Dịch thuật: Tại sao Thương Ưởng bị ngũ mã phanh thây

TẠI SAO THƯƠNG ƯỞNG BỊ NGŨ MÃ PHANH THÂY

          Thương Ưởng 商鞅 là nhà duy tân biến pháp nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Trong Sử kí – Thương Quân liệt truyện 史记 - 商君列传 có chép:
          Thương Quân giả, Vệ chi chư thứ nghiệt công tử dã, danh Ưởng, tính Công Tôn thị, kì tổ bản Cơ tính dã.
          商君者, 卫之诸庶孽公子也, 名鞅, 姓公孙氏, 其祖本姬姓也.
          (Thương Quân là con một người thiếp của quý tộc nước Vệ, tên Ưởng, họ Công Tôn, tổ tiên vốn họ Cơ.)
          Thương Ưởng từ nhỏ đã thích cái học hình danh của Pháp gia, sau đến với Tướng quốc nước Nguỵ là Công Tôn Toạ 公孙痤, giữ chức Trung thứ tử. Công Tôn Toạ trước khi lâm chung từng tiến cử Thương Ưởng với Nguỵ Huệ Vương, nhưng Nguỵ Huệ Vương không dùng. Thế là Thương Ưởng đi về phía tây đến nước Tần. Thông qua việc hối lộ sủng thần của Tần Hiếu Công là Cảnh Giám 景监, gặp được Hiếu Công, Thương Ưởng dâng lên kế sách làm cho nước giàu binh mạnh, được trao chức Tả thứ trưởng, chủ trì biến pháp.
          Lúc đầu thi hành tân pháp, gặp phải sự phản đối của cựu quý tộc, nhất là nhóm quý tộc có thái tử là nhân vật trung tâm. Tân pháp quy định “sát nhân giả tử” 杀人者死, quý tộc Chúc Hoan 祝欢 sau khi giết người đã trốn ở cung thái tử hòng tránh khỏi bị giết. Được sự ủng hộ của Tần Hiếu Công, Thương Ưởng kiên quyết xử tử. Tân pháp cũng quy định “nặc gian giả đồng tội” 匿奸者同罪 (che giấu kẻ gian cũng cùng tội), do bởi thái tử còn nhỏ, lại là trừ quân, nên xử phạt vị sư phó, người phụ trách dạy dỗ thái tử.  Thái phó của thái tử Tứ là Công Tôn Kiền 公孙虔 bị xử phạt, về sau do tái phạm nên bị hình phạt xẻo mũi. Thái sư Công Tôn Giả 公孙贾 cũng vì xúc phạm tân pháp nên bị hình phạt thích chữ lên mặt. Từ đó tân pháp tiến hành không bị trở ngại. Nhưng Thương Ưởng không biết rằng, những việc ông làm ra lại dẫn đến sự bất mãn của thái tử, và cũng đã ngầm ươm cái hoạ phanh thây sau này.
          Sau 10 năm thi hành tân pháp, “dân Tần vui mừng, trên đường không nhặt của rơi, núi rừng không còn đạo tặc, nhà nhà no đủ. Dân hăng hái với việc công mà sợ đánh nhau vì việc riêng.” Quốc lực nước Tần tăng lên, địa vị trong các chư hầu  cũng ngày được nâng cao, tân pháp đã thực hiện được lí tưởng quốc phú binh cường. Tần Hiếu Công phong cho Thương Ưởng, đem 15 ấp ở đất Ư ban cho. Nhưng biến pháp cũng tạo ra cho Thương Ưởng cường địch, trong quý tộc và tông thất rất nhiều người oán hận Thương Ưởng. Trong Sử kí – Thương Quân liệt truyện 史记 - 商君列传 ghi rằng:
Thương Quân tướng Tần thập niên, tông thất quý thích đa oán vọng giả.
商君相秦十年, 宗室贵戚多怨望者.
          (Thương Quân làm tướng nước Tần 10 năm, quý tộc và tông thất nhiều người oán hận.)
          Có người từng khuyên Thương Ưởng từ bỏ quan vị , trở về đất phong. Nếu không,  một mai khi Hiếu Công qua đời, hậu quả khó mà tưởng tượng. Thưởng Ưởng không nghe.
          Quả nhiên, sau khi Hiếu Công mất, thái tử lên ngôi là Tần Huệ Vương. Huệ Vương lên ngôi chẳng bao lâu, nhóm Công Tôn Kiền bèn cáo Thương Ưởng mưu phản, khiêu khích trước mặt Huệ Vương rằng:
          - Nay bách tính bất luận già trẻ, chỉ biết pháp lệnh của Thương Ưởng, không biết pháp lệnh của đại vương, Thưởng Ưởng như chủ, đại vương như bề tôi. Đại vương còn nhớ năm đó Thương Ưởng xử phạt đối với ngài không?
          Huệ Vương tin theo lời gièm tuyên bố Thương Ưởng mưu phản, sai sĩ tốt truy bắt Thương Ưởng. Thương Ưởng nghe tin liền trốn chạy đến biên giới, định trọ tại một quán trọ. Chủ quán trọ không biết đó là Thương Ưởng, nói rằng:
          - Pháp lệnh của Thương Quân quy định, khách trọ không có giấy tờ sẽ bị xử phạt.
          Thương Ưởng nghe xong than rằng:
          - Không ngờ biến pháp cuối cùng như nhấc tảng đá đập vào chân mình.
          Liền trong đêm đó rời nước Tần chạy đến nước Nguỵ, nhưng người nước Nguỵ oán hận Thương Ưởng từng dẫn quân Tần đánh nước Nguỵ, nên không chịu che chở. Thương Ưởng định từ Nguỵ trốn chạy sang nước khác, nhưng nước Nguỵ cho rằng Thương Ưởng là tội phạm mà nước Tần truy bắt. Nước Tần hiện rất hùng mạnh, nếu không bắt Thương Ưởng giao về Tần sẽ gặp phải phiền phức, thế là chuẩn bị bắt Thương Ưởng áp giải về Tần. Thương Ưởng nghe tin đành trốn về nơi ấp Thương, đất được phong của mình, tụ tập quân đội trong ấp đánh nước Trịnh phía bắc. Chẳng bao lâu bị Huệ Vương phái quân đội bao vây, Thương Ưởng bị giết ở Mãnh Trì黾池 nước Trịnh. Huệ Vương vẫn chưa nguôi cơn giận, hạ lệnh đem thi thể Thương Ưởng cho xe xé xác để thị chúng, đồng thời tru diệt toàn gia Thương Ưởng, căm phẫn nói rằng:
          - Sau này xem ai còn dám tạo phản giống như Thương Ưởng.
          Về việc Thương Ưởng có bị xe xé xác hay không, có mấy thuyết. Tư Mã Thiên 司马迁 trong Sử kí 史记 nói rằng:
Tần Huệ Vương xa liệt Thương Quân dĩ tuẫn, viết: ‘Mạc như Thương Ưởng phản giả!’ Toại diệt Thương Quân chi gia
秦惠王车裂商君以殉, : 莫如商鞅反者!遂灭商君之家
(Tần Huệ vương cho ngũ mã phanh thây để thị chúng, nói rằng: ‘Chớ có như Thương Ưởng mưu phản!’ bèn giết cả nhà Thương Quân)
Điều này nhất trí với những gì đã nói ở trên. “Xa liệt” 车裂 tức hình phạt tàn khốc “ngũ mã phân thi” 五马分尸, chuyên dùng để trấn áp những kẻ đại nghịch bất đạo mưu phản, phản nghịch, ở những triều đại mà mâu thuẫn giai cấp đặc biệt gay gắt lại càng áp dụng rộng rãi. Trong Tả truyện – Hoàn Công thập bát niên 左传 - 桓公十八年 có câu:
Nhi viên Cao Cừ Di
而辕高渠弥
(Cho ngũ mã phanh thây Cao Cừ Di)
          “Viên” là dùng xe xé xác tức “ngũ mã phanh thây”.
          Cũng trong Tả truyện – Tuyên Công thập nhất niên 左传 - 宣公
十一年 có câu:
Sát Hạ Trưng Thư, viên chư Túc môn
杀夏征舒, 辕诸粟门
(Giết Hạ Trưng Thư, cho ngũ mã phanh thây ở Túc môn)
Từ những câu này cho thấy rõ hình phạt đó đã có từ rất sớm, Thương Ưởng đã đụng đến lợi ích của giai cấp thống trị lúc bấy giờ nên gặp phải cực hình này, một đời cải cách mà phải bỏ mạng chốn suối vàng, để lại công tội thị phi cho người đời sau bình phẩm.

                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                   Quy Nhơn 08/5/2016

Nguyên tác Trung văn
THƯƠNG ƯỞNG VỊ HÀ BỊ NGŨ MÃ PHÂN THI
商鞅为何被五马分尸
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013 
Previous Post Next Post