Dịch thuật: Ý nghĩa tượng trưng của màu sắc

Ý NGHĨA TƯỢNG TRƯNG CỦA MÀU SẮC

1- Màu đỏ
          Màu đỏ là màu cơ bản được ưa chuộng trong văn hoá Trung Quốc, nó thể hiện sự truy cầu về tinh thần và vật chất của người Trung Quốc. Màu đỏ tượng trưng cho cát tường, hỉ khánh, như gọi người phụ nữ tác thành hôn nhân cho người khác gọi là “hồng nương” 红娘, ngày vui treo lồng đèn đỏ, dán câu đối đỏ, chữ “phúc” đỏ; Nam nữ khi làm lễ cưới, dán chữ “hỉ” đỏ, gọi vui vẻ náo nhiệt và hưng vượng là “hồng hoả” 红火; hình dung nơi phồn hoa náo nhiệt là “hồng trần” 红尘; màu đỏ còn tượng trưng cho cách mạng và tiến bộ. Màu đỏ cũng tượng trưng cho thuận lợi, thành công, như cảnh ngộ rất tốt của một người nào đó được gọi là “tẩu hồng” 走红, “hồng cực nhất thời” 红极一时, người được cấp trên sủng tín gọi là “hồng nhân” 红人, phân chia lợi nhuận trong kinh doanh gọi là “phân hồng” 分红, thưởng cho người khác gọi là “tống hồng bao” 送红包; màu đỏ còn tượng trưng cho mĩ lệ, xinh đẹp, như chỉ phụ nữ trang điểm là “hồng trang” 红妆 hoặc 红装, gọi cô gái trang điểm xinh đẹp là “hồng tụ” 红袖, chỉ cô gái nhan sắc xinh đẹp là “hồng nhan” 红颜 v.v...
2- Màu trắng
          Trong văn hoá Trung Quốc, màu trắng tương phản  với màu đỏ, là từ cấm kị cơ bản, thể hiện sự ghét bỏ về vật chất và tinh thần của người Trung Quốc. Trong thuyết ngũ hành thời cổ ở Trung Quốc, phương tây là “bach hổ”, phương tây là “hình thiên sát thần” 刑天杀神, là mùa chủ về “sát”, thời cổ chinh phạt bất nghĩa, xử tử tội nhân thường vào mùa thu. Cho nên màu trắng là màu biểu hiện sự khô kiệt vô huyết sắc, vô sinh mệnh, tượng trưng tử vong, điềm hung. Như xưa nay khi có thân nhân qua đời, trong nhà phải áo gai đội hiếu (mặc tang phục màu trắng) làm “bạch sự” 白事, thiết lập linh đường màu trắng, khi đưa quan có cờ phan màu trắng. Thời cổ còn xem bạch hổ là hung thần, cho nên hiện tại gọi người phụ nữ mang ách vận tới cho người đàn ông gọi là “bạch hổ tinh” 白虎星. Trong quá trình phát triển, do bởi chịu ảnh hưởng của công năng chính trị nên công năng tâm lí của màu trắng cũng tượng trưng cho hủ bại, phản động, lạc hậu, như “bạch chuyên đạo lộ” 白专道路 (chỉ nghiên cứu lí luận mà không có phương hướng). Màu trắng cũng tượng trưng cho thất bại, ngu xuẩn, gặp phải điều không có lợi, như trong chiến tranh, phe thất bại sẽ giương “bạch kì” 白旗biểu thị đầu hàng, gọi những người trí lực thấp kém là “bạch si” 白痴, bỏ công sức ra mà không có ích gì, không có hiệu quả gì gọi là “bạch mang” 白忙, “bạch phí lực” 白费力, “bạch can” 白干. Màu trắng còn tượng trưng cho gian tà, âm hiểm, như “xướng bạch kiểm” 唱白脸 (vai phản diện trên sân khấu), gian hùng “bạch kiểm” 白脸 (mặt trắng). Cuối cùng, màu trắng còn tượng trưng cho tri thức thiển cận, không có công danh, như gọi bách tính bình dân là “bạch đinh” 白丁, “bạch y” 白衣, “bạch thân” 白身, gọi những văn nhân thiếu sự rèn luyện, sự từng trải không sâu là “bạch diện thư sinh” 白面书生.
3- Màu đen
          Thời cổ, màu đen là “thiên huyền” 天玄, trong văn hoá Trung Quốc, màu đen mang sắc thái thần bí nặng nề, trang trọng và nghiêm túc. Ý nghĩa tượng trưng của màu đen do bởi tiếp thu ảnh hưởng văn hoá phương tây nên tương đối phức tạp. Một mặt nó tượng trưng cho chính nghĩa, nghiêm túc, như sắc mặt đen của Bao Công “hắc kiểm” 黑脸 trong truyền thống dân gian, Trương Phi 张飞, Lí Quỳ 李逵  trong Kinh kịch truyền thống. Mặt khác, do bởi bản thân sắc đen không có ánh sáng, mang đến cho con người cảm giác âm hiểm, cay độc và khủng bố. Màu đen tượng trưng cho tà ác, phản động, như gọi hạng người âm hiểm cay độc là “hắc tâm trường” 黑心肠, nội tình xấu xa đen tối không thể nói với ai là “hắc mạc” 黑幕, thành viên của tập đoàn phản động là “hắc bang” 黑帮, “hắc thủ” 黑手, gọi danh sách mà kẻ thống trị tiến hành bức hại chính trị những người có chính kiến bất đồng là “hắc danh đơn” 黑名单. Màu đen còn biểu thị phạm tội, vi phạm pháp luật, như đi trên đường của bọn đạo tặc gọi là ‘tẩu hắc đạo” 走黑道, quán trọ làm việc phi pháp, giết người cướp của gọi là “hắc điếm” 黑店, hàng hoá phạm pháp mà giao dịch gọi là “hắc hoá” 黑货, “hắc thị” 黑市, tiền bạc có được do thủ đoạn phi pháp gọi là “hắc tiền” 黑钱...
4- Màu vàng
          Màu vàng là sự biến dị phát triển trong văn hoá Trung Quốc, như thời trước mọi người gọi ngày mà thích hợp để làm việc lớn là “hoàng đạo cát nhật” 黄道吉日, nhưng nó cũng đại biểu cho quyền thế, uy nghiêm, đó là do bởi trong ngũ phương, ngũ hành, ngũ sắc thời cổ, trung ương thuộc thổ sắc vàng. Màu vàng tượng trưng cho chính quyền trung ương, nghĩa là quốc thổ, cho nên màu vàng được đế vương phong kiến các đời chuyên dùng, dân thường không thể tuỳ tiện sử dụng “màu vàng”, như “hoàng bào” 黄袍 là “long bào” của thiên tử, “hoàng việt” 黄钺 là nghi trượng của thiên tử, “hoàng bảng” 黄榜 là chiếu thư của thiên tử, “hoàng mã quái” 黄马褂 là quan phục của hoàng đế triều Thanh ban tặng cho trọng thần văn võ.
5- Màu xanh
          Trong văn hoá truyền thống Trung Quốc, màu xanh có song trùng tính, nó ngoài việc biểu thị nghĩa hiệp ra, còn biểu thị hung ác hoang dã. Đó là do bởi nhân loại trong quá trình trường kì sinh sống ở thời đại sơ thuỷ cùng với sau này đã nhờ màu xanh bảo vệ mình, dựa vào nó để sinh tồn; nhưng đồng thời, màu xanh cũng bảo vệ thiên địch của nhân loại cùng những động vật hung dữ ăn thịt người. Nghĩa hiệp là chính nghĩa, như phiếm chỉ nhóm người tụ tập chốn núi rừng cướp của người giàu chia cho người nghèo là “lục lâm hảo hán” 绿林好汉. Ác dã là tà ác, cho nên thời trước cũng chỉ bọn phỉ “lục lâm” chiếm núi làm vương, chặn đường cướp của nhiễu loạn bách tính. Màu xanh cũng tượng trưng đê tiện, như nô bộc thời Hán vấn khăn xanh, từ triều Nguyên trở về sau, phàm ca kĩ đều vấn khăn xanh để thể hiện địa vị thấp kém.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 1/10/2016

Nguồn
Previous Post Next Post