Dịch thuật: Đại Vũ trị thuỷ

ĐẠI VŨ TRỊ THUỶ

          Theo sử thư ghi chép, thời xã hội nguyên thuỷ khoảng 5000 trước, Trung Quốc phát sinh một trận hồng thuỷ, mang đến cho mọi người tai hoạ cực kì to lớn. Người đương thời đối với trận hồng thuỷ này, chỉ biết chạy lên núi để tránh. Để trừ thuỷ hoạn này, thủ lĩnh liên minh bộ lạc lúc bấy giờ đã sai ông Cổn đi trị thuỷ.
          Ông Cổn dùng phương pháp vây tường “nhân” (lấp), “chướng” (chặn), trị thuỷ 9 năm rất hao phí nhân lực vật lực, không những không trị được, mà ngược lại còn khiến cho nước tràn thêm mênh mông. Ông Cổn bó tay hết cách đối với cơn hồng thuỷ, việc lớn không thành, bị Đế Thuấn, người kế tục Đế Nghiêu trị tội. Liên minh bộ lạc lại tiến cử con ông Cổn là Đại Vũ 大禹 đi trị thuỷ. Đại Vũ là một thanh niên thông minh tài cán. Tuy ông mới kết hôn với cô gái họ Đồ Sơn 塗山 (Đồ Sơn thị塗山氏), nhưng nhìn thấy tình cảnh mọi người bị thuỷ hại, ông liền nghĩ tới trách nhiệm to lớn mà bản thân mình gánh vác.
          Đầu tiên, Đại Vũ mời những người cao tuổi có kinh nghiệm và những người từng trị thuỷ đến để bàn bạc. Họ tổng kết nguyên nhân thất bại trước đây, tìm biện pháp trị thuỷ. Có người cho rằng, thế nước trong cơn hồng thuỷ hung hãn, vây chặn lại không phải là biện pháp. Có người kiến nghị, nước luôn chảy xuống, chỉ cần biết rõ địa thế cao thấp, thuận theo dòng mà khơi thông dẫn nước đi sẽ tốt hơn. Những lời bàn đó khiến Đại Vũ có được gợi mở, lại từng trải qua nhiều nơi khảo sát thực địa, Đại Vũ đã định ra phương án thiết thực có thể thi hành. Một mặt tăng cường đê đập, mặt khác thay đổi biện pháp “vây chặn” trước đây, dùng biện pháp “khơi thông dòng chảy” để trị thuỷ hoạn.
          Về căn bản, để phòng trừ thuỷ hoạn, Đại Vũ chia cả khu vực ra làm 9 châu lớn, tức Kí , Duyện , Thanh , Từ , Dương , Kinh , Dự , Lương , Ung. Từ đó một công trình trị thuỷ to lớn được triển khai.
          Đại Vũ đích thân thống lĩnh hơn 20 vạn quần chúng, bắt đầu hoạt động trị thuỷ gian khổ. Ngoài việc chỉ huy toàn bộ công tác trị thuỷ ra, Đại Vũ còn đích thân tham gia lao động, Tay cầm xẻng, chân đạp bùn, bỏ ngủ quên ăn, lấy đêm nối ngày, không từ lao nhọc. Do bởi chuyên cần lao tác, đôi bàn tay ông đầy những vết chai, móng chân ngâm trong nước bị bong ra, trong 10 năm trị cơn hồng thuỷ, Đại Vũ từng 3 lần đi ngang qua nhà mình.
          Lần đầu tiên đó là lúc vợ ông vừa sinh hạ đứa con được mấy ngày, ngoài cửa có thể nghe được tiếng khóc của trẻ, Đại Vũ sợ trễ nãi công việc nên không vào nhà; lần thứ hai đi ngang qua nhà, đứa con mà người vợ bế trong lòng đã biết gọi “ba”, đúng lúc công trình đang khẩn trương, Đại Vũ cũng không vào nhà; đợi đến lần thứ ba đi ngang qua nhà, con của mình đã sắp 10 tuổi, đứa bé lấy sức kéo ông vào, Đại Vũ vỗ về con, nói rằng công việc trị thuỷ rất bận rộn, không có thời gian nên không thể vào nhà. Câu chuyện Đại Vũ “tam quá gia môn nhi bất nhập” được truyền tụng.
          Dưới sự lãnh đạo của Đại Vũ, 20 vạn người trải qua 10 năm lao động gian khổ, đã thuận theo thế khơi thông 9 dòng sông lớn, cuối cùng khiến bể nước mênh mông thuận theo dòng chảy mới khơi thông, thuần phục chảy ra biển lớn, không còn gây nguy hại cho bách tính nữa.
           Đại Vũ lại thống lĩnh mọi người, tiếp tục lưu thông chi lưu các nơi, bài trừ hồ tích nước những cánh đồng, khiến nước bị tích chảy vào các chi lưu, chế phục thuỷ hại một cách triệt để. Hoàn thành xong công trình vĩ đại trị thuỷ, Đại Vũ lại hướng dẫn mọi người khơi ngòi dẫn nước tưới  cho đồng ruộng, biến thuỷ hại thành thuỷ lợi. Ruộng tốt hai bên bờ Hoàng hà, Hoài hà, cây dâu mọc thành rừng, xuất hiện cảnh tượng bách tính an cư lạc nghiệp, ngũ cốc phong đăng.
          Đế Thuấn già, thủ lĩnh bộ lạc lại tiến cử Đại Vũ làm thủ lĩnh liên minh bộ lạc. Đại Vũ đem cả nước chia làm 9 châu, dùng đồng đúc nên 9 đỉnh, tượng trưng cho 9 châu mà ông thống trị. Để thể hiện sự uy nghiêm, Đại Vũ còn không ngừng tuần hành đến các nơi. Có một lần, đến Đồ Sơn 塗山 tuần thị, Đại Vũ đã triệu tập thủ lĩnh bộ lạc, đến tham dự buổi họp có đến hơn 1 vạn người, họ còn mang đến rất nhiều của cải, cống hiến cho Đại Vũ.
          Tương truyền tại Vũ Môn khẩu 禹門口 trên núi Long Môn 龍門 ở thượng du Hoàng hà bị Đại Vũ khi trị thuỷ đã đục. Long Môn sơn khẩu rộng 80 bộ, nước sông từ đó đổ xuống, tiếng nước đổ xuống nghe như gào thét, khí thế phi phàm. Ngoài ra, Thần Cữu dục 神臼峪 bên bờ Hoàng hà phía đông nam 50 dặm ở huyện Nhuế Thành 芮城 tỉnh Sơn Tây 山西, tương truyền là nơi Đại Vũ khi trị thuỷ đã dừng chân và buộc ngựa nơi đó. Về sau, để kỉ niệm Đại Vũ, nhân sĩ địa phương đã lập toà Vũ Vương miếu 禹王廟bên sông.
          Dưới núi Cối Kê 會稽 tại huyện thành Thiệu Hưng 紹興 tỉnh Chiết Giang 浙江, mọi người còn xây dựng Vũ lăng 禹陵 để kỉ niệm công lao to lớn của Đại Vũ.
          Sau khi Đại Vũ qua đời, con ông là Khải lợi dụng quyền lực của mình, không để cho mọi người tiến cử mà tự lập mình làm vương, kiến lập nên triều Hạ .

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 02/7/2017

Nguyên tác Trung văn
ĐẠI VŨ TRỊ THUỶ
大禹治水
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI TRỌNG YẾU ĐẠI SỰ
中國古大重要大事
Tác giả: Tô Châu Ngu 蘇洲虞
Đài Bắc: Ngọc thụ đồ thư, Dân Quốc năm thứ 86
Previous Post Next Post