Dịch thuật: Nhục canh, thái canh, bế môn canh

NHỤC CANH, THÁI CANH, BẾ MÔN CANH
BÀN VỀ CHỮ “CANH”

          Chữ (canh) là chữ do chữ (cao) và chữ (mĩ) hợp thành. Với chữ , không thể thiếu 2 chấm ở trên. Còn (cao) là con dê con, (mĩ) là dê lớn. Dê là loài dùng để lấy thịt làm thức ăn, cho nên “canh” đa phần là chỉ loại thịt. Người xưa lấy canh làm món thường dùng, canh thịt không hạn chế ở thịt dê, mà còn có canh thịt heo (thỉ canh 豕羹), canh thịt chó (khuyển canh 犬羹) v.v...
          Trong sách cổ có nói đến canh thường chỉ món thịt có thêm chút nước cốt của thịt. Như trong Nhĩ nhã 尔雅 có câu:
Nhục vị chi canh
肉谓之羹
(Thịt gọi là canh)
          Thịt với chút nước cốt, không giống với “thang” (canh), nó chỉ là thịt kho lên với chút nước mà thôi. Trong canh thường cho thêm gia vị, điều mà gọi là “ngũ vị chi hoà dã” 五味之和也. Ngũ vị chỉ ê (giấm), hải (tương), diêm (muối), mai (mơ) và thái (rau). Gọi là “thái” hoặc là hẹ, hoặc là hành, cũng có khi là rau quỳ. Nêm mơ và muối gọi là “hoà canh” 和羹. “Hoà canh” là món ăn, người ta cũng thường dùng để ví. Do bởi nhiều muối thì mặn, nhiều mơ thì chua, muối và mơ vừa đủ, sau đó mới thành canh, cho nên dùng để ví với việc trị lí đất nước. Nhân đó, “điều canh” 调羹 là ví chức Tể tướng, “điều hoà đỉnh nãi” 调和鼎鼐 là ví với việc trị quốc. Trong Thư kinh – Duyệt mệnh 书经说命 có nói việc Thương Vương Vũ Đinh 武丁 dùng Phó Duyệt 傅说 làm Tướng, muốn ông trị lí đất nước, giống như việc điều hoà mùi vị trong đỉnh nãi, để cho cho hợp. Đó chính là xuất xứ của từ “đỉnh nãi” 鼎鼐.
          Người xưa cũng thường dùng ra để làm canh. Trong Hàn Phi Tử 韩非子 có câu:
          Nghiêu chi hữu thiên hạ dã, ..... lệ tư chi thực, lê hoắc chi canh (1)
尧之有天下也, ..... 粝粢之食, 藜藿之羹
(Đế Nghiêu có được thiên hạ, ..... lấy thóc nếp làm cơm, lấy rau lê rau hoắc làm canh)
Lê hoắc là loại rau dại mà người nghèo lấy làm thức ăn.
Có từ “canh tường” 羹墙 (2), tục truyền rằng, khi Đế Thuấn ăn cơm, thường bưng bát canh đậu với dáng vẻ xuất thần, tưởng niệm tiền nhân là Đường Nghiêu, lờ mờ như thấy Đế Nghiêu ở bức tường trước mặt đang vẫy tay mỉm cười. Cho nên từ “canh tường” biểu thị lòng tưởng nhớ đến tiền bối. Giống “lê hoắc canh” 藜藿羹 còn có “quỳ canh” 葵羹. Trong cổ nhạc phủ, bài Thập ngũ tùng quân chinh 十五从军征 có đoạn:
Thung cốc trì tác phạn
Thái quỳ trì tác canh
Canh phạn nhất thời thục
Bất tri di a thuỳ
舂谷持作饭
采葵持作羹
羹饭一时熟
不知遗阿谁
(Giã gạo nấu cơm
Hái rau quỳ làm canh
Phút chốc cơm canh đã chín
Mà không biết để cho ai ăn)
          Bài thơ viết về một ông lão lúc 15 tuổi đã đi lính, mãi đến 80 tuổi mới được trở về, tình cảnh thê lương cô độc. Rau quỳ nói đến trong đó cũng là loại mà dân gian thường ăn. Vương Duy 王维thi nhân đời Đường sau khi quy ẩn cũng thường nấu “lộ quỳ canh” 露葵羹 (3). “Thuần canh” (), tuy thuộc loại rau, nhưng là món ngon, thường thấy trong thi từ (4). Trong Thấm viên xuân – Đới hồ tân cư tương thành 沁园春 - 带湖新居将成 Tân Khí Tật 辛弃疾 đã viết:
Ý quyện tu hoàn
Thân nhàn quý tảo
Khởi vị thuần canh lư khoái tai.
意倦须还
身闲贵早
岂为羹鲈脍哉
(Mệt mỏi chốn quan trường, nên gấp trở về
Thân được nhàn càng sớm càng tốt
Há có phải chỉ vì hưởng thụ canh rau thuần gỏi cá lư)
          “Thuần canh lư khoái” vốn viết về Trương Hàn 张瀚 nhân vì gió thu nổi lên, chợt nhớ đến món nấm, canh rau thuần.
          Do bởi giới quyền quý đa phần xa xỉ cùng cực, “đà đề canh” 驼蹄羹 (canh móng lạc đà), “thất bảo canh” 七宝羹(canh thất bảo) là mĩ thực của họ. Đỗ Phủ 杜甫 trong bài Tự kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài ngũ bách tự 自京赴奉先县咏怀五百字 có viết về đế vương quý tộc trong triều:
Khuyến khách đà đề canh
Sương tranh áp hương quất
劝客驼蹄羹
霜橙压香橘
(Mời khách món chân lạc đà
Mùi chanh mùi quất ngát thơm)
Ở bài thơ có chú rằng:
          Trần Tư Vương nấu món chân lạc đà, giá lên đến cả ngàn vàng.
          Trong Độc dị chí 独异志 có nói đến sự xa xỉ của Lí Đức Dụ 李德裕 , mỗi khi ăn một bát canh, tốn đến 3 vạn tiền (5). Trong đó có châu bảo, bối bảo, chân gấu nấu với hùng hoàng, sau 3 lần chiên thì vứt đi. Từ đó có thể thấy, mức độ xa xỉ của họ.
          Trong lịch sử, có người vì món canh mà mất mạng, có người vì món canh mà bị bắt làm tù binh, cũng có người vì món canh mà mất nước. Lưu Hướng 刘向 trong Tân tự 新序 có nói, Thương Trụ vương nhân vì món canh chân gấu chưa chín mà giết người đầu bếp. Trong trận chiến giữa Tống và Trịnh, người đánh xe cho tướng nước Tống là Hoa Nguyên 华元, nhân vì không ăn được canh thịt dê mà bỏ chạy sang nước Trịnh, khiến Hoa Nguyên bị bắt làm tù binh. Quốc quân nước Trung Sơn 中山 vì không chia món canh thịt dê cho Tư Mã Tử Kì 司马子期, Tử Kì giận bỏ sang nước Sở, sau giúp Sở Vương đánh Trung Sơn, Trung Sơn vì một bát canh mà mất nước.
          “Bế môn canh” 闭门羹 (*) là từ người thời Đường. Phùng Chí 冯贽 trong Vân Tiên tạp kí 云仙杂记 có nói, ở Tuyên Thành có một người họ Sử tên Phụng , chia khách ra làm mấy hạng, coi thường những người bị cự tuyệt ngoài cửa, đem cho họ một bát canh cho xong chuyện (6). “Bế môn canh” mà hiện nay thường nói mang ý nghĩa “đóng cửa không tiếp”, không liên quan gì đến món canh.

Chú của nguyên tác
1- Hàn Tử thiển giải – Ngũ đố 韩子浅解:
          Nghiêu chi vương thiên hạ dã mao tì bất tiễn, thái chuyên bất trác, lệ tư chi thực, lê hoắc chi canh.
          尧之王天下也茅茨不翦, 采椽不斲, 粝粢之食, 藜藿之羹.
          (Đế Nghiêu làm vương thiên hạ, lấy cỏ mao cỏ tì lợp nhà mà không xén, dùng cây làm cột mà không đẽo gọt, lấy thóc thóc nếp làm cơm, lấy rau lê rau hoắc làm canh).
          Trung Hoa thư cục bản.
2- Nhị thập ngũ  sử - Hậu Hán thư “Lí Cố truyện” 二十五史 - 后汉书李固传:
          Tích Nghiêu tồ chi hậu, Thuấn ngưỡng mộ tam niên, toạ tắc kiến Nghiêu vu tường, thực tắc đổ Nghiêu vu canh.
          昔尧殂之后, 舜仰慕三年, 坐则见尧于墙, 食则睹尧于羹.
          (Xưa khi Đế Nghiêu mất, Đế Thuấn tưởng nhớ đến 3 năm, khi ngồi dường như thấy Đế Nghiêu ở bức tường trước mặt, khi ăn dường như thấy Đế Nghiêu nơi bát canh).  
          Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, Thượng Hải thư điếm.
3- Từ lâm hải thác 词林海错:
Vương Ma Cật hữu lộ quỳ canh
王摩诘有露葵羹
(Vương Ma Cật có lộ quỳ canh)
          Xem Cách trí kính nguyên 格致镜原
4- Đường . Đoàn Thành Thức 段成式 Dậu dương tạp trở 酉阳杂俎:
Thuần canh tuyệt mĩ
羹绝美
5- Cách trí kính nguyên 格致镜原 trang 247, Giang Tô Quảng Lăng cổ tịch khắc ấn xã.
6- Xem Dương Ấm Thâm 阳荫深 Sự vật chưởng cố tùng đàm 事物掌故丛谈 trang 296, Thượng Hải thư điếm. Vân Tiên tạp kí 云仙杂记:
          Tuyên Thành kĩ Sử Phụng, đãi khách hữu sai đẳng, tối hạ giả bất tương kiến, dĩ bế môn canh đãi chi.
          宣城妓史凤, 待客有差等, 最下者不相见以闭门羹待之.
          (Kĩ nữ Sử Phụng ở Tuyên Thành, khi đãi khách phân chia khách làm nhiều hạng, hạng thấp kém nhất không gặp, sai đem bát “bế môn canh” để đãi).

Chú của người dịch
*- Bế môn canh 闭门羹
          Trong Vân Tiên tạp kí 云仙杂记  quyển 1 của Phùng Chí 冯贽 đời Đường có chép:
     Tương truyền vào thời Đường, có một kĩ nữ ở Tuyên Thành họ Sử tên Phụng rất xinh đẹp, cầm. kì, thi, hoạ đều tinh thông, nên rất nhiều chàng trai nghe tiếng tìm đến, hi vọng được kết bạn với nàng. Nhưng không ít người vì khó gặp nên không được như nguyện. Vì sao lại khó gặp Sử Phụng? Bởi Sử Phụng tiếp khách có một quy củ không thành văn: Trước tiên nàng yêu cầu khách phải đưa ra một bài thơ, nếu sau khi thấy hay mới bằng lòng gặp, sau đó mới nói đến chuyện kết giao. Nếu khách không biết làm thơ, hoặc giả bài thơ làm không hay, nàng sẽ bảo người nhà đem một bát canh đãi nơi cửa, khéo từ chối gặp khách.
          Lâu dần, khách đến thăm thấy có bát canh, biết được ý, liền chủ động cáo từ.
          Lấy canh đãi khách mang ý nghĩa cự tuyệt không tiếp, cho nên canh này được gọi là “bế môn canh”.
          Sau khi câu chuyện được lưu truyền, mọi người dùng “bế môn canh” làm đại danh từ mang ý nghĩa cự tuyệt.
          Nguồn http://baike.baidu.com/item

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 24/4/2017
              
Nguyên tác Trung văn
NHỤC CANH, THÁI CANH, BẾ MÔN CANH
ĐÀM “CANH”
肉羹, 菜羹, 闭门羹
  “
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phúc Đán Đại học xuất bản xã, 1998
Previous Post Next Post