Dịch thuật: Vì sao gọi tranh đoạt chính quyền là "trục lộc"

VÌ SAO GỌI TRANH ĐOẠT CHÍNH QUYỀN LÀ “TRỤC LỘC”

          “Trục lộc trung nguyên” 逐鹿中原 thường dùng để ví việc tranh đoạt thiên hạ. “Lộc” 鹿 (hươu), chỉ đối tượng săn bắn; “trung nguyên” 中原, vùng trung và hạ du Hoàng hà Trung Quốc, nơi phát tích văn minh Trung Hoa, có thể phiếm chỉ Trung Quốc. Tại trung nguyên triển khai săn bắn, tranh đoạt thú săn được, dẫn đến nghĩa quần hùng nổi dậy tranh đoạt thiên hạ. Câu đó có xuất xứ từ Sử kí – Hoài Âm Hầu liệt truyện 史记 - 淮阴侯列传:
Tần thất kì lộc, thiên hạ cộng trục chi
秦失其鹿, 天下共逐之
(Triều Tần mất con hươu, cả thiên hạ cùng đuổi theo nó)
          Thời kì Sở Hán tương tranh, Hàn Tín 韩信 lập nhiều công hiển hách cho Lưu Bang 刘邦, được phong làm Tề Vương 齐王. Lúc bấy giờ tại nước Tề có một biện sĩ tên là Khoái Thông 蒯通, ông ta cho rằng sự thắng bại của thiên hạ đều quyết bởi Hàn Tín. Thế là ông ta giả thác người xem tướng du thuyết Hàn Tín. Khoái Thông phân tích cho Hàn Tín việc được mất lợi hại, khuyên Hàn Tín cùng với Sở, Hán chia ba thiên hạ, nhưng Hàn Tín lại cố chấp không nghe.      
          Sau khi nhà Tây Hán kiến lập, Lưu Bang sợ Hàn Tín mưu phản nên đã đoạt lấy binh quyền của Hàn Tín, và  cho giam lỏng. Dưới sách lược của Thừa tướng Tiêu Hà 萧何, Lữ Hậu 吕后 gạt Hàn Tín vào cung Vị Ương 未央 để giết. Trước lúc bị hành hình, Hàn Tín bi phẫn nói rằng:
          - Ta hối hận không nghe theo kế của Khoái Thông, để đến nỗi chết dưới tay đàn bà.
          Lưu Bang sau khi nghe, lập tức hạ lệnh tróc nã Khoái Thông. Không ngờ Khoái Thông khảng khái nói với Lưu Bang:
          - Lúc đầu, khi pháp độ triều Tần bại hoại, chính quyền rệu rã, sau nước Sơn Đông đại loạn, nhất thời chư hầu nổi dậy. Tình hình đó giống như triều Tần mất đi con hươu, người trong thiên hạ đều đuổi theo, kết quả là người nào có bản lĩnh cao cường, hành động nhanh chóng sẽ bắt được con hươu này. Thần lúc đó chỉ biết có Hàn Tín mà không biết bệ hạ, huống chi người muốn đoạt thiên hạ rất đông, chỉ là lực lượng không đủ mà thôi. Lẽ nào bệ hạ muốn giết hết họ?
          Lưu Bang nghe qua, không nói lời nào liền thả Khoái Thông.
          Thế thì tại sao lại ví sự thống trị của triều Tần đương lúc rệu rã như ngói vỡ là “Tần thất kì lộc”, mà không phải là một con vật nào khác?
          Điều này có thể có liên quan đến hoạt động săn bắn lúc bấy giờ. Vương công quý tộc cổ đại Trung Quốc khi săn bắn, hươu là đối tượng bị giết thường thấy nhất, tượng trưng lợi ích được mất nhất thời. Về sau dùng làm đại biểu cho chính quyền hoặc quốc gia, “trục lộc” cũng chính là tranh đoạt thiên hạ.

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 08/8/2017

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post