Dịch thuật: Mĩ đức truyền thống (kì cuối)

MĨ ĐỨC TRUYỀN THỐNG
(kì cuối)

          Kính lão, dưỡng lão cũng là mĩ đức của dân tộc Trung Hoa. Đời Chu có “dưỡng lão chi lễ” 养老之礼, nghĩ đến những người cao tuổi thân thể suy nhược, chú ý đến việc bồi bổ cho họ. Sau khi người già mất đi năng lực lao động, theo lí phải được xã hội quan tâm và tôn kính. Sự từng trải của người già rất phong phú, lớp hậu bối phải theo học, đồng thời đem những bài học có ích của họ ghi chép lại để dạy cho đời sau. Mĩ đức kính lão, dưỡng lão này vào thời cổ đã có nhiều ghi chép.
          Trung Quốc là một đất nước đa dân tộc, di phong dịch tục có thể thúc đẩy sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, học tập lẫn nhau, chỗ mạnh chỗ yếu bù đắp cho nhau, điều này đối với sự tiến bộ văn minh của dân tộc Trung Hoa rất có ích. Sớm từ thời Chiến Quốc, Triệu Vũ Linh Vương 赵武灵王 đã đề xướng “Hồ phục xạ kị” 胡服射骑, kêu gọi mọi người mặc y phục ngắn gọn như dân tộc thiểu số, học tập cách cưỡi ngựa bắn cung. Trước đó, các nước ở trung nguyên dùng chiến xa (xe tác chiến do ngựa kéo), y phục thì rộng, tay áo lớn, khi chiến đấu thao tác không tiện. Triệu Vũ Linh Vương nhìn thấy dân tộc thiểu số mặc y phục ngắn gọn, cưỡi ngựa bắn cung, lấy ít thắng nhiều nên ông đã kiên quyết đề xướng, kết quả là đã tăng cường sức mạnh quốc phòng. Đương thời, các nước nhìn thấy nước Triệu thực hành điều đó có hiệu quả, cũng đua nhau áp dụng, khiến chiến thuật của Trung Quốc đã có cách tân, thêm vào đó đã tăng cường sự dung hợp giữa các dân tộc. Đáng quý nhất là, Triệu Vũ Linh Vương trong khi tiến hành cách tân di phong dịch tục Hồ phục xạ kị đã đề xuất quan điểm tiến bộ:
Thế dữ tục hoá, nhi lễ dữ biến cụ.
势与俗化, 而礼与变具
(Chiến quốc sách – Triệu Vũ Linh Vương Hồ phục xạ kị
战国策 - 赵武灵王胡服射骑)
Tức cho rằng tập quán phong tục, chế độ lễ nghi phải thích ứng với thời đại mà cần cách tân. Trong lịch sử văn hoá dân tộc Trung Hoa, không chỉ Hán tộc học tập dân tộc thiểu số, mà dân tộc thiểu số cũng học tập Hán tộc. Như nhân vật kiệt xuất Tùng Tán Can Bố 松赞干布 trong lịch sử dân tộc Tạng đã chủ động hoà thân với nhà Đường, học tập văn hoá Hán tộc, đặt ra chế độ pháp luật, sáng tạo văn tự, tiến hành một loạt công tác di phong dịch tục, không chỉ chấn hưng Thổ Phồn 吐蕃, mà còn tăng cường mối quan hệ hữu hảo giữa hai dân tộc Hán Tạng.
          Trung Quốc không những chú trọng giáo dục đạo đức, mà kẻ sĩ có hiểu biết của các đời đều có lí tưởng tốt đẹp đối với tương lai. Như Lễ kí – Lễ vận thiên 礼记 - 礼运篇 là một trứ tác của học giả Nho gia khoảng cuối thời Chiến Quốc và Tần Hán, đã đề xuất lí tưởng “đại đồng” 大同. Cho rằng trong thế giới này
          Tuyển hiền dữ năng, giảng tín tu mục, cố nhân bất độc thân kì thân, bất độc tử kì tử, sử lão hữu sở chung, tráng hữu sở dụng, ấu hữu sở trưởng, căng quả cô độc phế tật, giai hữu sở dưỡng.
          选贤与能, 讲信修睦, 故人不独亲其亲, 不独子其子, 使老有所终, 壮有所用, 幼有所长, 矜寡孤独废疾, 皆有所养.
          (Chọn người hiền đức và người có tài năng để làm việc, cốt thành tín hoà mục, cho nên không chỉ kính yêu riêng người thân của mình, không chỉ yêu mến riêng con cái của mình, khiến người già yên tâm sinh sống đến trọn đời, thanh niên trai tráng được trọng dụng, trẻ em mạnh khoẻ lớn khôn, những người neo đơn tàn tật bịnh hoạn đều được nuôi dưỡng).
          Trong thế giới này, người có tài được tiến cử để nắm giữ chính sự, mọi người tín nhiệm lẫn nhau, đoàn kết hợp tác. Cảnh giới tư tưởng của mọi người vượt qua khỏi vòng gia đình, không chỉ yêu thương người thân của mình, mà còn mở rộng ra yêu cả mọi người. Trong thế giới “đại đồng”, người già hưởng được tuổi trời, tráng niên phát huy được sở trường, thiếu niên nhận được sự giáo dục tốt đẹp, những người neo đơn tàn tật được xã hội quan tâm chiếu cố.
           Lễ kí – Lễ vận thiên 礼记 - 礼运篇  lại nói, trong thế giới đó, tài nguyên được sử dụng, mọi người đều vui lòng ra sức cống hiến cho xã hội phồn vinh. Xã hội đó không có trộm cướp, không có chiến tranh. Tóm lại, “đại đồng” là thế giới lí tưởng của Nho gia. Mặc dù lí tưởng này mang màu sắc không tưởng, triết nhân cổ đại cũng tìm không ra con đường hướng tới “đại đồng”, nhưng nó đã biểu hiện sự phản kháng xã hội đối với sự bóc lột lúc bấy giờ, để hướng tới một thế giới tốt đẹp.
          Nho gia có lí tưởng “đại đồng”, không thể nói nó chủ trương trốn tránh hiện thực xã hội để truy cầu một nơi không có thực. Do bởi Nho gia coi trọng luân lí đạo đức, cho nên nó cường điệu nghĩa vụ con người phải tận lực đối với xã hội, coi trọng thực tế. Tư tưởng Đạo gia, một bộ phận khác cấu thành văn hoá quan niệm truyền thống Trung Quốc, tuy phủ định đạo đức, pháp chế và tri thức nhưng cũng không thể nói nó là xuất thế, mà ngược lại chẳng bằng nói nó lấy “xuất thế” làm thủ đoạn để đạt tới mục đích “nhập thế”. Còn như Phật giáo truyền vào Trung Quốc, đối với văn hoá Trung Quốc đã sản sinh ảnh hưởng rất lớn, nhưng nó đã Trung Quốc hoá, trở thành Phật học đặc hữu của Trung Quốc, giảm bớt thành phần xuất thế. Nhân đó trong văn hoá truyền thống Trung Quốc không có triết học “xuất thế” chân chính. Thời cổ, tín điều mà ảnh hưởng rất lớn đối với phần tử tri thức chính là câu nói của Mạnh Tử:
Đạt tắc kiêm thiện thiên hạ, cùng tắc độc thiện kì thân.
达则兼善天下, 穷则独善其身
(Lúc đắc chí thì giúp cho thiên hạ đều tốt, lúc bất đắc chí thì tự bản thân tu dưỡng đạo đức)
Cho rằng một người chính trực nếu không thể trị quốc bình thiên hạ để thực hiện lí tưởng của mình, thì cũng không thể buông thả việc tu dưỡng đạo đức, vẫn cần phải gánh vác trách nhiệm và nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội. Nhân đó có học giả nói rằng, văn hoá truyền thống Trung Quốc là văn hoá kiểu mô hình đạo đức luân lí, cách nói này không phải là không có lí. Tinh thần đạo đức luân lí đã thẩm thấu vào sử học, văn học và cả văn hoá nhân văn Trung Quốc. (hết)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 10/7/2016

Nguồn
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Previous Post Next Post