Dịch thuật: Đào đàm xuân thuỷ



ĐÀO ĐÀM XUÂN THUỶ
桃潭春水

          Ví với tình bạn bè thân thiết sâu đậm.
Điển xuất từ bài Tặng Uông Luân 赠汪伦 của Lí Bạch 李白 đời Đường.
Lí Bạch thừa chu tương dục hành
Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh
Đào hoa đàm thuỷ thâm thiên xích
Bất cập Uông Luân tống ngã tình
李白乘舟将欲行
忽闻岸上踏歌声
桃花潭水深千尺
不及汪伦送我情
Lí Bạch ta lên thuyền sắp sửa khởi hành
Bỗng nghe tiếng hát đạp ca trên bờ
Nước đầm Đào Hoa sâu ngàn thước
Cũng không bằng tình Uông Luân đưa tiễn ta.

Chú của người dịch
1- Uông Luân 汪伦: người bạn mà Lí Bạch kết giao lúc ở đầm Đào Hoa, tính cách rất hào sảng. Bài thơ này Lí Bạch làm ra để tặng ông.
2- Đạp ca 踏歌: vừa hát vừa dung chân đạp trên đất để đánh nhịp.
3- Đào Hoa đàm 桃花潭: tên đầm, phía nam huyện Kinh tỉnh An Huy 安徽 ngày nay.

          Lí Bạch lúc ở đầm Đào Hoa huyện Kinh thường đến chơi nhà một thôn dân tên Uông Luân. Lúc lên đường, Uông Luân đến tiễn, và Lí Bạch đã viết ra bài thơ này để bày tỏ tấm lòng của Lí Bạch đối với tình cảm sâu đậm của một thôn dân bình thường. Hai câu đầu:
 Lí Bạch thừa chu tương dục hành
Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh
Lí Bạch lên thuyền sắp sửa khởi hành, Uông Luân dẫn một đoàn thôn dân đến tiễn. Họ tay nắm tay vừa đi vừa hát. “Tương dục” và “hốt văn” đối ứng nhau, nói lên được trạng thái kinh ngạc vui mừng của nhà thơ. “Tương dục” là lúc thuyền sắp sửa lên đường, “hốt văn”, nói rõ sự bất ngờ. Có lẽ Uông Luân đêm hôm trước đã bày tiệc tiễn đưa, cho biết hôm sau bận việc không thể đưa tiễn. Nhưng hiện tại không chỉ có một mình Uông Luân, mà còn có cả một đoàn thôn dân cùng đến, làm sao mà nhà thơ không xúc động cho được! Dùng lời nào để bày tỏ đây? Đầm Đào Hoa bên cạnh, thế là nhà thơ thuận tay với lấy, dùng nước đầm sâu để sánh với thâm tình của Uông Luân đối với mình. Hai câu:
Đào hoa đàm thuỷ thâm thiên xích
Bất cập Uông Luân tống ngã tình
Thẩm Đức Tiềm 沈德潜 đời Thanh phê bình như sau:
          Nếu đem tình của Uông Luân so với nước đầm sâu ngàn thước là xoàng. Hay ở chỗ là đảo ngược lại.
                                                    (Đường thi biệt tài 唐诗别裁)
          Đích xác. Và cái hay ở hai câu này là ở chỗ  2 chữ “bất cập”. Đem 2 sự vật không liên quan gì với nhau liên hệ lại, nước đầm “thâm thiên xích” làm vật tham chiếu, đã đem tình bạn vô hình hoá thành hữu hình, tức hình tượng sinh động, ý vị sâu xa.
          Nước đầm đã “thâm thiên xích” thế thì tình cảm của Uông Luân sâu bao nhiêu đây?
          Đường Nhữ Tuân 唐汝询 đời Minh trong Đường thi giải 唐诗解 nói rằng;
          (Uông) Luân, chỉ là một thôn dân, sao lại thân với Lí Bạch? Đã ủ rượu để đãi, lại bày tiệc tiễn đưa. Tình cảm vượt lên thói tục. Thái Bạch ở vào cảnh huống chân thành, thuận tay viết ra, trở thành khúc điệu trác tuyệt thiên cổ.
          Lời bình này quả là xác đáng.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 30/7/2016

Nguồn
THƯỜNG DỤNG ĐIỂN CỔ
常用典故
Biên soạn: Tôn Lập Quần 孙立群, Lí Ái Trân 李爱珍
Thượng Hải đại học xuất bản xã, 2005
Previous Post Next Post