Dịch thuật: Sự quân chi nhẫn



事君之忍
子路问事君于孔, 子孔子教以勿欺而犯, 唐有魏征, 汉有汲黯.
                                      (忍经)

SỰ QUÂN CHI NHẪN
          Tử Lộ vấn sự quân vu Khổng Tử, Khổng Tử giáo dĩ vật khi nhi phạm, Đường hữu Nguỵ Trưng, Hán hữu Cấp Ảm.
                                                                                    (Nhẫn Kinh)

SỰ QUÂN CHI NHẪN
          Tử Lộ hỏi Khổng Tử phải thờ vị quân chủ như thế nào, Khổng Tử bảo rằng, không nên lừa dối vị quân chủ mà nên dám dùng lời nói thẳng để can gián. Triều Đường có Nguỵ Trưng, triều Hán có Cấp Ảm.

Chú của nguyên tác
          Trong Luận Ngữ 论语 có nói, Tử Cống hỏi phải thờ phụng vị quân chủ như thế nào. Khổng Tử bảo rằng: Không nên lừa dối vị quân chủ, mà nên dám xúc phạm ông ta.” Xúc phạm ở đây chính là dùng lời nói thẳng để can gián.
          Triều Đường, Nguỵ Trưng tự là Nguyên Thành 元成, thời Đường Thái Tông được phong là Gián Nghị Đại Phu. Ông từng nói, chính sự của Thái Tông so với thời kì đầu niên hiệu Trinh Quán, có 10 điều không thiện thuỷ thiện chung, Đường Thái Tông đặc biệt tán thưởng. Sau khi Nguỵ Trưng mất, Thái Tông nói rằng:
          - Lấy đồng làm kính, có thể ăn mặc chỉnh tề; lấy lịch sử làm kính, có thể hiểu được sự hưng vong của thời đại, lấy người khác làm kính, có thể biết được chỗ được mất của mình. Nguỵ Trưng mất rồi, trẫm mất đi tấm kính để soi chỗ được mất.
          Phong Nguỵ Trưng là Trịnh Công 郑公. Nguỵ Trưng từng căn cứ sự thực, đàn hặc và tiến cử người khác, không có chỗ nào né tránh., nhân viên các ti đều rất kính phục. Thái Tông bảo rằng:
          - Nguỵ Trưng căn cứ sự thực mà dâng lời can gián, giống như kính sáng chiếu hình, tốt đẹp và xấu ác đều có thể thấy rõ.
          Thời Tây Hán, Cấp Ảm tự Trường Nhụ 长孺, tính tình kiêu căng ngạo mạn, phê bình ai cứ phê bình trước mặt, không dung thứ sai trái. Khi Hán Vũ Đế chiêu mộ kẻ sĩ văn học, từng nói trẫm muốn như thế này, như thế này. Cấp Ảm đáp rằng:
          - Bệ hạ trong lòng muốn quá nhiều, để biểu hiện thực hành nhân nghĩa. Điều đó làm sao có thể học theo chính trị của Đường Ngu?
          Vũ Đế giận, không lên triều, nói với thủ hạ nói rằng:
          - Quá lắm. Cấp Ảm quả thực là ngu ngốc!
          Cấp Ảm  bảo rằng:
          - Hoàng đế sắp đặt bề tôi công khanh phụ tá, lẽ nào muốn họ cứ nói theo ý của hoàng đế, để đến nỗi đưa hoàng đế đi đến chỗ bất nghĩa?
Yếu nghĩa
          Thờ phụng vị quân chủ cần phải trung thành, đó là tiết tháo lớn của kẻ làm bề tôi. Khổng Tử bảo rằng: Thờ vua không được lừa dối, mà phải là dám dùng lời nói thẳng can gián, cho dù làm như thế đối với bản thân mình không có lợi, nhưng có lợi cho vị quân chủ hiểu rõ được đạo lí, hiểu rõ được chân tướng sự thật, kịp thời sửa chữa những sai lầm, có lợi cho đất nước. Như Nguỵ Trưng của Đường Thái Tông, Cấp Ảm của Hán Vũ Đế, dám mạo phạm dâng lời nói thẳng, đó mới là trung thần chân chính.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 17/01/2017

Nguồn        
ĐẠO ĐỨC KINH
道德经
(Xuân Thu)  Lí Nhĩ 李耳
Bắc Kinh Yên Sơn xuất bản xã
Previous Post Next Post