Dịch thuật: Thi như ngôn (Tuỳ Viên thi thoại)



诗如言
    诗如言也, 口齿不清, 拉杂万语, 愈多愈厌; 口齿清矣, 又须言之有味, 听之可爱, 方妙. 若村妇絮谈, 武夫作闹, 无名贵气, 又何藉乎? 其言有小涉风趣, 而嚅嚅然若人病危, 不能多语者, 实由才薄.
                                (袁枚 - 随园诗话)

THI NHƯ NGÔN
          Thi như ngôn dã, khẩu xỉ bất thanh, lạp tạp vạn ngữ, dũ đa dũ yếm; khẩu xỉ thanh hĩ, hựu tu ngôn chi hữu vị, thính chi khả ái, phương diệu. Nhược thôn phụ nhứ đàm, vũ phu tác náo, vô danh quý khí, hựu hà tạ hồ? Kì ngôn hữu tiểu thiệp phong thú, nhi nhu nhu nhiên nhược nhân bệnh nguy, bất năng đa ngữ giả, thực do tài bạc.
                                                           (Viên Mai – Tuỳ Viên thi thoại)

LÀM THƠ GIỐNG NHƯ NÓI CHUYỆN
          Làm thơ giống như nói chuyện, nếu miệng lưỡi không lưu loát, cứ ngắc nga ngắc ngứ, càng nói càng khiến người nghe càng chán ghét; nếu miệng lưỡi đã lưu loát, thì cũng cần phải nói những lời có ý nghĩa, người nghe sẽ yêu thích, đó mới đúng là nói hay. Còn nếu giống thôn phụ nói năng cứ lải nhải, giống kẻ vũ phu nói năng cứ ồn ào, không có chút văn nhã nào, thì lời nói có nội dung gì để chuyển tải đây? Những lời của họ có thể có một chút thú vị nào đó, nhưng giống như người bệnh nặng muốn nói nhưng lại ngập ngừng, không thể nói được nhiều, nguyên nhân là tài năng của họ quả thực là bạc nhược, kém cõi.

Chú của người dịch
Tuỳ Viên thi thoại 随园诗话: bộ trứ tác của Viên Mai 袁枚 đời Thanh. Những vấn đề mà bộ sách này đề cập rất rộng, từ tư chất tiên thiên của thi nhân đến phẩm đức tu dưỡng hậu thiên, việc học tập thi thư cùng thực tiễn xã hội; từ tả cảnh, ngôn tình đến vịnh vật, vịnh sử; từ lập chí cấu tứ đến định thiên luyện câu; từ từ thái, vận luật đến tỉ hứng, kí thác, tự nhiên, không linh, khúc chiết, các thủ pháp biểu hiện và phong cách nghệ thuật, cùng với việc sửa đổi thơ, thưởng thức thơ, biên tuyển thơ và soạn viết thi thoại, phàm những vấn đề liên quan đến thơ, không gì là không nói đến.
          Tuỳ Viên thi thoại gồm 16 quyển và phần “Bổ di” 10 quyển. 
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/121995.htm

Viên Mai 袁枚 (1716 – 1797): tự Tử Tài 子才, hiệu Giản Trai 简斋, một hiệu khác là Tồn Trai 存斋, người đời gọi ông là Tuỳ Viên tiên sinh 随园先生, về già lại có hiệu là Thương Sơn cư sĩ 仓山居士, Tuỳ Viên lão nhân 随园老人, người Tiền Đường 钱塘, Triết Giang 浙江 (nay là Hàng Châu 杭州). Viên Mai đậu Tiến sĩ năm Càn Long thứ 4 (năm 1739), được tuyển làm Hàn lâm viện Thứ cát sĩ. Năm Càn Long thứ 7, ông bị điều khỏi kinh thành, làm Tri huyện các huyện như Lật Thuỷ 溧水, Giang Phố 江浦, Mộc Dương 沐阳, Giang Ninh 江宁. Năm Càn Long thứ 13, lúc 33 tuổi Viên Mai từ quan về sống tại Tuỳ Viên 随园 tại Tiểu Thương sơn 小仓山 ở Giang Ninh 江宁. Trừ lúc làm quan ở Thiểm Tây 1 năm vào năm Càn Long thứ 17 ra, về sau ông không ra làm quan nữa. Viên Mai nổi tiếng về thơ văn, ông giao thiệp rất rộng, được mọi người trên thi đàn ngưỡng mộ gần 50 năm. Trứ thuật của Viên Mai cũng rất phong phú.
          Tuỳ viên 随园, tại Tiểu Thương sơn ở Giang Ninh (nay là Nam Kinh), là tên gọi biệt thự mà Viên Mai cất sau khi từ quan. Thi thoại của Viên Mai được viết ở đây nên có tên là Tuỳ Viên thi thoại 随园诗话

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 23/9/2017

Nguồn
TUỲ VIÊN THI THOẠI
随园诗话
Tác giả: Viên Mai 袁枚
Chú dịch: Lôi Phương 雷芳
Vũ Hán: Sùng Văn thư cục, 2007.
Previous Post Next Post