Dịch thuật: Tiêu tường

 TIÊU TƯỜNG

          Từ “tiêu tường” 萧墙 trong câu “hoạ khởi tiêu tường” 祸起萧墙 (hoạ dấy lên từ tiêu tường) chỉ nơi nào? Tại sao hoạ lại phát sinh từ nơi đó?
          Tương truyền vào cuối thời Xuân Thu, chính quyền nước Lỗ rơi vào tay 3 quan đại phu là Mạnh Tôn 孟孙, Thúc Tôn 叔孙 và Quý Tôn 季孙. Trong đó Quý Tôn có quyền thế nhất, nhưng vẫn lo sợ quốc quân sẽ mượn đất của Chuyên Du 颛臾 đoạt lại chính quyền, thế là Quý Tôn muốn xuất binh đánh nước phụ dung Chuyên Du.
          Khổng Tử nghe nói, liền nói với hai đệ tử rằng:
          - Mục đích của Quý Tôn không phải ở Chuyên Du đâu, mà là ở trong tiêu tường của vương thất, cũng chính là cả nước (1)
          Nhân đó hậu thế dùng điển cố này để biểu thị ý nghĩa hoạ loạn nội bộ của một quốc gia.
          Tiêu tường, kì thực là tấm bình phong đối diện với cửa trong cung thất của quân vương cổ đại, cũng còn được gọi là “chiếu bích” 照壁 hoặc “tắc môn” 塞门, dùng để ngăn không cho người ngoài nhìn lén vào, nhân đó mà người xưa thường dùng từ “tiêu tường” để chỉ nội bộ.

Chú của người dịch
1- Thiên Quý Thị 季氏 trong Luận Ngữ 論語 chép rằng:
          Ngô khủng Quý Tôn chi ưu, bất tại Chuyên Du, nhi tại tiêu tường chi nội dã.
          吾恐季孫之憂, 不在顓臾, 而在蕭牆之內也.
          (Ta sợ rằng cái lo của Quý Tôn không phải là ở tại nước phụ dung Chuyên Du mà là ở nội bộ của vương thất)

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 27/10/2016

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post