Dịch thuật: Họ kép với tình tiết cảm động

 HỌ KÉP VỚI TÌNH TIẾT CẢM ĐỘNG

          Trong văn hoá tính thị ở Trung Quốc, có những họ kép mang tính đặc thù tràn đầy tình cảm, gọi là “ân nghĩa tính” 恩义姓. Gọi là “ân nghĩa tính” chính là để chỉ do vì báo đáp ân đức mà có họ đó. Loại họ này đa số đều có câu chuyện cảm động.
          Tại thôn Lão Đại Trang 老代庄 ở làng Nhị Lang Miếu 二郎庙, huyện Phương Thành 方城 tỉnh Hà Nam 河南, có một gia tộc có họ kép kì lạ, tổng cộng có hơn 20 hộ, họ đều mang họ là “Cô Cao” 辜高. Họ kép này tra không thấy trong Bách gia tính 百家姓. Nói đến lai lịch của họ kép kì lạ này, phải truy ngược lên đến cuối đời Minh, lúc bấy giờ chiến tranh liên miên, người chết vô số. Đương thời, tại thôn Đại Hoa Lí 大华里 ở phía đông nam thôn Lão Đại Trang chỉ còn sót lại 2 người, một già một trẻ. Người già họ Cao , đã trên 50 tuổi, người trẻ họ Cô , chỉ mới lên 7 tuổi. Lão Cao nhìn thấy nhà họ Cô chỉ còn lại đứa bé này, động mối thương tâm, đã đưa đứa bé về nuôi. Lão Cao ra sức chăm nom nuôi dưỡng đứa bé cho đến lúc trưởng thành, đồng thời cưới vợ cho. Anh thanh niên họ Cô không quên ân đức của lão Cao, nên hết lòng hiếu kính. Sau khi lão Cao qua đời, anh thanh niên họ Cô chôn cất tử tế, đồng thời lập bia thuật lại sự việc, hơn nữa, còn định ra gia quy: từ nay về sau, con cháu của anh ta, cứ một đời mang họ Cô, một đời mang họ Cô Cao, để tiếp nối hương hoả cho lão Cao. Ngoài ra còn quy định, đời con cháu mang họ Cô, khi đặt tên phải dùng những chữ có liên quan đến hàm nghĩa cao, như: sơn , phong , vân , mậu ... để mãi mãi ghi nhớ.
          Di cô nhà họ Cô sinh được 4 người con. Người con thứ 2 từng làm quan, vế sau do vì đắc tội với kẻ có quyền thế, phải bỏ trốn đến Vũ Hán 武汉, đến Sơn Đông 山东. Người con thứ 3 và thứ 4 cùng con cháu đời sau, chia ra cư trú tại nhiều nơi trong huyện thành làm nông dân, chỉ có người con trưởng là giàu có, định cư tại thôn Lão Đại Trang gần quê nhà. Con cháu giữ nghiêm tổ huấn, cứ một đời mang họ Cô, một đời mang họ Cô Cao. Đến nay thôn dân họ Cô Cao của hơn 20 hộ ở Lão Đại Trang chính là con cháu của đời sau của ông ta.
          Còn có một họ kép “Trương Liêu” 张廖, lai lịch tương tự như họ kép Cô Cao, cũng rất cảm động lòng người. Tương truyền, tiên nhân của họ kép này vốn họ Trương , vì chịu ơn người họ Liêu , để báo đáp ân đức đó, đã đổi sang họ Liêu, mãi đến khi mất mới khôi phục lại họ Trương. Mục đích khôi phục là để quy táng nơi mộ tổ họ Trương. Mọi người cảm động, gọi là “hoạt Liêu tử Trương” 活廖死张 (sống thì họ Liêu, chết thì họ Trương). Về sau, để kỉ niệm đoạn lịch sử này, mãi mãi không quên ân đức của người họ Liêu đối với tiên nhân của mình, con cháu đời sau người họ Trương đã hợp họ Trương và họ Liêu lại, đổi thành Trương Liêu.
          Mấy họ kép với những tình tiết cảm động này, vừa phản ánh nội hàm văn hoá tính thị phong phú của Trung Quốc, vừa thể hiện được mĩ đức truyền thống của dân tộc Trung Hoa.
         
                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                      Quy Nhơn 05/02/2017

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post