Dịch thuật: "A Hàm kinh"

“A HÀM KINH”

          A Hàm kinh 阿含经 bản dịch sang tiếng Hán có 183 quyển. Đây là bộ ngữ lục thuyết giáo của Thích Ca Mâu Ni 释迦牟尼, người sáng lập ra Phật giáo, tác giả có thể cho là Phật tổ Thích Ca Mâu Ni.
          Giữa thế kỉ  thứ 6 trước công nguyên, Thích Ca Mâu Ni người Ấn Độ sáng lập ra Phật giáo, đồng thời tại Ấn Độ Ngài đã truyền giáo hơn 40 năm; thời Đức Phật còn tại thế, học thuyết Phật giáo chưa chỉnh lí thành văn; sau khi Ngài nhập Niết bàn, để thừa tập những điều chỉ dạy của Ngài, các đệ tử dùng phương thức ức tụng, thảo luận bắt đầu tập hợp chỉnh lí những ngôn luận của Ngài (Phật giáo gọi là “kiết tập” 结集), hình thành nên những bộ kinh Phật đầu tiên, đó chính là điển tịch mà có tên gọi là “tam tạng” 三藏.
“Tam tạng” chỉ “kinh tạng” 经藏 (tập hợp những ngữ lục của Phật Tổ), “luật tạng” 律藏 (những quy phạm hành vi mà Phật Tổ quy định cho tín đồ, tức giới luật), “luận tạng” 论藏 (những trứ tác về nội dung kinh tạng do đệ tử Phật môn chú thích và phát huy, là một bộ phận kinh điển hình thành sớm nhất trong kinh Phật). Theo ghi chép, năm mà Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni qua đời, 500 đệ tử tập họp lại, dưới sự chủ trì của Đại Ca Diếp 大迦叶, cộng đồng đã thẩm định lại thuyết giáo của Phật Tổ. Ưu Bà Di 优婆夷 phân ra 80 lần tụng xuất luật tạng “Bát thập tụng luật” 八十诵律, A Nan 阿难 tụng xuất kinh tạng “A Hàm kinh” 阿含经, hình thành kinh Phật tối sơ.
“A Hàm” (dịch âm từ Phạm văn Agama), dịch ý là “pháp quy”, hoặc “vô tỉ pháp”, ‘giáo truyền”, ngụ ý “Phật pháp chi tối thượng giả” hoặc “truyền chi giáo thuyết”. “A Hàm kinh” ghi chép lại hoạt động truyền giáo của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni và học thuyết tôn giáo, phản ánh tương đối chân thực nội dung Phật giáo thời kì đầu,cho nên được nổi tiếng là “căn bản Phật giáo” 根本佛教.
A Hàm kinh bản dịch sang tiếng Hán chia làm 4 bộ: gồm
Trường A Hàm kinh 长阿含经  22 quyển
Trung A Hàm kinh 中阿含经  60 quyển
Tăng nhất A Hàm kinh 增一阿含经  51 quyển
Tạp A Hàm kinh 杂阿含经  50 quyển
A Hàm kinh thực tế là tổng danh một bộ đại tùng thư. 4 bộ thông thường cũng gọi là “Tứ A Hàm”. Danh xưng “Tứ A Hàm” không có ý nghĩa đặc biệt gì, chỉ là độ dài ngắn của văn tự kinh văn để phân biệt mà thôi. Theo điển tịch luật tạng Ngũ phân luật 五分律:
Ca Diếp hỏi tất cả tu đa la 修多罗 (tu đa la tức kinh tạng), trong tăng có người cất lời: đó là trường kinh, nay tập hợp lại thành một bộ, tên là Trường A Hàm; còn kinh không dài không ngắn, tập hợp thành một bộ gọi là Trung A Hàm; những thuyết giáo cho Ưu bà Tắc, Ư bà di, thiên tử thiên nữ, tập hợp lại thành một bộ gọi là Tạp A Hàm, kinh từ nhất pháp tăng lên thập nhất pháp, tập hợp thành một bộ gọi là Tăng nhất A Hàm.
Tứ A Hàm mỗi bộ lại bao gồm từ mấy chục đến cả ngàn tiểu kinh. Trường A Hàm gồm 30 kinh; Trung A Hàm gồm 222 kinh; Tăng nhất A Hàm gồm 72 kinh, còn Tạp A Hàm gồm 1362 kinh, tổng cộng gần  2000 kinh.
Có thể nói, A Hàm kinh là bộ ngôn hành lục của Thích Ca Mâu Ni, mỗi một tiểu kinh chính là thực lục một lần thuyết pháp, thông qua môn đồ hồi ức giảng thuật mà thành, nhân đó mỗi một kinh luôn bắt đầu bằng câu “Như thị ngã văn” 如是我闻 (tôi nghe như thế này) hoặc “Văn như thị” 闻如是 (nghe như thế này), đồng thời nội dung là tại một nơi nào đó, ở một thời gian nào đó, hướng đến ai mà giảng. A Hàm kinh chính là một bộ kinh luỹ tập như thế mà thành. Lí luận tôn giáo của Phật Tổ Thích Ca chính là thông qua nhiều phương diện của những tiểu kinh mà luận thuật, trong đó có triết học nhân sinh Phật giáo lấy “tứ thánh đế” 四圣谛 làm nội dung hạt nhân, lấy thuyết “thập nhị nhân duyên” 十二因缘làm nội dung chủ yếu về lí luận duyên khởi, lấy “bát chánh đạo” 八正道, ‘tứ  niệm xứ” 四念处, “tứ chánh đoạn” 四正断 làm nội dung lí luận về phương diện tu hành Phật giáo, cùng với lấy “ngũ uẩn” 五蕴, “nghiệp báo luân hồi” 业报轮回, “tam pháp ấn” 三法印 làm giáo nghĩa cơ bản nhất của Phật giáo thời kì đầu.  Đông thời, thông qua hành tung của Phật Tổ trong A Hàm kinh, đã triển hiện ở một trình độ nhất định bối cảnh lịch sử Thích Ca sáng lập Phật giáo cùng hoạt động truyền giáo của Ngài.
A Hàm kinh được thu thập vào tổng tập Đại tạng kinh 大藏经, điển tịch Phật giáo bằng chữ Hán. Đại tạng kinh có nhiều ấn bản:
Khai bảo tạng 开宝藏 thời Bắc Tống
Thích sa tạng 碛砂藏 thời Nam Tống
Kim bản tạng 金版藏 đời Kim
          Tần Già bản Đại tạng kinh 频伽版大藏经  in tại Thượng Hải năm 1913.
          Ngoài ra, Triều Tiên có khắc bản Cao Li tạng 高丽藏, Nhật bản có khắc bản Đại Chính tân tu tạng 大正新修藏. Trước mắt, bản hoàn thiện nhất, dễ tra tìm nhất là bản Trung Hoa Đại tạng kinh 中华大藏经 của Trung Hoa thư cục. Bản này do Nhậm Kế Dũ 任继愈 chủ biên, lấy kim khắc bản Triệu Thành kim tạng 赵城金藏 làm bản gốc, hiệu khám cùng với 8 bản mang tính đại biểu, từ năm 1984 liên tục ấn hành, 10 năm xuất bản đầy đủ.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 24/8/2017

Nguyên tác Trung văn
“A HÀM KINH”
阿含经
Trong quyển
THẦN BÍ VĂN HOÁ ĐIỂN TỊCH ĐẠI QUAN
神秘文化典籍大观
Tác giả: Vương Ngọc Đức 王玉德, Dương Sưởng 杨昶
Nam Ninh: Quảng Tây nhân dân xuất bản xã, 2003.
Previous Post Next Post