NHẠC PHỦ, TÂN NHẠC PHỦ
Tên thể
thơ. Thời Hán Vũ Đế 汉武帝bắt đầu thiết lập nhạc phủ (quan thự chuyên quản về âm
nhạc), đồng thời có quan “Nhạc phủ lệnh” 乐府令,
chức trách của Nhạc phủ lệnh là chế định nhạc phổ, huấn luyện nhạc công, sưu tập
thơ ca hoặc nhạc khúc dân gian. Về sau những thơ ca do nhạc phủ sưu tập và những
sáng tác của nhạc phủ được gọi chung là “nhạc phủ thi” 乐府诗,
nói tắt là “nhạc phủ” 乐府, “nhạc phủ” cũng từ
tên gọi quan thự biến thành tên gọi thể thơ.
Cú thức nhạc phủ thi đời Hán đa phần
là tạp ngôn, đồng thời xuất hiện ngũ ngôn thi hoàn chỉnh, thành phần tự sự tăng
lên; gọi đoạn nhạc của âm nhạc là “giải” 解, ngoài chính khúc ra còn có các bộ phận khác
như “diễm” 艳, “xu” 趋, “loạn” 乱. Với đề mục, đa phần dùng “ca”歌, “hành” 行, “khúc” 曲, “dẫn” 引, “ngâm” 吟. Từ thời Nguỵ Tấn
cho đến thời Đường, những thi ca có thể đưa vào nhạc và cổ đề do văn nhân đời
sau bắt chước nhạc phủ, hoặc “tức sự danh thiên” 即事名篇 học tập tinh thần nhạc phủ viết
thành cũng gọi là nhạc phủ. Từ và tản khúc thời Tống, Nguyên trở đi, nhân vì phối
hợp với âm nhạc, nên cũng có lúc gọi là nhạc phủ, nhưng khác xa nguyên nghĩa của
thể thơ nhạc phủ.
Tân nhạc phủ 新乐府
Do Bạch
Cư Dị 白居易đời Đường đề xuất đồng thời tích cực sáng tác
xác lập nên nhạc phủ thi. Do bởi dùng đề tài mới phản ánh thời sự, không dựa
vào phổ, không đưa vào nhạc, nội dung đa phần phản ánh những nỗi thống khổ của
dân gian, về thể chế khác với cổ nhạc phủ, cho nên gọi là “tân nhạc phủ”. Tân
nhạc phủ kế thừa truyền thống hiện thực chủ nghĩa “cảm vu ai lạc, duyên sự nhi
phát” 感于哀乐, 缘事而发 (1) của nhạc phủ đời Hán, cùng với Đỗ Phủ 杜府lấy thời sự nhạc phủ, tức sự mà đặt tên
thiên, lấy “bổ sát thời chính, tiết đạo nhân tình” 补察时政, 泄导人情 (2) làm sứ mệnh, có không ít những tác phẩm có thể gọi là ưu tú, đã phản
ánh chân thực hiện thực xã hội, ngòi bút sắc bén, hình tượng rõ nét, thông tục
rõ ràng, có ảnh hưởng quan trọng trong văn học sử.
Chú của người dịch
1- Câu này từ Hán thư – Nghệ văn chí 汉书 - 艺文志của Ban Cố 班固:
Tự
Hiếu Vũ lập nhạc phủ nhi thái ca dao, vu thị hữu Đại Triệu chi âu, Tần Sở chi
phong giai cảm vu ai lạc, duyên sự nhi phát, diệc khả dĩ quan phong tục, tri bạc
hậu vân.
自孝武立乐府而采歌谣, 于是有代赵之讴, 秦楚之风皆感于哀乐, 缘事而发, 亦可以观风俗, 知薄厚云.
(Từ sau khi Hán Vũ Đế lập nhạc phủ cho
thu thập ca dao, ca khúc của nước Đại nước Triệu, phong cách của nước Tần nước
Sở đều là những xúc cảm đối với nỗi buồn và niềm vui, nhân theo sự việc mà làm
ra, có thể lấy đó mà quan sát phong tục, biết được sự được mất của chính trị.)
2- Câu này trong Dữ Nguyên Cửu thư 与元九书của
Bạch Cư Dị 白居易:
Tự
Chu suy Tần hưng, thái thi quan phế, thượng bất dĩ thi bổ sát thời chính, hạ bất
dĩ ca tiết đạo nhân tình. Dụng chí vu siểm
thành chi phong động, cứu thất chi đạo khuyết.
自周衰秦兴, 采诗官废, 上不以诗补察时政, 下不以歌泄导人情. 用至于谄成之风动, 救失之道缺.
(Từ khi
nhà Chu suy vong, triều Tần hưng khởi, quan thái thi đã bị phế bỏ, thiên tử
không lấy biện pháp thái thi để khảo sát đồng thời bổ cứu chỗ được mất của
chính sự, bách tính cũng không lấy thi ca để thổ lộ khai thông tình cảm của
mình. Phong khí siểm mị ca tụng thành tích trổi dậy, đạo lí bổ cứu khuyết điểm
của chính sự bị thiếu sót.)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 04/11/2017
Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Biên soạn: Thiệu Sĩ Mai 邵士梅
Đào Tịch Giai 陶夕佳
Tưởng Tiểu Ba 蒋筱波
Tam Xuân xuất bản xã, 2008
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật