầm trọng từ thiên nhiên.
          Đầu tiên là hạn hán phát sinh vào những năm cuối thời Tuyên Vương và đầu thời U Vương, khiến sông suối ao hồ trong cả nước cạn khô thấy đáy, cây cỏ mùa màng cũng chết khô, cả nước đất trắng ngàn dặm. Dân chúng đành phải rời bỏ nhà cửa ruộng vườn phiêu bạt tứ xứ để mưu sinh, quả thật là “ai hồng biến dã” 哀鸿遍野 (1), người chết đói đầy đường.
          Đại hạn đem tới sự khó khăn trầm trọng cho vương triều Chu chưa được khắc phục, thì vào năm Chu U Vương thứ 2, thủ đô Hạo kinh 镐京và lưu vực sông Kinh , sông Vị , sông Lạc lại phát sinh động đất mạnh. Bài Thập nguyệt chi giao 十月之交 phần Tiểu nhã 小雅 trong Kinh Thi khi ghi lại quá trình tổn hại nghiêm trọng của lần động đất đó đã nói rằng:
Diệp diệp chấn điện
Bất ninh bất linh
Bách xuyên phí đằng
Sơn trủng tốt băng
Cao ngạn vi cốc
Thâm cốc vi lăng
熚熚震电
不宁不令
百川沸腾
山冢崒崩
高岸为谷
深谷为陵
Sấm chớp sáng loà
Là thời buổi không yên không lành
Hàng trăm con sông nước dâng tràn vọt lên
Đỉnh núi cao vót lại lở đổ
Bờ cao lại sụp thành hang
Vực sâu lại lấp đùn thành gò
(Bản dịch của Tạ Quang Phát, Kinh thi tập 2, trang 996)
          Sử quan Bá Dương Phủ 伯阳甫của vương triều Chu đã tìm hiểu nghiên cứu về nguyên nhân của động đất, ông đã phân tích nguyên nhân phát sinh, nói rằng:
          - Trời đất có hai khí âm dương, lúc bình thường, mỗi khí ở vào vị trí của mình, mặt đất bình yên, nhưng nếu như khí dương ở dưới, khí âm đè lên, khiến khí dương bốc lên không được sẽ phát sinh động đất. Hiện lưu vực sông Kinh, sông Vị, sông Lạc đều phát sinh động đất, ấy là khí dương bị khí âm đè nên đã gây ra.
          Từ trong sự vận động mâu thuẫn tồn tại ở mặt đất mà đi tìm nguyên nhân động đất là điều đáng quý. Nhưng ông ta cũng chịu sự độc hại của tư tưởng mê tín, cho rằng đó là do trời “ghét bỏ” vương triều Chu, giáng tai hoạ động đất để cảnh cáo Chu U Vương. Ông khuyên U Vương rằng:
          - E rằng vương triều Chu sắp diệt vong. Trong lịch sử sông Y, sông Lạc từng bị khô hạn, đó là điềm trước khi vương triều Hạ diệt vong. Nước Hoàng hà cũng từng cạn, đó là điềm báo vương triều Thương diệt vong. Hiện vương triều Chu phát sinh sự việc rất giống tình hình trước lúc hai đời Hạ Thương diệt vong. Một đất nước núi sông vững chắc, lập quốc mới có thể dựa vào. Núi lở sông cạn chính là điềm vong quốc. Sông khô cạn, núi nhất định cũng lở, trời muốn bỏ chúng ta, thần thấy vương triều Chu tồn tại chẳng qua hơn 10 năm nữa là dứt.
          Quả nhiên năm đó, ba con sông (sông Kinh, sông Vị, sông Lạc) khô cạn, còn Kì sơn 岐山trên vùng đất phát tường của người Chu cũng nổ vang sụp đổ....
          Hạn hán và động đất phát sinh khiến sức sản xuất xã hội của vương triều Chu gặp phải sự tổn hại trầm trọng, trật tự xã hội cũng rơi vào sự biến động và hỗn loạn. Đối với tình hình như thế, Chu U Vương hôn dung chẳng nghe chẳng hỏi, suốt ngày chìm đắm trong cuộc sống hoa thiên tửu địa.
          Chu U Vương năm thứ 3, U Vương có được một người con gái xinh đẹp tên là Bao Tự 褒姒, U Vương vô cùng sủng ái. Sau khi Bao Tự sinh Bá Phục 伯服, U Vương càng yêu quý Bao Tự, U Vương phế bỏ thái tử Nghi Cữu 宜臼vốn do hoàng hậu Thân Hậu 申后sinh ra, lại chính thức sách phong Bao Tự làm hoàng hậu, sách lập Bá Phục làm thái tử. Hành động phế đích lập thứ của U Vương đã gây nên sự bất mãn của vị sử quan đương triều là Bá Dương. Bá Dương dẫn kinh dẫn điển khảo chứng thân thế Bao Tự, nói rằng:
          - Xem ra lần này triều Chu đã ươm mầm hoạ diệt quốc, không ai có thể cứu vãn được rồi!
          Thân thế Bao Tự xinh đẹp này như thế nào? Theo truyền thuyết, vào khoảng cuối vương triều Hạ, có 2 con thần long giáng xuống trước cung điện, mở miệng nói rằng:
          - Chúng tôi là 2 vị quân trưởng của nước Bao.
          Quân thần triều Hạ hoảng sợ, Hạ Vương vội lệnh cho quan Thái bốc lấy mai rùa và cỏ phệ, hướng đến Thượng Đế hỏi rằng:
          - Hai quái vật này nên giết hay lưu lại?
          Lần bói đó không báo điềm tốt. Tiếp đó lại tiến hành bói một lần nữa, hỏi:
          - Có phải là xin hai quái vật ấy lưu lại một ít nước dãi đem cất đi?
          Lần này hiển thị điềm báo rất tốt. Thế là Hạ Vương liền tế tự đồng thời cầu cáo với 2 con thần long thổ ra một ít nước dãi để lưu lại. Sau khi thần long bay đi, Hạ Vương liền sai người đem nước dãi của chúng cất vào trong một chiếc hộp nhỏ tinh xảo. Sau khi triều Hạ diệt vong, chiếc hộp đó truyền đến triều Ân. Sau khi triều Ân diệt vong, chiếc hộp lại truyền đến triều Chu.
          Ba đời Hạ Thương Chu kéo dài theo năm tháng, không có một vị quốc vương nào dám mở chiếc hộp đó ra xem. Nhưng đến thời Lệ Vương 厉王, vị thiên tử hoang đường này nhất định đòi mở hộp ra xem thử là vật gì. Nào ngờ sau khi hộp được mở ra, nước dãi hôi tanh chảy đầy trên mặt đất của cung điện, dùng cách gì cũng không lau sạch được. Theo truyền thuyết, Lệ Vương “lấy dơ trị dơ”, lệnh cho các cung nữ trút bỏ y phục kêu gào to lớn đối với số nước dãi đó. Bỗng nhiên nước dãi biến thành một con rùa, bò thẳng đến hậu cung của Lệ Vương, vừa lúc đụng phải một bé gái khoảng chừng 7 tuổi ở hậu cung. Nói ra cũng lạ, qua hơn 10 ngày sau đứa bé gái đó trưởng thành, bụng ngày càng lớn. Cô bé chưa kết hôn mà đã sinh ra một bé gái, vì sợ quốc vương biết được trách tội nên đã lén đem đứa bé đó vất đi. Vừa lúc có một đôi vợ chồng già bán cung bằng gỗ dâu và túi tên, trời tối đi ngang qua nơi ấy, bỗng nghe có tiếng khóc, họ cảm thấy đứa bé dễ thương liền bế lên nhắm hướng nước Bao 褒 mà đi. Đứa bé gái đó tại nước Bao ngày ngày lớn lên, trở thành một cô gái tư sắc không ai sánh bằng. Về sau do bởi vị quân chủ nước Bao phạm tội, đã chọn trúng cô gái xinh đẹp này tiến cống cho Chu thiên tử để chuộc tội. Nhân vì đến từ nước Bao nên được mọi người gọi là “Bao Tự”. (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Ai hồng biến dã 哀鸿遍野: ví cảnh tượng bi thảm của người dân bị nạn tai lưu li thất sở, than khóc đầy đường. Thành ngữ này có xuất xứ từ Thi – Tiểu nhã – Hồng nhạn - 小雅 - 鸿雁, trong đó có câu:
Hồng nhạn vu phi
Ai minh ngao ngao
鸿雁于飞
哀鸣嗷嗷
Chim hồng chim nhạn bay đi
Kêu bị thương ngao ngao
(Bản dịch của Tạ Quang Phát, Kinh Thi, tập 2)

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 12/02/2018

Nguyên tác Trung văn
CHU U VƯƠNG PHONG HOẢ HÍ CHƯ HẦU
周幽王烽火戏诸侯
Trong quyển
 TÂY CHU SỬ THOẠI
西周史话
Tác giả: Vương Vũ Tín 王宇信
Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post